Bình đẳng: Ai nắm dữ liệu,àihọcchothếkỷAinắmdữliệungườiđónắmtươguimaraes vs người đó nắm tương lai
Trong vài thập kỷ trở lại đây, con người khắp nơi trên thế giới bảo nhau rằng nhân loại đang trên đường đến bình đẳng, rằng toàn cầu hóa và các công nghệ mới sẽ giúp chúng ta đến đó sớm hơn. Trên thực tế, thế kỷ 21 có thể sẽ tạo ra những xã hội bất bình đẳng nhất trong lịch sử. Mặc dù toàn cầu hóa và internet đã nối liền khoảng cách giữa các quốc gia, chúng lại đe dọa nới rộng hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp. Và đúng lúc nhân loại có vẻ như sắp đạt đến sự hợp nhất toàn cầu thì bản thân giống loài chúng ta lại có thể chia thành các đẳng cấp sinh học khác nhau.
Bất bình đẳng có từ tận thời Đồ Đá. Ba mươi nghìn năm trước, các nhóm săn bắn hái lượm đã chôn cất một số thành viên trong những khu mộ xa hoa ngập đầy hàng ngàn chuỗi hạt ngà voi, vòng tay, trang sức và đồ trang trí, trong khi các thành viên khác phải an phận trong nhõn một cái hố trống không. Tuy nhiên, các nhóm săn bắn hái lượm cổ đại vẫn bình đẳng hơn bất kỳ xã hội loài người nào sau đó bởi họ có rất ít tài sản. Tài sản là tiền đề cho sự bất bình đẳng lâu dài.
Tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp, của cải sinh sôi và cùng với nó là bất bình đẳng. Khi con người sở hữu đất đai, vật nuôi, cây trồng và công cụ, các xã hội phân cấp cứng nhắc xuất hiện, trong đó các nhóm tinh hoa nhỏ nắm độc quyền hầu hết của cải và quyền lực từ thế hệ này đến thế hệ khác. Con người tiến tới chấp nhận sự sắp đặt này như một cái gì đó tự nhiên và thậm chí là thiên định. Sự phân cấp không chỉ là chuẩn mực mà còn là lý tưởng. Làm sao có trật tự nếu không có một sự phân cấp rõ rệt giữa quý tộc và thường dân, giữa đàn ông và đàn bà hoặc giữa bố mẹ và con cái? Tăng lữ, triết gia và thi nhân khắp thế giới kiên trì giải thích rằng cũng như không phải mọi bộ phận trong cơ thể người đều bình đẳng, như chân phải tuân lệnh cái đầu, bình đẳng trong xã hội con người sẽ chẳng mang lại gì ngoài bất ổn.
Tuy nhiên, vào cuối thời hiện đại, bình đẳng trở thành một lý tưởng trong hầu hết mọi xã hội loài người. Điều này một phần có được do sự trỗi dậy của các ý thức hệ mới là chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa tự do. Nhưng nó cũng do cuộc Cách mạng Công nghiệp, thứ khiến quần chúng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nền kinh tế công nghiệp phụ thuộc vào quần chúng là những người lao động bình thường, trong khi quân đội thời đại công nghiệp phụ thuộc vào lực lượng đông đảo các binh lính thường dân. Các chính phủ ở cả những nền dân chủ lẫn những nền độc tài đều đầu tư mạnh vào sức khỏe, giáo dục và phúc lợi của quần chúng vì họ cần hàng triệu người lao động khỏe mạnh để vận hành các dây chuyền sản xuất và hàng triệu binh lính trung thành để chiến đấu nơi chiến hào.
Do đó, lịch sử của thế kỷ 20 phần lớn xoay quanh việc giảm bất bình đẳng giữa các tầng lớp, chủng tộc và giới tính. Thế giới năm 2000 vẫn có những phân tầng nhất định nhưng nó vẫn bình đẳng hơn thế giới năm 1900 rất nhiều. Trong những năm đầu thế kỷ 21, con người đã hy vọng rằng tiến trình bình đẳng hóa sẽ tiếp diễn và thậm chí là tăng tốc. Đặc biệt, họ đã hi vọng rằng toàn cầu hóa sẽ lan tỏa thịnh vượng kinh tế trên khắp thế giới và kết quả là con người ở Ấn Độ và Ai Cập sẽ dần được hưởng những cơ hội và đặc quyền giống như con người ở Phần Lan và Canada. Cả một thế hệ đã lớn lên cùng với lời hứa đó.
