Dự án Thám hiểm Ngoại hành tinh của Zooniverse cho phép các nhà khoa học quần chúng có thể lùng sục các dữ liệu từ phi thuyền Kepler thông qua máy tính tại nhà của họ. Các hành tinh này đã chặn một phần ánh sáng khi vượt qua phía trước ngôi sao chủ, khiến chúng chìm trong đường cong ánh sáng của ngôi sao này. Với mỗi lần lặn lặp lại như vậy trong đường cong ánh sáng, các tình nguyện viên đã xác định được quỹ đạo của một hành tinh.
Hệ hành tinh mới này nằm trong chòm sao Aquarius (Bảo Bình) cách chúng ta 597 năm ánh sáng và có 4 hành tinh khác nhau. Hành tinh nhỏ nhất lớn hơn 2 lần Trái đất một chút, và hành tinh lớn nhất thì lớn bằng 2,74 lần Trái đất. Tỷ lệ bán kính so với Trái đất và tên của các hành tinh này lần lượt là: 1,98 (EE-1b); 2,03 (EE-1c); 2,74 (EE-1d) và 2,22 (EE-1a). Mặc dù chúng lớn hơn Trái đất của chúng ta, nhưng chúng lại nằm rất gần với ngôi sao chủ vì thế đây là những hành tinh rất nóng bỏng. Hành tinh nằm gần nhất chỉ cách ngôi sao chủ 0,04 AU (đơn vị thiên văn), hành tinh nằm xa nhất cách 0,1AU. Một đơn vị thiên văn – AU – là khoảng cách trung bình từ Trái đất tới mặt trời (khoảng 150 triệu km).Những hành tinh này quay quanh ngôi sao chủ của chúng chỉ mất từ 3 tới 13 ngày Trái đất
Phát hiện này là của nhà khoa học nghiệp dư Andrew Grey tới từ Úc. Từ 7/2007, Zooniverse đã cung cấp nền tảng cho các nhà khoa học quần chúng để tạo ra những đóng góp thú vị và giá trị cho thế giới khoa học. Bất kỳ ai có hứng thú với khoa học và khám phá đều có thể trở thành một nhà khoa học quần chúng của dự án này.
Kể từ khi dự án này bắt đầu vào ngày 4/4, các nhà khoa học tham dự đã phân loại hơn một triệu đường cong ánh sáng và tìm thấy 184 hành tinh tiềm năng – 53 trong số chúng được xếp loại là siêu Trái đất.
Anh Thư (Tổng hợp)