Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh” ngày 26/4, ông Lê Ngọc Tuấn, CEO Robo Solutions cho biết xu hướng nhà thông minh đang phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Thiết bị thông minh trong ngôi nhà có thể nhận biết để thay đổi nhiệt độ mà chủ nhân mong muốn. Với thiết bị của Google, chỉ sau 1 tuần điều khiển có thể học cách điều chỉnh điều hòa của một gia đình.
Trên thế giới, đã có những doanh nghiệp xuất phát từ nghề bán sách như Amazon rồi trở thành công ty đem thiết bị gia đình thông minh đến nhiều ngôi nhà. Hầu hết, các thiết bị trong ngồi nhà đều có thể giao tiếp bằng giọng nói bởi các chúng được kết nối với loa thông minh giá rẻ.
Ông Lê Ngọc Tuấn đưa ra con số tại Mỹ có khoảng 50% gia đình sử dụng thiết bị thông minh trong ngôi nhà, trong khi Việt Nam và Trung Quốc con số này chỉ dưới 10%. Nhưng đến năm 2028, số hộ gia đình Trung Quốc sử dụng thiết bị thông minh sẽ là trên 50%. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam sẽ đi sau Trung Quốc vài năm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tùng, CEO của Songnam Group cho rằng không chỉ có nhà thông minh mà xu hướng là tòa nhà thông minh, khu đô thị thông minh và thành phố thông minh. Để phục vụ xu hướng này cần có hệ thống chiếu sáng thông minh, công tắc thông minh… Dữ liệu của tòa nhà thông minh sẽ kết nối với đô thị thông minh để cung cấp những tiện ích cho người dân.
Doanh nghiệp smart home Việt cần hợp tác với nhau
Chia sẻ về bức tranh thị trường smart home Việt, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng những năm gần đây, Việt Nam bùng nổ công ty làm về smart home. Thế nhưng, những công ty này chủ yếu nhập sản phẩm và nền tảng của Trung Quốc đóng mác Việt Nam. Quy mô thị trường smart home Trung Quốc đến năm 2025 khoảng 37 tỷ USD, nhưng quy mô thị trường Việt Nam nhỏ hơn khoảng 100 lần. Bên cạnh lợi thế quy mô, Trung Quốc còn có công nghệ và nhiều nhà máy sản xuất thiết bị smart home giá rẻ.
Ông Tuấn đơn cử thị trường loa thông minh Việt Nam quá bé nên một số doanh nghiệp sản xuất không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm từ Trung Quốc. Rất hiếm hoi loa của Việt Nam có thể tồn tại như Vivi trên xe ô tô của Vinfast. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam rất ít hợp tác với nhau nên chuỗi giá trị của Việt Nam không nhiều. Trường hợp hiếm là Rạng Đông kết hợp với FPT từ 2019 để phát triển nền tảng kết nối thiết bị thông minh Make in Vietnam. Đây là mô hình cần nhân rộng bởi thị trường này đang bị cạnh tranh từ Trung Quốc.
Tại hội thảo này, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ thuật số Rạng Đông cho biết, trước năm 2020, Rạng Đông chưa có tên trên bản đồ smart home Việt Nam và phải đến năm 2022, công ty mới bước chân mạnh mẽ vào thị trường này. Rạng Đông mong muốn đến năm 2025 trở thành nhà cung cấp giải pháp smart home hàng đầu Việt Nam và có thể xuất khẩu sản phẩm smart home. Tuy nhiên, ông Cường cũng nhận định đây thực sự là mục tiêu rất thách thức.
Đại diện Rạng Đông cũng nhận định, thị trường smart home Việt Nam chưa bùng nổ mà mới ở giai đoạn đầu, nhưng đây là thị trường tiềm năng và rất cạnh tranh. Thị trường vẫn tương đối phân mảnh và độc quyền theo từng hãng bởi khi khách hàng sử dụng sản phẩm của một hãng nào đó sẽ khó chuyển sang hãng khác. Tại Việt Nam, tuy có nhiều công ty làm smart home, nhưng lại chưa chú trọng đến chứng chỉ, tiêu chuẩn quốc tế bởi đây là yêu cầu bắt buộc khi ra nước ngoài.
“Rạng Đông có phân ra 6 lớp sản phẩm, 3 lớp đầu tiên là làm sản phẩm truyền thống, 3 lớp sau là lớp smart home. Các công ty làm smart home thường là công ty công nghệ nên họ lấy sản phẩm từ bên thứ 3. Còn Rạng Đông là công ty chiếu sáng nên có lợi thế để sản xuất. Rạng Đông mong muốn hệ sinh thái sản phẩm smart home có đầy đủ từ thiết bị chiếu sáng, cảm biến, tích hợp camera, loa thông minh, công tắc… Chúng tôi mong muốn hợp tác với các đối tác, các nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra hệ sinh thái sản phẩm Make in Vietnam”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông cho biết, Rạng Đông đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp số, tiên phong trong các xu hướng chuyển đổi kép của thời đại, phát triển nhanh và bền vững với tốc độ tăng trưởng từ 20-25%/năm. Và đến năm 2030, sẽ đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực, doanh thu vượt ngưỡng tỷ USD.