-Hai câu hỏi chiếm 30% tổng điểm của đề thi đại học khối C và D sáng nay yêu cầu thí sinh luận bàn về lối sống khôn khéo và thụ động của người Việt.
Khoảng trống lớn cho suy nghĩ riêng Theo dõi khá sát sao đề thi ĐH nhiều năm, cô giáo Trịnh Thu Tuyết, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét: Câu hỏi nghị luận xã hội ở cả khối C và D đều đưa ra những nhận xét về cách sống của một bộ phận người hiện đại. Những nhận xét ấy chứa đựng những khoảng trống khá lớn cho suy nghĩ riêng của thí sinh. Theo cô Tuyết, các em không bị định hướng gò bó trong những ý kiến luôn luôn là chân lí như trước đây. Có thể thẳng thắn bày tỏ quan niệm của mình, qua đó, chúng ta sẽ nhận được những phản hồi khá trung thực về thực trạng giáo dục cũng như thực trạng cuộc sống xã hội. Còn cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Đề thi cả hai khối có thể đánh giá cao về chất văn của thí sinh. Tuy nhiên, để làm tốt được, đòi hỏi các em phải có độ tư duy cao”. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc – Trường THPT Phan Thúc Trực (Nghệ An) bày tỏ: Nhìn chung đề văn năm nay đòi hỏi học trò phải có tính trí tuệ cao, sự phong phú, tính thực tiễn. Thầy Ngọc cũng nhìn nhận, đề thi có tính giáo huấn đối với thí sinh trước khi bước vào đời. Trao đổi vớiGiáo dục - Thời đại, thầy giáo Phạm Gia Mạnh, Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội cho biết, câu hỏi nghị luận xã hội có ý nghĩa tích cực với học sinh, hay và lạ tuy nhiên "khá khó". “Đây là câu có tính phân loại, học sinh cần tư duy độc lập mới mong đạt điểm tốt, còn nếu học theo văn mẫu chắc chắn không thể làm được câu này” - thầy Mạnh nhận xét. Khôn khéo ở mức nào? 10h15 phút sáng 10/7, bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh cho rằng đề thi ĐH môn Ngữ văn của cả hai khối C và D đều khó. Nguyễn Thu Hà, thi khối D tại điểm Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói: "Trong phòng em, rất ít bạn xin tờ thứ 3”.
Hoàng Thuỳ Dương, thí sinh quê ở Phú Thọ nhăn nhó khi rời khỏi phòng thi khá sớm, cho biết: "Đề thi khá mở, bạn nào học tủ thì khó có thể làm được”. Còn Lữ Thị Hương, quê ở Thanh Hóa, thi khối C vào Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhìn nhận cấu trúc đề thi năm nay không có gì thay đổi. Hương đoán trúng câu hỏi 2 điểm (phân tích nhân vật trong tác phẩm của Thạch Lam) nên làm không khó khăn. Tuy nhiên, câu hỏi nghị luận xã hội về "sự khôn khéo của người Việt" khá "xương" đối với Hương. "Thực sự, em phải suy nghĩ khá nhiều khi đặt bút viết bài. Trong bài, em nêu cả điểm tích cực lẫn tiêu cực của lối sống không coi trọng trí tuệ mà coi trọng sự khéo léo. Sau đó, em nêu quan điểm của cá nhân mình. Theo em, trong cuộc sống con người cần cả trí tuệ và sự khôn khéo. Có như vậy con người mới phát triển và sống tốt với nhau được". Tương tự, thí sinh Nguyễn Nam Hà quê ở Đông Anh (Hà Nội) thi vào ngành âm nhạc biểu diễn cho biết em cũng phải suy nghĩ nhiều, thậm chí "khựng lại" trước câu hỏi mở về lối sống truyền thống của người Việt Nam. Còn Lê Đình Thám (quê ở Nông Cống, Thanh Hóa) không làm được, không nghĩ được gì để viết nên ra ngoài sớm. Thám chỉ viết được 1 tờ giấy thi nhưng rất đặt hy vọng vào câu 2 nghị luận xã hội. "Với câu hỏi này, thí sinh có hiểu biết, am hiểu về đời sống là làm được, vì thực tế sự khôn khéo trong đời sống là cần thiết". Thụ động đến cỡ nào? Ở đề Ngữ văn khối D, nhiều thí sinh tỏ ra khá thích thú với câu hỏi này và đồng ý với suy nghĩ của John rằng người Việt Nam thụ động, ít sáng tạo, thường làm theo số đông và khá an phận. Các em cũng lật lại vấn đề câu nói của Trần Hùng John là áp đặt suy nghĩ chung về người Việt Nam. Ở đâu cũng có người này, người kia và ở Việt Nam cũng có những người rất đáng kính.
Hà Đan, một nữ sinh được biết đến qua các seri phim Cảnh sát hình sự với gương mặt xinh như Bạch Tuyết, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: "Đồng ý rằng nhiều người Việt thường suy nghĩ thu động, làm theo cái có sẵn. Nhưng John nói anh ấy cũng định theo cách sống đó, tức là sẽ không thử mà bắt chước người khác, không phải là người tiên phong luôn là điều em không đồng ý". Theo Hà Đan, mọi người nên can đảm, chủ động theo con đường mình lựa chọn. Áp lực xã hội, mong muốn của cha mẹ muốn con cái học giỏi là chính đáng. Nhưng bạn cần nhận ra khả năng và lựa chọn theo cả niềm đam mê nữa. Bắt chước có cái tốt với đất nước ta khi nền công nghiệp còn nhiều yếu kém. Bởi sẽ tận dụng được công nghệ tiên tiến của nước khác để phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, mãi mãi bắt chước sẽ chỉ tạo ra những con người thụ động, đầu óc mụ mị và làm cho bản thân trở nên hèn nhát. Xã hội không thể phát triển nếu không có những con người sáng tạo, dám đi đầu, dù biết phía trước nhiều khó khăn". Lê Hoàng Nam, quê Ninh Bình cho biết: "Cần lật đi lật lại câu nói này để làm sáng tỏ cái hay và không hay của việc bắt chước hay thụ động làm theo người khác. Bản thân em chọn một số ví dụ những người đã có thành công trong việc đi tiên phong khiến đất nước ta rạng danh như GS Ngô Bảo Châu". Đáp án môn Ngữ văn khối C
Đáp án môn Ngữ văn khối D
|