Đến giờ, có vẻ như lời hứa này sẽ không được thực thi. Toàn cầu hóa hẳn đã đem lại lợi ích cho phần đông nhân loại, nhưng có các dấu hiệu của bất bình đẳng ngày càng tăng giữa và trong các xã hội. Một số nhóm ngày càng giữ độc quyền thành quả của toàn cầu hóa trong khi hàng tỷ người bị bỏ lại phía sau. Ngày nay, 1% những người giàu nhất sở hữu một nửa của cải của thế giới. Đáng báo động hơn, 100 người giàu nhất cùng nhau sở hữu nhiều của cải hơn bốn tỷ người nghèo nhất.
Tình hình có thể tệ hơn rất nhiều. Như đã giải thích ở các chương trước, sự trỗi dậy của AI có thể xóa bỏ giá trị kinh tế và quyền lực chính trị của hầu hết loài người. Cùng lúc đó, những tiến bộ trong công nghệ sinh học có thể biến các bất công về kinh tế thành bất công về sinh học trở nên khả dĩ. Giới siêu giàu cuối cùng sẽ có cái gì đó xứng đáng để làm với khối tài sản kếch sù của họ. Trong khi cho đến nay, họ mới chỉ có thể mua những biểu tượng địa vị thì chẳng mấy chốc, họ có thể mua được chính sự sống. Nếu các liệu pháp mới để kéo dài sự sống và nâng lên các năng lực thể chất cũng như nhận thức hóa ra là đắt đỏ, thì nhân loại có thể phân chia thành các tầng lớp sinh học.
Xuyên suốt lịch sử, người giàu và giới quý tộc luôn tưởng tượng mình có những kỹ năng ưu việt hơn tất cả những người khác, đấy là lý do vì sao họ nắm quyền. Như những gì chúng ta biết, điều này không đúng. Gã hầu tước tầm tầm chẳng tài cán gì hơn người nông dân bình thường cả, hắn có được sự ưu việt của mình chỉ nhờ phân biệt đối xử bất công trong pháp luật và kinh tế. Tuy nhiên, đến năm 2100, người giàu có thể thật sự tài năng hơn, sáng tạo hơn và thông minh hơn những người sống ở khu ổ chuột. Một khi một hố ngăn năng lực thật sự mở ra giữa người giàu và người nghèo, việc lấp nó lại sẽ gần như bất khả. Nếu người giàu sử dụng các khả năng ưu việt của mình để làm họ ngày càng giàu hơn, và nếu nhiều tiền hơn có thể mua cho họ những cơ thể và bộ não được nâng cấp, thì theo thời gian, hố ngăn đó sẽ chỉ rộng ra mà thôi. Đến năm 2100, 1% những người giàu nhất có thể không chỉ sở hữu phần lớn của cải của nhân loại mà cả phần lớn sắc đẹp, sự sáng tạo và sức khỏe của thế giới.
Do đó, hai tiến trình song song, công nghệ sinh học cùng sự trỗi dậy của AI, có thể dẫn đến sự phân chia loài người thành một tầng lớp nhỏ gồm các siêu nhân và một tầng lớp dưới khổng lồ gồm những Homo sapiens vô dụng. Và để khiến một tình thế vốn đã nguy hiểm trở nên tồi tệ hơn, khi đại chúng mất đi tầm quan trọng về kinh tế và quyền lực chính trị, nhà nước sẽ mất ít nhất là một chút động lực đầu tư vào sức khỏe, giáo dục và phúc lợi cho họ. Vô dụng là cực kỳ nguy hiểm. Khi ấy, tương lai của đại chúng sẽ phụ thuộc vào lòng tốt của một giới tinh hoa cực nhỏ. Có thể lòng tốt sẽ hiện hữu trong vài thập kỷ. Nhưng trong giai đoạn khủng hoảng, như thảm họa khí hậu chẳng hạn, thì việc thảy đám người thừa xuống biển sẽ trở nên rất cám dỗ và dễ dàng.
