Phím ảo “đè” phím thật?đèsoi kèo mc vs west ham
Mức độ ảnh hưởng sâu rộng của chiếc điện thoại iPhone mà Apple tung ra cách đây chưa lâu được cảm nhận rõ ràng tại Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng thế giới đang diễn ra tại Las Vegas (Mỹ). Hầu như tất cả các hãng điện tử tham gia sự kiện này đều giới thiệu sản phẩm có bàn phím ảo như iPhone.
“Nhà nhà” cùng ứng dụng
Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng thế giới vừa khai mạc ngày 7/1 vừa qua tại Las Vegas cho thấy một điểm khác biệt nổi bật so với các triển lãm năm trước. Điều này được thể hiện ở việc các công ty tham dự đến từ trên khắp nơi trên thế giới đều cho trưng bày những thiết bị tuyệt hảo sử dụng công nghệ màn hình cảm ứng. Kết quả là, dường như những sản phẩm có bàn phím thật bị “đẩy ra rìa”.
Các “ông trùm” điện thoại của thế giới, trong đó có Motorola, Sony và LG, đều giới thiệu các mẫu điện thoại màn hình cảm ứng. Trong khi đó, Microsoft giới thiệu một chiếc máy tính có bàn phím ảo mang tên Surface trông na ná như một chiếc TV màn hình phẳng. Thậm chí cả các hãng sản xuất máy ảnh như Kodak cũng đưa vào sản phẩm của mình màn hình cảm ứng LCD.
Công nghệ màn hình cảm ứng đã được sử dụng nhiều năm, tuy nhiên, xu hướng áp dụng công nghệ này trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng mới chỉ thực sự tăng tốc từ tháng 6 năm ngoái, khi mà hãng Apple giới thiệu với thế giới chiếc iPhone.
“Thị trường công nghệ màn hình cảm ứng đang “nóng” lên nhanh chóng. Từ khi chiếc iPhone ra mắt, có ngày càng nhiều công ty trước đó chẳng có dây mơ rễ má gì với công nghệ bàn phím ảo ra quyết định đưa công nghệ này vào sản phẩm của mình”, Jennifer Colegrove, một chuyên gia lâu năm của công ty phân tích công nghệ iSuppli cho biết.
Trên thế giới hiện có khoảng 100 công ty cung cấp sản phẩm công nghệ màn hình cảm ứng, cung cấp rất nhiều sản phẩm khác nhau, từ kính chống mờ đến bộ cảm biến điện dung bề mặt - thiết bị có thể cảm ứng dòng điện của ngón tay từ xa. Thống kê của iSuppli cho thấy, doanh số của những công nghệ màn hình cảm ứng hàng đầu - chẳng hạn các công nghệ được sử dụng trong điện thoại di động và các thiết bị dẫn đường - được dự báo là sẽ tăng lên mức 4,4 tỷ USD vào năm 2012, so với mức 2,4 tỷ USD trong năm 2006.
Công nghệ màn hình cảm ứng đã giúp không ít công ty “vụt sáng thành sao”. Trước kia, những công ty này hầu như chẳng được thị trường nước ngoài biết tới, nhưng sau đó, khi họ đưa công nghệ này vào sản phẩm, họ lập tức trở thành “điểm sáng” và thu hút sự chú ý lớn.
Balda, một công ty của Đức được Apple thuê chế tạo màn hình cảm ứng cho chiếc iPhone, trước đây chỉ là một công ty chủ yếu sản xuất… vỏ điện thoại di động. Nhưng mọi cái đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi hãng này ký được hợp đồng với Apple. Việc trở thành một nhà cung cấp linh kiện cho iPhone còn giúp cho Balda ký được một hợp đồng cung cấp từ 6 đến 8 triệu màn hình cho một hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu khác.
Một số công ty ít tên tuổi khác như Tyco, 3M và GeneralTouch của Trung Quốc hiện cũng đang nằm trong số những công ty hàng đầu trong lĩnh vực phát triển màn hình cảm ứng và các công nghệ có liên quan.