- Vấn đề ông Đinh La Thăng bức xúc về mặt trái của dạy thêm không chỉ là của riêng TP.HCM mà là vấn nạn của ngành GD-ĐT cả nước. Chúng ta chỉ nhìn hiện tượng này mà đưa ra những giải pháp, dù quyết liệt, vẫn khó có kết quả mỹ mãn.
Đi học thêm vào buổi tối (Ảnh Lê Huyền) |
Giải pháp quyết liệt vẫn khó có kết quả mỹ mãn
“Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” là chủ trương mới đã được Đảng – Quốc hội đưa ra, trong đó có vấn đề “đổi mới chương trình và sách giáo khoa” đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Mấy chục năm nay, nội dung chương trình và sách giáo khoa, nhất là giáo dục phổ thông (GDPT), ở nước ta thường được thiết kế theo hai cách tiếp cận.
Đó làtiếp cận nội dung và tiếp cận mục tiêu - hai quan điểm được một số quốc gia trên thế giới áp dụng trong việc xây dựng chương trình (XDCT) giáo dục.
Cả hai cách tiếp cận đều có những mặt tích cực, tuy nhiên chỉ định hướng theo một trong hai quan điểm ấy thì sẽ có những bất cập.
Nếu XDCT theo tiếp cận nội dung thì chương trình sẽ lấy việc truyền đạt nội dung kiến thức làm mục đích chính. Việc kiểm tra - đánh giá (KT-ĐG) cũng sẽ theo hướng tiếp cận ấy.
Theo cách tiếp cận này thì Chương trình = Nội dung.Quan điểm này thường dễ dẫn đến việc nhồi nhét kiến thức (thể hiện qua hoạt động biên soạn sách giáo khoa, khối lượng kiến thức, phương pháp dạy học, hình thức KT-ĐG…).
XDCT theo hướng tiếp cận nội dung thường dẫn đến tình trạng quá tải, nhiều nội dung không phù hợp với trình độ người học và cấp học. Người dạy phải chạy theo mục tiêu hoàn thành khối lượng kiến thức do đó không còn thời gian để giúp học sinh (HS) rèn luyện các kỹ năng khác.
Trên cơ sở chương trình, để thực hiện việc dạy một môn học, bài học, người giáo viên (GV) phải xác định rõ mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ cho môn học, bài học ấy.
Thế nhưng với lượng thời gian được “phân phối” trong chương trình, người GV không thể nào có điều kiện để đạt được hai mục tiêu còn lại!
Để đạt mục tiêu kiến thức, lượng “thông tin thô” được GV nhồi nhét cho kịp chương trình trong khi đó đúng ra là GV phải làm cho học sinh (HS) không chỉ biết, hiểu, phân tích, tổng hợp, đánh giá mà còn vận dụng… lượng kiến thức ấy vào thực tiễn, từ đó có thái độ thích thú, tự tin, khát vọng tìm tòi, trách nhiệm với xã hội thông qua việc áp dụng vào cuộc sống. Mục tiêu kiến thức chính là kỹ năng nhận thức.
Mục tiêu kỹ năng là giúp cho HS có khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể kể cả hoạt động trí tuệ liên quan đến kiến thức. Mục tiêu thái độ là giúp cho HS có được kỹ năng giao tiếp (tinh thần trách nhiệm, thái độ, cảm xúc…) đối với chính môn học, bài học ấy trong và sau quá trình dạy học.
Với chương trình và phân phối chương trình hiện hữu, người GV không đủ thời gian nhồi nhét kiến thức theo chương trình thì làm sao nghĩ đến chuyện sáng tạo? HS thì như cái bị hứng mớ kiến thức phần lớn chưa kịp tiêu hóa còn đâu thời gian chuyển hóa thành thái độ hứng thú, tự tin ứng xử vào cuộc sống!
XDCT theo tiếp cận nào thì hình thức kiểm tra đánh giá cũng theo hướng ấy. Kiểm tra đánh giá “trả bài” theo tiếp cận nội dung sẽ làm thui chột tính phát triển người học, ngược lại với bản chất của giáo dục.
Ảnh minh họa Đinh Quang Tuấn |
Chúng ta thường nghe câu “Thi thế nào thì dạy thế ấy. Thi thế nào thì học thế ấy!”.Chúng ta hô hào giảm tải nội dung, đổi mới phương pháp… nhưng không thay đổi hình thức và mục tiêu kiểm tra đánh giá thì vĩnh viễn không có kết quả theo mong muốn.
Tiếp cận mục tiêu là quan điểm XDCT dựa vào kết quả đầu ra hay là dựa vào các sản phẩm với các tiêu chuẩn đã được xác định sẵn.
Theo cách tiếp cận này thì Chương trình = Nội dung + Mục tiêu + Phương pháp. Quan điểm này vẫn có những mặt tích cực nhưng sẽ khó thực hiện vì tính chất “không giống nhau” của các chủ thể và khách thể trong hoạt động giáo dục.
Học thêm là yêu cầu “không thể khác”
Bên cạnh hai cách tiếp cận trên, hiện nay các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới xây dựng chương trình theo tiếp cận phát triển. Cách tiếp cận này là thể hiện triết lý giáo dục khai phóng (Liberal Education).
Theo cách tiếp cận này, chương trình là một quá trình và giáo dục là sự phát triển.
Chương trình giáo dục là một bản kế hoạch tổng thể của hoạt động giáo dục. Giáo dục phải phát triển tối đa mọi năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người, làm cho họ làm chủ được những tình huống, đương đầu được với những thách thức sẽ gặp phải trong cuộc đời một cách chủ động và sáng tạo.
Tính chất phát triển ở đây hướng đến đối tượng giáo dục và cả điều kiện khách quan của hoạt động giáo dục.
Cách tiếp cận này mang tính chất linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh người học và điều kiện chủ quan và khách quan trong việc thực hiện chương trình giáo dục.
Từ quan điểm này, việc biên soạn sách giáo khoa cũng rất đa dạng, người học và người dạy sẽ “tùy chọn” sách giáo khoa nào thích hợp nhất và hoàn toàn có thể tham khảo nhiều sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và học tâp cho việc thực hiện một chương trình.
Chính cách tiếp cận này sẽ giúp cho người GV có đủ điều kiện thực hiện cùng lúc 3 mục tiêu trong cùng một sản phẩm là người học.
Và như vậy, “kỹ năng sống” của HS chính là sản phẩm tích hợp 3 mục tiêu được hình thành trong suốt quá trình dạy của GV và quá trình học của HS trên nền tảng gia đình và xã hội. Kỹ năng sống không thể có được qua việc “rao giảng” trên lớp và tách khỏi môi trường xã hội.
Từ phân tích trên, việc dạy thêm, học thêm hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu “không thể khác” một khi chương trình vẫn như cũ.
Dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng vẫn luẩn quẩn trong mớ bòng bong, khó thoát ra được vì “học là để thi, thi phải trả bài, trả bài phải đúng đáp án, đáp án là nội dung được quy định sẵn”...
Vậy thì không thể không học thêm và có nhu cầu học thêm thì phải có dạy thêm.
Không nên đổ hết tội cho những thầy giáo dạy thêm (tất nhiên không loại trừ một số GV cố tình làm khó để bắt HS phải học thêm).
Giáo dục là một thể thống nhất hữu cơ, không thể bẻ khúc ra để sửa chữa, đổi mới cấp này hay cấp khác, ở địa phương này hay địa phương khác.
Nhà giáo Nguyễn Toàn
顶: 841踩: 89
评论专区