VietNamNet đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng GS Quarraisha Abdool Karim - Chủ nhân của Giải thưởng Đặc biệt VinFuture dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” năm 2022. Là nhà khoa học đến từ Nam Phi,ảilàmsaođểnhữngbộóctốtnhấtcốnghiếnchoViệltd bd dem nay GS. Quarraisha Abdool Karim đã cùng chồng của mình là GS. Salim Abdool Karim phát triển công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch tễ, hai nhà khoa học này đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim cũng đã tạo ra thuốc dạng uống nhằm thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV đặc biệt dành cho phụ nữ, trẻ vị thành niên và hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả nội dung cuộc trao đổi này. Là một nhà khoa học đến từ nước đang phát triển, bà đã phải trải qua những khó khăn, thách thức gì để có được những thành tựu như hiện nay? Là một nhà khoa học nữ, lại đến từ một đất nước đang phát triển, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên tôi đã may mắn vượt qua bởi nhờ có những người cố vấn hỗ trợ. Với bản thân, khi gặp khó khăn, tôi sẽ cố gắng vượt qua nó và không để những trở ngại đó cản đường mình. Tôi hiểu rõ những khó khăn mà các nhà khoa học nữ đang gặp phải. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thế kỷ 21, một trong những mục tiêu phát triển bền vững được Liên Hợp Quốc đưa ra là về vấn đề bình đẳng giới. Chúng ta phải đấu tranh bằng mọi cách để phụ nữ có quyền, có cơ hội bình đẳng, từ đó đóng góp cho thế giới. Với tư cách là một nhà khoa học nữ, tôi nhận thấy phụ nữ nhìn vấn đề cụ thể qua một lăng kính hơi khác hơn so với nam giới. Thế nhưng, khi chúng tôi làm việc cùng nhau, cả nam và nữ, chúng tôi có thể tìm thấy giải pháp phù hợp với mọi người. Rõ ràng điều này là rất quan trọng bởi chúng ta không làm điều gì đó chỉ để đáp ứng cho nhu cầu của một nửa dân số. Sau khi tham gia giải thưởng VinFuture tại Việt Nam hồi năm ngoái rồi trở về Nam Phi, bà và các nhà khoa học khác đã có ấn tượng về Việt Nam như thế nào? Đó là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tôi và nhiều đồng nghiệp khác, do vậy tất cả mọi người đều cảm thấy rất phấn khích. Sau chuyến đi này, những người đồng nghiệp khác của tôi ở Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung đều tò mò muốn biết về Việt Nam. Họ muốn chúng tôi kể cho nghe câu chuyện về hành trình này, về các đất nước, con người và các nhà khoa học ở đất nước các bạn. Đó cũng là lý do mà tôi và nhiều người khác đã đến giảng dạy tại Việt Nam. Bắt nguồn từ chuyến thăm trước đó, chúng tôi đã thiết lập được một chương trình trao đổi sinh viên, trong đó một số sinh viên y khoa của Việt Nam sẽ đến Nam Phi. Hiện cũng đã có các dự án nghiên cứu và hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Nam Phi. Điều gì đã thôi thúc bà hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam cũng như thúc đẩy các chương trình hợp tác giao lưu giữa sinh viên Việt Nam và trường đại học ở đất nước mình? Cách đây 34 năm, khi bắt đầu nghiên cứu về HIV, tôi biết rất ít về căn bệnh này. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã được hưởng lợi từ sự trợ giúp của những người hướng dẫn, cũng như các mối quan hệ đối tác và hợp tác khác. Do vậy, nếu thấy ai đó hào hứng với lĩnh vực nghiên cứu mà tôi đang làm, tôi rất vui lòng được cộng tác với họ. Điều này khá phổ biến bởi việc nghiên cứu là một chủ đề chung giúp gắn kết niềm đam mê khoa học của chúng ta lại với nhau. Tất cả chúng ta đều hướng tới việc sử dụng khoa học để làm cho thế giới tốt đẹp hơn và cải thiện cuộc sống của mọi người. Khi làm việc cùng nhau, chúng tôi giống như một nhóm các nhà khoa học có cùng một mục tiêu, khi đang cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của nhân loại. Điều đó đối với tôi thực sự quan trọng. Chúng ta sẽ không thể đi xa nếu chỉ có một mình. Khi làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Tôi