Trong đầu tuần này, Facebook đã mở cửa cho một nhóm phóng viên đến thăm quan cơ sở dữ liệu tại thành phố Prineville thuộc bang Oregon (Mỹ). Điểm nhấn của chuyến tham quan là một phòng thử nghiệm bí mật, chứa hàng loạt thiết bị khác nhau để họ kiểm tra hiệu năng của các ứng dụng Facebook, Messenger và Instagram. Có khoảng 60 tủ thử nghiệm khác nhau trong căn phòng, mỗi tủ chứa 32 chiếc điện thoại, khiến số lượng điện thoại thử nghiệm cùng lúc là gần 2000 chiếc. Tuy nhiên đại diện Facebook đã cho các phóng viên biết họ sẽ nâng số lượng điện thoại thử nghiệm của mỗi tủ lên gấp đôi để khiến việc kiểm tra diễn ra nhanh chóng hơn, cụ thể là 64 chiếc. Trong mỗi tủ có trạm phát sóng Wi-Fi riêng cùng các tấm chắn sóng xung quanh, với mục đích giúp các điện thoại không tự động nhận sóng từ các tủ khác khiến ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm. Mỗi khi có bản cập nhật ứng dụng mới, các điện thoại sẽ tự động tải về và bắt đầu quá trình thử nghiệm nhằm tìm ra lỗi, kiểm tra tính tương thích và đánh giá mức độ hao pin. Các thiết bị được thử nghiệm được trải rộng, từ dòng Samsung Galaxy giá rẻ cho đến những chiếc iPhone cao cấp nhất. Ngoài ra các thiết bị còn được cài các phiên bản hệ điều hành khác nhau để kiểm tra tính tương thích. Tất cả điện thoại được kết nối với máy tính để giao tiếp với chương trình kiểm tra. Có 8 chiếc Mac Mini mỗi tủ để thử nghiệm trên thiết bị iOS (mỗi chiếc Mac kết nối được 4 thiết bị) hoặc 4 máy server OCP Leopard để kết nối với các thiết bị Android. Khi được hỏi vì sao Facebook không dùng các trình mô phỏng (simulator) để thử nghiệm ứng dụng, đại diện công ty cho biết mặc dù các trình mô phỏng sẽ giúp lập trình viên dễ dàng tìm ra lỗi, nhưng nó không phù hợp để thử nghiệm hiệu năng của các ứng dụng. Trong tương lai, Facebook sẽ đẩy mạnh và phát triển quá trình thử nghiệm hơn nữa, giúp người dùng nhanh chóng nhận được bản cập nhật hơn so với thời gian 2 tuần 1 lần hiện nay. Họ còn dự tính sẽ chia sẻ cách lắp ráp một tủ thử nghiệm như trên, và sẽ biến các chương trình thử nghiệm thành mã nguồn mở.