Từ lâu,Đivềphíalửc2 cup cứu hỏa được xem là nguy hiểm, thậm chí, mọi người còn nói với nhau rằng: "Đây là nghề mà ai cũng muốn thất nghiệp", bởi khi những đám cháy xảy ra đều mang đến nhiều mất mát. Để tôn vinh những người “muốn thất nghiệp trong chính nghề của mình”, đạo diễn Trần Thanh Huy đã tái hiện sự hy sinh thầm lặng của họ thông qua 10 tập của bộ phim truyền hình “Đi về phía lửa”.
“Đi về phía lửa” đã đi được lên sóng và đồng hành cùng quý khán giả 2/3 chặng đường, mỗi tập phim đều mang đến cho khán giả những góc nhìn để có thể thấu hiểu hơn về nghề cứu hỏa, cứu nạn và cứu hộ. Mỗi nhiệm vụ là một khó khăn, một thử thách và đôi khi là sự đánh đổi giữa công việc và gia đình.
Quan điểm của đạo diễn Trần Thanh Huy trong quá trình thực hiện bộ phim "Đi về phía lửa" là chỉ quay các cảnh thật, không sử dụng "hàng giả". Điều này đòi hỏi các diễn viên phải có một sự tập trung cao độ, lăn xả và nhập vai tới mức bầm dập. Những vụ cháy, tai nạn giao thông với diễn biến dồn dập, bối cảnh rộng lớn mang lại sự dồn nén về cảm xúc cho người xem, quá trình cứu hộ cứu nạn như đang được diễn ra trước mắt khán giả, căng thẳng tới nghẹt thở.
Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ, khi bắt tay vào dự án phim này, đạo diễn Trần Thanh Huy luôn đặt tiêu chí chân thực lên hàng đầu nên đã gặp nhiều thách thức suốt quá trình bấm máy. Với anh, có thể nói đây là bộ phim hội tụ mọi thứ khó nhất của nghề làm phim khi có nhiều đại cảnh phức tạp như cháy chung cư, cháy chợ, cháy nhà trong ngõ, rồi cứu hộ cứu nạn ở những địa hình hiểm trở, sông sâu, núi cao...
Trong phim có những cảnh quay phức tạp, quy mô không khác gì phim điện ảnh. Để tạo ra những thước phim chân thực nhất, đoàn làm phim "Đi về phía lửa" nhận được sự hỗ trợ và giám sát của Phòng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố Đà Nẵng. Nhờ vậy mới có thể quay thành công những cảnh phim cháy nổ với lửa thật, khiến dàn diễn viên phải dốc hết sức mình và nhiều lần trải nghiệm cảm giác như thể “hồn lìa khỏi xác”.
“Tất cả cảnh hành động trong phim đều phải tập dượt rất kỹ lưỡng, tôi tuyệt đối không cho phép việc làm liều trong các cảnh quay. Với các phân cảnh chữa cháy, cứu nạn, đoàn phim luôn nhận được sự hỗ trợ tư vấn của Phòng cảnh sát PCCC & CNCH TP Đà Nẵng”, đạo diễn phim "Đi về phía lửa" nhấn mạnh.
Với mong muốn tạo ra không khí thật nhất có thể để người xem cảm nhận được hết sức nặng của bộ phim nên việc đốt lửa thật gần như là yêu cầu đầu tiên của đạo diễn với êkip. Để phục vụ cho ý tưởng đó, êkip sản xuất đã tính toán các phương án đốt lửa ở đâu, vị trí nào, cộng thêm cả hiệu ứng khói và nước cùng nhiều hiệu ứng ánh sáng khác.
Trong khi đó, với việc quay một cảnh cháy, yêu cầu an toàn cho toàn bộ đoàn làm phim luôn được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình chuẩn bị cho cảnh cháy với lửa thật, đoàn làm phim đều tính toán đầy đủ các phương án dập lửa, lối thoát hiểm và hơn hết là sự hỗ trợ từ các chiến sĩ cảnh sát PCCC& CNCH đã luôn sẵn sàng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người.
Tình tiết gay cấn, hấp dẫn, chân thực
“Tôi còn nhớ khi quay một cảnh cháy xe hơi, tổ sản xuất phối hợp cùng các chiến sĩ PCCC & CNCH chuẩn bị 2 xe chữa cháy có nước và hoá chất chuyên dụng để dập lửa. Vậy nên khi thực hiện cảnh quay này, tôi và êkip rất tự tin để ghi hình”, đạo diễn Trần Thanh Huy kể lại.
Vào vai đội trưởng Toàn Thắng, Xuân Phúc cho biết bản thân anh và các diễn viên khác đã trải qua những cảnh quay vất vả tới mức gần như vắt kiệt sức chỉ để tạo ra những thước phim chỉn chu, mặc dù thời lượng xuất hiện trong từng tập ngắn ngủi và trông có vẻ đơn giản. Ví dụ như cảnh bế những nạn nhân ra khỏi đám cháy, cả đoàn phải bấm máy thực hiện tới 10 lần để lấy nhiều góc quay. Tới khi hoàn thành cảnh quay, tất cả diễn viên mới được cởi bỏ đạo cụ, gỡ mặt nạ, bình dưỡng khí, lúc này ai nấy đều đã mệt nhoài.
“Tôi cũng từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây thực sự là bộ phim đem đến nhiều trải nghiệm khó khăn nhất, cũng là lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng”, Xuân Phúc trải lòng.
Xuân Phúc cũng tiết lộ có những cảnh bản thân phải trực tiếp đối diện với ngọn lửa thật, và chính trong giây phút này, nam diễn viên mới hiểu thấu sự nguy hiểm mà những người lính cứu hoả luôn phải đối diện khi làm nhiệm vụ. Trải nghiệm này cũng khiến Xuân Phúc hóm hỉnh chia sẻ thêm rằng nếu vợ anh mà có mặt tại bối cảnh phim, chắc chắn cô sẽ ngăn cản nam diễn viên tham gia tác phẩm này. Quá trình diễn xuất vất vả là thế, nhưng anh cũng nhìn nhận đây là vai đặc biệt trong nghiệp diễn vì mang lại quá nhiều cảm xúc, đặc biệt là trải nghiệm khi phải đối mặt giữa sự sống và cái chết.
Đặc biệt, một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi đoàn đang bấm máy cho một đại cảnh cháy, kéo dài từ đêm hôm trước tới tận 5h sáng hôm sau. Khi vừa quay xong, Xuân Phúc mở điện thoại thì đọc được tin cháy khu chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến anh nổi da gà. Anh nhớ nhất hình ảnh một chiến sĩ bế một bé gái ra ngoài nhưng không cứu được, lúc đó tim anh như thắt lại. Bản thân Xuân Phúc cũng là một người cha nên rất đồng cảm và xúc động.
Đây cũng là một tác phẩm tâm huyết nhằm tri ân sự hy sinh to lớn của những cán bộ, chiến sĩ, những người lính cứu hỏa trên khắp cả nước đã không quản ngại gian khổ, vất vả, sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để dập tắt những đám cháy cũng như cứu hộ cho người dân.
Cùng đón xem những tình huống hấp dẫn và kịch tính của bộ phim vào 20h40 thứ 6 và thứ 7 hàng tuần trên VTV3.
Lệ Thanh