cũng đang tận dụng cơ hội khi tôi ở đây để gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam khác, và để xem làm thế nào chúng ta có thể thu hút nhằm tạo thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam hơn và giúp họ phổ biến được những công việc mà mình đã làm ra phạm vi toàn cầu. Một trong số đó bao gồm cả việc nâng cao nhận thức của thế giới về khoa học Việt Nam. Khoa học đời sống ứng dụng trong y học và sinh học là thế mạnh của tôi. Tôi muốn tìm hiểu xem sự hợp tác của mình có thể giúp xây dựng năng lực đó ở Việt Nam như thế nào. Giả sử được đề nghị đưa ra một lời khuyên nào đó, bà sẽ nói gì với các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và các nhà khoa học trẻ nói chung? Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chúng ta không đặt nặng vấn đề nghiên cứu. Chúng ta chú trọng đến kinh tế nhiều hơn là khoa học. Tuy nhiên, sự thật là tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta từ chiếc điện thoại cho đến các tòa nhà cao tầng, đều đến từ thành quả khoa học của các ngành khác nhau. Chúng ta nên nghĩ đến việc mình sẽ để lại gì sau khi có mặt trên thế giới này. Chúng ta cần phải trả lời câu hỏi tại sao mình lại ở đây? Mục đích của chúng ta là gì? Không phải để vui chơi, mua sắm hay có các bữa tiệc, nó nên là một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ cho chúng ta mà còn cho các thế hệ mai sau. Vẻ đẹp của con người đến từ cách chúng ta chăm sóc bản thân và những người xung quanh. Tôi hy vọng những người trẻ tuổi có thể nhận thấy rằng khoa học đã giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn như thế nào, để từ đó có động lực theo đuổi khoa học, thay vì chạy theo Instagram, TikTok và theo dõi Kim Kardashian. Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám. Chúng ta nên làm gì để giải quyết vấn đề này? Tôi là một người Nam Phi và đang làm việc chính tại đất nước tôi. Trong quá trình đó, tôi đã tham gia đào tạo hàng nghìn các nhà khoa học Nam Phi, nhiều người trong số họ sau đó đi đến một quốc gia khác có điều kiện tốt hơn và ở lại. Với bản thân tôi, tôi là người ủng hộ mạnh mẽ việc ở lại để phục vụ người dân và đất nước mình. Tôi không vui lắm khi thấy những nhà khoa học của đất nước tôi rời đi đến một quốc gia khác. Tuy nhiên, tôi tôn trọng việc di cư và nhập cư, đây là điều khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Ngay chính bản thân ông cố của tôi cũng là một người Ấn Độ nhập cư vào Nam Phi từ rất lâu trước đó. Tôi cảm thấy tình trạng chảy máu chất xám mà các nước đang phát triển phải đối mặt là một vấn đề hết sức tiêu cực. Chúng ta cần phải có giải pháp làm cách nào đó để các bộ óc tốt nhất sẽ ở lại và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Để làm điều đó, chúng ta phải chứng minh cho họ thấy bằng những lợi thế cạnh tranh và chiến lược nhất định, và cũng để họ hiểu rằng, tại những môi trường khác, họ sẽ không thể có những cơ hội như ở trong nước. Mỗi quốc gia lại có những vấn đề thách thức của riêng mình. Thực tế là ở các nước đang phát triển có sẵn nhiều bài toán cần tìm ra lời giải. Nếu giải quyết được những câu chuyện ở các nước đang phát triển, các nhà khoa học sẽ có thể tạo ra những nghiên cứu tốt nhất và góp phần vào việc thay đổi thế giới. Bà muốn gửi thông điệp gì tới các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam? Đối với tôi, khoa học là một hành trình thú vị, tôi cảm thấy mình đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Nếu phải nói gì đó với các bạn sinh viên, với tư cách là một nhà khoa học, tôi muốn đặt câu hỏi rằng “Các bạn muốn làm gì để thế giới tốt đẹp hơn?”. Hãy tìm ra đam mê của mình, theo đuổi nó một cách xuất sắc, kiên trì, bền bỉ. Nếu gặp thất bại, đừng bỏ cuộc, hãy cứ tiếp tục và rồi bạn sẽ đạt được điều mình muốn. Trong hành trình đó, cuộc sống của chúng ta thay đổi và thế giới cũng sẽ tốt đẹp hơn. Cảm ơn bà! Trọng Đạt (Thực hiện) |