Ông Nguyễn Xuân Thành,ùithờiđiểmkếtthúcnămhọcvìdịtepatitlan Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch Covid-19, bao gồm cả việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Ông có thể cho biết việc này sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Đến nay, hầu hết các địa phương đã cho học sinh nghỉ học ít nhất 2 tuần, có thể sẽ nhiều hơn nữa. Bộ cũng phải căn cứ vào thực tiễn đó để điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học từ 1 đến 2 tuần nhằm đảm bảo cho các địa phương có quỹ thời gian bố trí học bù cho học sinh.
Trường hợp diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn nữa thì thời điểm kết thúc năm học cũng có thể kéo dài từ 2 đến 3 tuần.
Để cho các địa phương có căn cứ điều chỉnh khung kế hoạch thời gian, tới đây, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc này.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng |
Vậy thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 có bị lùi theo hay không?
- Đối với kỳ thi THPT quốc gia - cũng tương tự như việc lùi thời điểm kết thúc năm học - tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, không thể nói là kỳ thi THPT quốc gia có bị lùi hay không. Căn cứ vào tình hình thực tế của dịch bệnh cũng như việc nghỉ học của học sinh ở các địa phương, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở thời điểm phù hợp, tương ứng với thời điểm kết thúc năm học được lùi.
Vậy khi học sinh đi học trở lại, Bộ GD-ĐT có thể “chốt” ngay các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung?
- Trước khi học sinh quay trở lại học tập, Bộ sẽ hướng dẫn để các địa phương làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh kế hoạch năm học. Trong đó sẽ có quỹ thời gian học bù để đảm bảo thực hiện chương trình và các yêu cầu kiến thức.
Theo các quyết định hiện hành của Bộ GD-ĐT, khung thời gian năm học có một số mốc thời gian sẽ buộc phải thực hiện. Cụ thể, ngoài bắt đầu và kết thúc năm học vào ngày 31/5 thì thời điểm phải hoàn thành việc xét tốt nghiệp học sinh tiểu học và THCS là 15/6, ngày 31/7 phải hoàn thành việc tuyển sinh vào lớp 10.
Tới đây, nếu điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học lùi 2 tuần thì những mốc thời gian sau đó cũng phải điều chỉnh; theo nguyên tắc là mốc cuối cùng phải đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của năm học tiếp theo.
Vì vậy, khi điều chỉnh phải tính toán khoảng thời gian để tổ chức những kỳ thi đó. Sự chuẩn bị của các cơ quan quản lý giáo dục cũng có thể ngắn hơn so với thường lệ, để dành thời gian cho học sinh ôn tập đảm bảo kiến thức.
Có những ý kiến thắc mắc tại sao Bộ GD-ĐT không cho học sinh nghỉ luôn 3 tháng và học bù vào 3 tháng hè. Ông có thể giải thích điều này?
- Khi điều chỉnh, phải tính đến việc học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 không phải tất cả đều giống nhau.
Học sinh cuối cấp buộc phải có những kỳ thi chuyển cấp, chẳng hạn như học sinh lớp 9 có kỳ thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 có kỳ thi THPT quốc gia, không thể lùi sang năm sau được, bởi phải đảm bảo khung thời gian của năm học tiếp theo.
Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn nêu rõ thẩm quyền cho học sinh nghỉ hay đi học lại thuộc về UBND cấp tỉnh/thành phố, nhưng căn cứ tình hình thực tiễn mà có thể quyết định theo đối tượng học sinh hoặc địa bàn.
Bộ sẽ không hướng dẫn thêm về thời gian học bù
Với việc các địa phương cho học sinh đi học trở lại sớm muộn khác nhau, Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào?
- Bộ GD-ĐT đề ra khung thời gian năm học chính là để đảm bảo sự khác nhau của các vùng miền theo từng điều kiện đặc thù.
Bộ chỉ tính toán các mốc thời gian quan trọng, còn kế hoạch thực hiện là do địa phương tự xây dựng. Không bao giờ có sự đồng loạt được, vì vậy, việc các địa phương cho học sinh đi học sớm muộn khác nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. Bình thường đã là như thế.
Việc dạy học bù sau thời gian nghỉ sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?
- Với khung thời gian năm học được xác định thì kế hoạch dạy học chỉ thay đổi về thời gian.
Việc thực hiện chương trình giáo dục đã có quy định, vì vậy căn cứ vào đó, các địa phương và các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch học bù và tổ chức dạy học thực hiện chương trình như bình thường. Bộ GD-ĐT sẽ không hướng dẫn gì thêm về việc này.
Với những địa phương mà tình hình dịch bệnh có thể kéo dài (như Vĩnh Phúc), toàn quốc liệu có thể chờ theo?
- Những địa phương tâm dịch như Vĩnh Phúc là trường hợp cá biệt, quan điểm của Bộ GD-ĐT là “sức khỏe, tính mạng của học sinh là trên hết”.
Ở những nơi đó, rõ ràng học sinh phải thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên có thể thời gian nghỉ của các em dài hơn. Do vậy, địa phương càng cần phải nỗ lực hơn trong việc tổ chức dạy học bù khi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại.
Học sinh các địa phương này cũng phải cố gắng hơn. Bộ đã có hướng dẫn trong thời gian nghỉ cần cố gắng tối đa bằng các cách thức, phương tiện như công nghệ thông tin, điện thoại, tin nhắn... để kết nối thầy trò với nhau, nhà trường với gia đình. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn học sinh tự học và ôn tập. Như vậy, khi quay trở lại trường, thời gian ôn tập có thể ngắn hơn so với địa phương khác nhưng học sinh vẫn đảm bảo được kiến thức.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hùng - Hạ Anh (Thực hiện)
- Nhiều phụ huynh băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao đến thời điểm này Bộ GD-ĐT không quyết định việc cho học sinh nghỉ học để phòng virus corona.