Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Xuân Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc,àmrõnhiềunộidungcủadựthảoBộluậtHìnhsựsửađổtrận newcastle chiều 30-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là lần thảo luận cuối cùng về dự thảo Bộ luật, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
Quy định các trường hợp không thi hành án tử hình thể hiện tính nhân đạo cao
Qua thảo luận vẫn còn ý kiến băn khoăn về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Chia sẻ với những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, tuy nhiên đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nêu quan điểm việc dự thảo không quy định tử hình không có nghĩa là tha hẳn mà tại khoản 4 của Điều 40 đã quy định “Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân."
Đại biểu phân tích “đối với người từ 75 tuổi trở lên mà ngồi tù chung thân, họ sống cũng không bao lâu nữa nên không sợ tái phạm để gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với quy định “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn,” theo đại biểu Kim Chi, quy định này nhằm thu hồi tài sản bởi nếu tử hình thì không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có, còn chung thân sẽ thu hồi được một phần tài sản.
Đại biểu Kim Chi thống nhất với khoản 3 Điều 40 bởi vì quy định này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, khoan hồng của Nhà nước, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời thu hồi được tài sản do phạm tội mà có.
Cũng thể hiện quan điểm đồng tình với quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đánh giá đây là một hướng mới góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của Nhà nước đối với người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) đánh giá quy định các trường hợp không thi hành án tử hình tại khoản 3 Điều 40 là điều mới, thể hiện tính nhân đạo cao. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị để tránh có kẽ hở của pháp luật cần phải quy định chặt chẽ, đối tượng, điều kiện áp dụng và cần cân nhắc xem xét làm rõ chế định này với quyền ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước để đảm bảo sự thống nhất giữa các chế định trong luật.
Ý kiến khác nhau về bổ sung xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng
Trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đó lại là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” thì vẫn xử lý hình sự nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc bổ sung quy định này là không rõ ràng. “Thế nào là có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần luật không có quy định và như thế điều đó phụ thuộc vào thái độ của người bị hại, có thể xảy ra trường hợp ở giai đoạn tố tụng này họ cho là có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần, ở giai đoạn tố tụng khác họ cho là không phải như vậy hoặc đối với người nay thì đó có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần nhưng đối với người khác thì lại không,” đại biểu Tám nói.
Đại biểu lo ngại các cơ quan tố tụng sẽ bị động trong quá trình thụ lý án và có thể xảy ra sự tùy tiện khi áp đặt điều kiện có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần và hậu quả là dễ xảy ra oan sai. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ trường hợp tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại tại Điểm b, Khoản 1, Điều 173.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng quy định như thế này rất chung chung, “người đánh giày và phương tiện đánh giày cũng rất đơn giản, nhưng đó là phương tiện kiếm sống chính của người ta. Buôn thúng bán bưng, phương tiện đó là phương tiện chính, nếu bị mất cắp cũng bị mang truy tố đâm ra lại tràn lan.” Đại biểu đề nghị cần thiết kế lại nội dung này.
Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là quan điểm của đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc). Theo đại biểu, nếu bổ sung quy định này thì dẫn đến thực trạng là những người phạm tội cùng có nhân thân như nhau, thực hiện hành vi như nhau, tài sản chiếm đoạt như nhau nhưng có người bị xử lý hình sự có người thì không.
“Mặt khác, việc bổ sung quy định này cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật, dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật, bởi không thể lấy thước đo để chứng minh đây là tài sản có gì đặc biệt về mặt tinh thần của người này mà không có giá trị về mặt tinh thần đối với người khác”, đại biểu Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Kim Tuyến lại đồng ý truy cứu trách nhiệm hình sự với tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng nếu tài sản là phương tiện kiếm sống chính, hoặc tài sản có giá trị đặc biệt với bị hại và gia đình. Theo đại biểu Tuyến, cần bổ sung tình tiết “vật có giá trị đặc biệt” nếu không dễ dẫn đến tùy tiện áp dụng, với mỗi người giá trị có thể khác nhau. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Danh Út (Kiên Giang), vì sẽ góp phần giải quyết những bức xúc của người dân, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Cho rằng đây là quy định xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho biết qua tiếp xúc, cử tri rất phẫn nộ đề nghị xử lý nghiêm minh về hành vi đối với các hành vi trộm cắp nhưng dưới 2 triệu đồng. Đại biểu Hà ví dụ việc trộm cắp chó, thậm chí mèo hoặc trộm cắp một chiếc xích lô của người lao động và xích lô này không có giá trị đối với những người khác nhưng người lao động đó họ thường ngày dùng phương tiện đó để sinh sống thì khi phát hiện được kẻ trộm cắp, cả làng, xóm ra đuổi, đánh, đốt, chém... Tuy nhiên, việc hình sự hóa hành vi này sẽ dẫn đến thực tế là những người phạm tội “có cùng nhân thân như nhau, tài sản chiếm đoạt cũng như nhau nhưng người thì bị xử lý về hình sự, người xử lý về hành chính, do đó tôi đề nghị thiết kế, nghiên cứu thành điều luật riêng,” đại biểu Hà nói.
Tại phiên họp, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các tình tiết như “gây hậu quả nghiêm trọng,” “gây hậu quả rất nghiêm trọng,” “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;” “tài sản có giá trị lớn,” “tài sản có giá trị rất lớn,” “tài sản có giá trị đặc biệt lớn;” “thu lợi bất chính lớn,” “thu lợi bất chính rất lớn,” “thu lợi bất chính đặc biệt lớn,” bảo đảm phù hợp với tinh thần Hiến pháp và áp dụng thống nhất pháp luật.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng, xác định cụ thể các tình tiết tăng nặng trong các khung hình phạt như lượng hóa về giá trị vật chất gây thiệt hại; xác định cụ thể thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người (thiệt hại về tính mạng, tỷ lệ tổn thương cơ thể, tổn thương về tâm thần); quy định rõ những tổn hại khác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trật tự, anh toàn xã hội...
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, hoàn thiện, trình Quốc đội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 10 này.
Theo chương trình, thứ 2, ngày 2-11, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 tại hội trường. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi./.
Theo TTXVN