Tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 2019),ộTTTTsẽsớmtriểnkhainhânrộngchínhphủđiệntửbđ hom nay nhiều câu hỏi đã được các tỉnh thành và doanh nghiệp đặt ra đối với chương trình hành động nhằm triển khai xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh tại Việt Nam.
Những vấn đề mà các địa phương như Hà Nội, Huế, TP.HCM nêu ra cơ bản đều liên quan tới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục ứng dụng CNTT nên xuyên suốt trên toàn quốc.
Thắc mắc của các địa phương cũng xoay quanh việc thuê ngoài dịch vụ CNTT, quản trị dữ liệu, khung kiến trúc chính phủ điện tử, khung kiến trúc ICT cho đô thị thông minh, quy định cũng như cơ chế về việc thí điểm chính phủ điện tử tại các địa phương.
Nhiều địa phương đang triển khai thí điểm chính phủ điện tử trong giám sát hành chính công. Ảnh: Trọng Đạt |
Kết thúc thí điểm để nhân rộng, thay vì kéo dài
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với việc thí điểm chính phủ điện tử, cần phải xây dựng dựa trên nguyên tắc kiểm soát, tức là chỉ thí điểm trên một số lượng hữu hạn thay vì tất cả các tỉnh.
Nguyên tắc thứ 2 là chỉ thử nghiệm trong một khoảng thời gian hữu hạn. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương để việc thử nghiệm kéo dài vài năm, thậm chí hàng chục năm.
Nguyên tắc thứ 3 là khi tiến hành thí điểm phải đề ra được mục tiêu để căn cứ vào đó tiến hành đánh giá kết quả. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thực hiện một cách có hiệu quả, trong quá trình thí điểm phải có sự tập trung chỉ đạo và điều hành thực hiện.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trọng Đạt |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp và các địa phương đề cập đều đã lộ ra trên thực tế. Chính phủ cũng đã nhìn ra các vấn đề đó và đã có lộ trình giải quyết tình trạng trên với việc ra Nghị quyết 17 về thúc đẩy chính phủ điện tử.
Việt Nam đã có một Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Đây chính là cơ quan đầu não nắm vai trò chỉ đạo. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ về Bộ TT&TT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh việc kết thúc thí điểm tại một số tỉnh thành và các bộ. “Đối với cái mới thì nên làm thí điểm, nhưng cần phải làm nhanh, sau đó ra hướng dẫn để nhân rộng chứ đừng kéo dài”.
Bộ TT&TT sẽ gỡ rối cho các địa phương, doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, từng tỉnh, từng bộ đều đã có cách làm riêng về xây dựng chính phủ điện tử, tuy vậy hệ thống của các bộ ngành, địa phương phải kết nối, chia sẻ được với nhau. Để làm được điều đó, cần đẩy nhanh sự ra đời của một nền tảng dùng chung. Bộ TT&TT sẽ đứng ra để làm việc này.
Bộ TT&TT xác định, việc xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam có nhiều khó khăn, thách thức. Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, với những vấn đề mới chưa từng có tiền lệ, nếu ra thể chế trước nhiều khi sẽ dẫn tới việc tự làm khó chính mình.
Thủ tướng Chính phủ đã chuyển nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ về Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt |
Trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ làm việc với từng bộ, từng địa phương để giải quyết những vướng mắc khó khăn và đặt ra mục tiêu kế hoạch cho các đầu mối này.
Bộ TT&TT coi chính phủ điện tử và đô thị thông minh là một mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một là xây dựng được một chính phủ điện tử thông minh hoạt động hiệu quả.
Thông qua đó, Việt Nam sẽ từng bước tạo ra các doanh nghiệp CNTT mạnh để góp phần cho giai đoạn tiếp theo nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Sau đó, từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT có thể đi ra toàn cầu.
Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc phân vai cho một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều doanh nghiệp đang làm cùng một loại sản phẩm nhưng lại làm không đến nơi. Do vậy, Bộ sẽ đóng vai trò phân vai để các doanh nghiệp làm cái gì ra cái đấy và thực sự hiệu quả.
Trọng Đạt