Khi triển khai số hóa truyền hình một trong những việc quan trọng mà các đài PT-TH địa phương phải cân nhắc là lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng kênh truyền hình địa phương. Câu hỏi đặt ra là các đài truyền hình nên lựa chọn nhà phát sóng khu vực hay phát sóng toàn quốc?ốhóatruyềnhìnhCácđàiđịaphươngnênchọnnhàphátsóngnàkeocopa Theo quy hoạch tần số vô tuyến điện, có 5 đơn vị được cấp mỗi đơn vị 3 kênh tần số để truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Nhưng trong đó chỉ có 3 đơn vị đủ điều kiện về giấy phép để cung cấp dịch vụ là Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được cấp phép cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, còn hai công ty là Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực Nam Bộ, Công ty Cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hai đài truyền hình lớn là VTV và VTC được quy hoạch cho 3 kênh tần số để phát sóng truyền hình số, tuy nhiên VTV và VTC chưa hình thành được doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo đúng quy định của Luật Viễn thông nên các kênh tần số này chỉ dùng để phát sóng các kênh của các đài này, còn hai đơn vị này chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác. Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV, VTV sẽ không thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng mà sẽ giữ nguyên mô hình Trung tâm truyền dẫn phát sóng là đơn vị sự nghiệp của VTV như hiện nay. Do đó, VTV sẽ không tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng mà chỉ triển khai hạ tầng tại những khu vực được nhà nước giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, vướng mắc trong khâu truyền dẫn phát sóng truyền hình số nằm ở chỗ một số đài truyền hình địa phương đang có thỏa thuận phát sóng trên hạ tầng của VTV từ trước đây. Cụ thể, theo bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị RTB, trong giai đoạn tắt sóng 30/12/2016, có 5 tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số mà RTB được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương đã có thông báo chính thức không sử dụng dịch vụ của RTB do đã phát sóng trên hạ tầng của VTV nên trong năm 2017 sẽ không có kinh phí để thuê RTB phát sóng. Chính vì thế, RTB đã hạ sóng kênh Truyền hình Hải Dương trên hệ thống. Còn 4 tỉnh khác vẫn trong quá trình làm thủ tục để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Đến thời điểm tắt sóng truyền hình analog vào 1/7/2017 có 7 tỉnh nằm trong vùng phủ sóng thuộc trách nhiệm của RTB nhưng có 2 tỉnh đang truyền dẫn kênh địa phương trên hạ tầng của VTV là Nam Định và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang đã chính thức có công văn trả lời sẽ không sử dụng dịch vụ của RTB. Theo bà Bích, tại 7 tỉnh sắp sửa tắt sóng, RTB đã đầu tư 9 trạm phát sóng và phủ sóng tới 80% ở các khu vực này, RTB sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ do Bộ TT&TT giao. RTB sẽ phải triển khai thêm các trạm lặp để phủ sóng tại 20% vùng lõm ở các tỉnh này. Nhưng có một khó khăn rất lớn là nếu RTB đầu tư để phủ sóng nhưng lại không ký được hợp đồng dịch vụ, không thu được tiền thì sẽ khó khăn trong bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.