Ở các nước có truyền thống lâu đời về các niềm tin tự do và thực hành xã hội phúc lợi như Pháp và New Zealand, có lẽ tầng lớp tinh hoa sẽ tiếp tục chăm lo cho quần chúng ngay cả khi họ không cần đến tầng lớp ấy nữa. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, nơi chủ nghĩa tư bản sâu sắc hơn, tầng lớp tinh hoa sẽ tận dụng cơ hội đầu tiên để dỡ bỏ những gì còn sót lại của nhà nước phúc lợi Mỹ. Một vấn đề còn lớn hơn nữa sẽ rình rập các nước đang phát triển lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil. Ở đó, một khi những người bình thường mất giá trị kinh tế, bất bình đẳng có thể sẽ tăng vọt.
Do đó, thay vì toàn cầu hóa đưa đến hợp nhất toàn cầu, nó có thể sẽ mang lại sự phân hóa loài: sự phân tách nhân loại thành các tầng lớp sinh học khác nhau hay thậm chí là các loài khác nhau. Toàn cầu hóa sẽ hợp nhất thế giới theo phương ngang bằng cách xóa bỏ các ranh giới quốc gia, nhưng cùng lúc đó, nó sẽ phân chia loài người theo chiều dọc. Những tập đoàn chính trị cầm đầu ở các quốc gia đa dạng như Hoa Kỳ và Nga có thể sẽ sáp nhập và chung sức chống lại đại đa số người bình thường. Từ góc độ này mà nói, sự căm ghét kiểu dân túy hiện tại đối với “giới tinh hoa” là rất có cơ sở. Nếu không cẩn thận, con cháu của những tài phiệt Thung lũng Silicon và tỷ phú Nga có thể trở thành một giống loài riêng biệt, thượng đẳng hơn con cháu của những người sống ở vùng đồi núi Appalachia và dân làng Siberia.
Về lâu dài, một viễn cảnh như vậy thậm chí có thể hóa giải toàn cầu hóa thế giới do các giai tầng phía trên tập hợp bên trong một “nền văn minh” tự xưng và xây tường, hào ngăn cách khỏi “lũ man rợ” bên ngoài. Trong thế kỷ 20, nền văn minh công nghiệp phụ thuộc vào “lũ man rợ” để có lao động giá rẻ, nguyên liệu thô và thị trường; thường là nó chinh phục rồi “hấp thu” chúng. Nhưng trong thế kỷ 21, một nền văn minh hậu công nghiệp phụ thuộc vào AI, công nghệ sinh học và công nghệ nano có thể sẽ tự túc và bền vững hơn nhiều. Không chỉ toàn bộ các giai cấp mà toàn bộ các quốc gia và các lục địa cũng có thể trở nên vô dụng. Các pháo đài được máy bay không người lái và robot canh giữ có thể phân tách các vùng văn minh tự xưng, nơi người-máy đánh nhau bằng bom logic, với những vùng đất man rợ, nơi loài người hoang dã đánh nhau bằng rìu và AK-47.
Xuyên suốt cuốn sách này, tôi thường dùng ngôi thứ nhất số nhiều để nói về tương lai của nhân loại. Tôi nói về những gì “chúng ta” cần làm với các vấn đề của “chúng ta”. Nhưng có lẽ sẽ không có “chúng ta” nào cả. Có lẽ một trong những vấn đề lớn nhất của chúng ta là các nhóm người khác nhau sẽ có những tương lai hoàn toàn khác nhau. Có lẽ ở một số nơi trên thế giới, bạn nên dạy con bạn viết mã máy tính, trong khi ở một số nơi khác, bạn nên dạy chúng rút súng thật nhanh và bắn thật thẳng.
Trích sách: 21 bài học cho thế kỷ 21