Bảo tàng tỉnh lưu giữ gần 30.000 hiện vật, trưng bày gần 1.500 hiện vật, hình ảnh và 77 di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa con người Bình Thuận qua các thời kỳ lịch sử…
Đây là một kho tàng di sản lớn và khi được số hóa sẽ trở thành tài sản vô giá phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch. Với nhận thức chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành quét hồ sơ, chuẩn hóa 300 tài liệu hiện vật giấy 2D lên phần mềm quản lý hiện vật.
Nhập vào cấu trúc dữ liệu nội dung về xuất xứ, lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, niên đại 320 trang tài liệu hiện vật lên trang để quét mã QR. Cùng với đó, triển khai cập nhật thông tin dữ liệu thường xuyên trên nền tảng số của Cục Di sản văn hóa vào phần mềm Hệ thống thông tin quản lý bảo tàng và Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể đảm bảo theo yêu cầu đề ra.
Ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận thông tin: Đến nay, đơn vị đã phối hợp Mobifone Bình Thuận hỗ trợ triển khai hoàn thiện, xây dựng dữ liệu bảo tàng 3D, tạo mã QR dán trên từng tủ, chủ đề trưng bày tại Nhà trưng bày Bảo tàng và tạo mã QR tại 16/77 di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh trong năm 2024, trong đó 3 cái đã hoàn thanh.
Số hóa 3D tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc). Nhờ thế không chỉ khách tham quan trực tiếp mà những ai không có điều kiện đến bảo tàng hay các nhóm du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới bị thu hút bởi các hiện vật, tài liệu tại bảo tàng đều có thể dễ dàng truy cập, xem chi tiết từng chủ đề trưng bày trên thiết bị điện thoại, máy vi tính.
Để bảo tàng đến gần hơn với công chúng
Cùng với nhóm du khách từ TP. Hồ Chí Minh tới tham quan tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, nhiều người vô cùng thích thú khi ngoài được nghe thuyết minh trực tiếp, giờ đây có thể quét mã QR để sử dụng công nghệ trình chiếu 3D nhìn một cách tường hiện vật và nắm thông tin chi tiết mà không cần ghi chép. Từng hình ảnh sinh động, xoay chuyển theo điều khiển của tay, giúp mọi người như được “chạm”, “sờ” vào hiện vật, những điều vốn bị “cấm” khi đến với các bảo tàng.
Thậm chí họ cho rằng, bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại, các nội dung được tái hiện như một cuốn phim quay chậm giúp người xem trở về với quá khứ lịch sử và cả hiện tại với nhiều hình ảnh, âm thanh, clip sinh động.
Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, Bảo tàng tỉnh cho biết đây mới là những bước đi ban đầu và đang dừng lại ở mức tiếp cận cơ bản. Để bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa di sản văn hóa của tỉnh đồng bộ, liên thông với quốc gia trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá, thúc đẩy phát triển bền vững. Nâng cấp, thay đổi giao diện website của đơn vị phù hợp với chương trình CĐS hiện nay.