Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) TheọpỦybanThườngvụQuốchộiBănkhoănvềquyhoạchxâydựngtỉket qua bd anho chương trình làm việc tại phiên họp thứ 27, chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Vấn đề còn gây nhiều ý kiến băn khoăn trong phiên thảo luận là sự tồn tại của quy hoạch xây dựng tỉnh. Gộp quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy Theo Tờ trình của Chính phủ, để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, sửa đổi Luật Xây dựng theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện; phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng tỉnh cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện do Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thống nhất, tránh trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch. Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, dự thảo Luật trình lần này đã được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch xây dựng vùng huyện để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Nội dung này có hai loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật về quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh và phương án chỉnh lý lần này vẫn không thuyết phục bởi trên cùng một phạm vi lãnh thổ cấp tỉnh, việc tồn tại hai loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh (quy hoạch cùng cấp) với nội dung, phạm vi và mức độ chi tiết giống nhau là không hợp lý. Các tỉnh sẽ phải đồng thời lập hai loại quy hoạch trên gây lãng phí thời gian và kinh phí cho xã hội, tạo thêm thủ tục chồng chéo, gây khó khăn, phức tạp trong quá trình xây dựng, triển khai và thực hiện. Thường trực Ủy ban Kinh tế nghiêng về loại ý kiến thứ hai với quan điểm giữ quy hoạch xây dựng tỉnh là không hợp lý, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu thu gọn hệ thống quy hoạch, tránh chồng chéo, trùng lặp đã được đặt ra khi ban hành Luật Quy hoạch. Góp ý vào nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn rằng nếu gộp hai quy hoạch này thành 1, chỉ sửa một tí là phải sửa tất cả quy hoạch, rất lãng phí, vì phải thay đổi đồ án quy hoạch. Mà mỗi lần thay đổi đồ án quy hoạch là phải trình Hội đồng Nhân dân, trưng cầu ý dân, phức tạp. Theo ông, hiện có tình trạng quy hoạch rất đẹp, nhưng giữa nhiệm kỳ đã thay đổi, khóa trước vừa quy hoạch, khóa sau đã thay, thiếu bền vững, do đó cần có “chốt” an toàn để hạn chế việc sửa đổi. Bộ Xây dựng phải thẩm tra để đảm bảo tính tương đối bất biến. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng quy hoạch xây dựng tỉnh là cụ thể hóa từ quy hoạch tỉnh, mang tính chi tiết hơn, bao hàm tất cả các quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn, các quy hoạch chuyên ngành như giao thông, tài nguyên môi trường, đất đai… Gộp 2 quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh thành 1, sẽ khó trong quá trình triển khai thực hiện, khó cho cả người quy hoạch và người thực hiện quy hoạch” Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng “2 chập 1 cho bớt quy hoạch đi có thể tiền bạc đỡ tốn kém, kinh tế hơn, nhưng hệ lụy sau này còn tốn hơn nhiều, làm một cái phá vỡ tất cả, động chạm tất cả các việc khác.” Ông đề nghị giữ như phương án 1 Chính phủ trình sẽ khả thi hơn cả về trước mắt và sau này. Không thể có hai quy hoạch “ngang vai” Thống nhất với phương án có quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quy hoạch tỉnh mang tính tổng thể của địa phương, còn quy hoạch xây dựng mang tính chuyên ngành. Cho rằng Luật này có tính chuyên ngành sâu, khó phân tích nếu không am hiểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, do còn có ý kiến khác nhau, sẽ trình cả hai phương án để Quốc hội thảo luận. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch ngay từ ban đầu đã rất phức tạp vì thay đổi quan điểm, tư duy và cách tiếp cận, liên quan đến nhiều bộ luật, chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Trong quá trình làm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, những gì liên quan đến quy hoạch mà phù hợp với Luật Quy hoạch ở các luật chuyên ngành khác, hơn ai hết, các bộ, ngành phải rà soát chứ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nắm sâu về các luật hay chuyên ngành khác được. Đúng ra, khi sửa các luật này, các bộ, ngành phải đứng ra chủ trì soạn thảo, nhưng để đảm bảo thống nhất, đảm bảo tiến độ có hiệu lực từ 1/1/2019 cho phù hợp với Luật Quy hoạch, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ thực chất là đang đi tổng hợp, làm giúp chức năng của các Bộ”- Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ. Trước những ý kiến khác nhau về sự tồn tại của quy hoạch xây dựng tỉnh, ông cho biết, làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng cho thấy, quy hoạch tỉnh có phạm vi và mức độ rất chung, còn quy hoạch xây dựng tỉnh lại rất chi tiết. Nếu chỉ dừng lại ở quy hoạch chung mà không có quy hoạch chi tiết và cụ thể hóa sẽ không làm được chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, không có công cụ gì để quản lý. “Vì thế, phải để quy hoạch này tồn tại song song nhưng khác nhau ở cấp độ, một quy hoạch chung, một quy hoạch chi tiết. Bản thân quy hoạch xây dựng tỉnh không phải quy hoạch mới phát sinh mà đang ổn định, tồn tại bao nhiêu năm nay nên giờ ta kế thừa, làm sao cho phù hợp với các luật liên quan,” Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đây là một Luật khó khi diện sửa đổi rất rộng với 37 luật, lại triển khai trong một thời gian ngắn để đảm bảo từ 1/1/2019 có thể triển khai Luật Quy hoạch một cách toàn diện và đầy đủ. Vì thế sẽ có vấn đề khác nhau. Dù có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn phải đảm bảo chất lượng. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát tất cả các điều khoản để tránh xung đột pháp lý với hệ thống pháp luật, mà trước hết là Luật Quy hoạch; đồng thời phải rà soát thêm để không bỏ lọt các Luật khác liên quan đến quy hoạch mà không sửa. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn có các quy hoạch mang tính chuyên ngành để cụ thể hóa. Không được quy định cùng một cấp độ mà có 2 quy hoạch “ngang vai.” Vì thế, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh nếu có cũng chỉ là quy hoạch cấp kỹ thuật chuyên ngành để phục vụ quy hoạch tỉnh chứ không thể “ngang vai” với quy hoạch tỉnh./. Theo TTXVN