Dù không có chuyện "bắt đền" trong vụ tai nạn ở Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) 2 tuần trước nhưng cái chết của cô gái trẻ khi đi xe máy ngược chiều trên cao tốc rồi va vào ô tô một lần nữa khiến dư luận,ưduyxelớnbồithườngxebédễbiếnphápluậtthànhluậtrừtỷ lệ tỷ số nhất là cánh lái ô tô, lại sôi lên chuyện “xe lớn phải bồi thường xe bé”. Người ta dễ bức xúc và liên tưởng vì đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, được nói đi nói lại nhiều lần, và nó là nguồn cơn khiến nạn xe máy lấn làn ô tô, đi vào phần đường dành riêng cho ô tô, thậm chí đi ngược chiều trên cao tốc… chưa bao giờ giảm.
Cảnh dễ thấy ở Việt Nam khi có va chạm giữa xe máy và ô tô dẫn đến thiệt hại là anh lái ô tô sẽ bị những người xung quanh quây lại bắt đền, đúng sai không cần biết. Nếu chẳng may người đi xe máy thiệt mạng hay bị thương nặng thì đó là đại hạn với cả chủ ô tô, kể cả khi không có lỗi.
Chiếc ô tô – trong nhiều trường hợp là “cần câu cơm” - bị tạm giữ để điều tra, còn người sẽ bị quấy quả đủ vành đủ vẻ, cuối cùng phải tốn một số tiền lớn để gia đình người đi “xe bé” rút đơn bãi nại. Dù không sai, họ cũng “thấm nhuần” một điều: Chờ được vạ thì má đã sưng, bỏ ra vài chục triệu đồng để lấy xe về làm ăn còn hơn dây dưa mãi mà rốt cục vẫn tốn kém. Bên “xe bé” cũng biết rõ mình nắm đằng chuôi nên luôn luôn thắng thế.
Điều luật khiến “xe lớn” luôn bị bắt nạt nằm trong Bộ luật Dân sự 2015: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết…
Dù bộ luật vẫn có điều khoản khác để ngăn chuyện cố tình gây lỗi (“Bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra” – điều 585) nhưng cách hiểu và vận dụng khác nhau của người thực thi pháp luật vẫn khiến “xe lớn” phải chịu thiệt.
Điều gì khiến thực trạng vô lý này vẫn tồn tại bao năm qua? Sự duy tình, cảm tính của người Việt? Thói kỳ thị đối với người giàu (vì người đi xe to được mặc định là giàu hơn, có điều kiện để nộp phạt, bồi thường, hỗ trợ)? Sự hoang dã, mông muội trong tư duy về pháp luật, chỉ xét chuyện xe lớn, xe bé thay vì ai đúng, ai sai? Những điều trên có thể đúng với một bộ phận người dân, và việc thay đổi nhận thức của họ không thể một sớm một chiều. Điều quan trọng, cấp thiết là người thực thi pháp luật không được mơ hồ, các điều luật cũng không được mơ hồ, dẫn đến nguy cơ bị vận dụng khác nhau, mà như đã nói trên, thường đi theo hướng “ăn vạ” xe lớn.
Gặp những trường hợp như vậy, người dân không khỏi băn khoăn tự hỏi, pháp luật bảo vệ người đúng hay bảo vệ xe bé? Rõ ràng tư duy xe lớn phải bồi thường xe bé mặc nhiên đẩy xe lớn vào thế yếu, luôn bị nắm thóp và bắt nạt. Còn xe bé “được chiều hư”, biết mình được ưu tiên bảo vệ nên mặc sức nghênh ngang lấn làn, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, yên chí rằng “nó phải tránh mình, nếu đâm phải mình thì nó chết”. Hậu quả là quá nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, người đi sai thiệt mạng, người không sai cũng chịu bao thống khổ.
Luật pháp không thể cảm tính như các bà mẹ hay thiên vị. Nhiều bà mẹ luôn bắt đứa con giỏi giang, khỏe mạnh hơn chịu thiệt để o bế, bênh vực đứa con kém cỏi, yếu đuối hơn, dù nó hư hỏng, với lý lẽ “con sống tốt hơn nên hãy nhường em một tí”. Còn pháp luật phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các công dân. Trong câu chuyện giao thông, chuyện xe lớn phải bồi thường xe bé là không công bằng, không đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đó là chưa kể, việc để xe bé chủ quan, ỷ được bảo vệ nên không cần tuân thủ luật pháp, dẫn đến hành vi hại mình, hại người, xét cho cùng là phản nhân văn. Khi tư duy xe lớn bồi thường xe bé ăn sâu vào cách thực thi pháp luật thì rất dễ biến pháp luật thành luật rừng.
Theo VTCNews
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!