Tháng 10/2022, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Trị triển khai ứng dụng Mobile Banking. Sau 2 năm thực hiện, đến nay có hơn 4.000 khách hàng đăng ký sử dụng. Được biết, ứng dụng này cung cấp nhiều tiện ích với các dịch vụ tài chính và phi tài chính, khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi giao dịch tại quầy mà có thể sử dụng dịch vụ ở bất kỳ đâu, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, thông qua các ứng dụng số của ngân hàng CSXH, chị theo dõi được tiền gốc, lãi hằng tháng mà mình đã trả đến giai đoạn nào và tháng tới cần bao nhiêu để có kế hoạch chuẩn bị tiền.
“Tôi cũng thường xuyên thanh toán các khoản chi tiêu trong gia đình như tiền điện, tiền nước, chuyển tiền học cho con hằng tháng... qua ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng CSXH. Tôi thấy rất thuận tiện vì ứng dụng này chuyển tiền nhanh và không bị gián đoạn. Từ khi cài đặt và sử dụng Mobile Banking của ngân hàng CSXH, tôi ít khi dùng tiền mặt, do đó dễ dàng quản lý chi tiêu nên tiết kiệm hơn so với trước”, chị Hà chia sẻ.
Bên cạnh Mobile Banking, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị cũng triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Hiện ứng dụng này có 3.534/3.534 người dùng (gồm trưởng ban và thành viên ban đại diện hội đồng quản trị các cấp; lãnh đạo và một số cán bộ làm công tác ủy thác của 4 tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chủ tịch UBND cấp xã; ban giảm nghèo cấp xã; trưởng thôn; tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); lãnh đạo và cán bộ ngân hàng CSXH). Đây là ứng dụng được đánh giá cao về tính hữu ích đối với công việc hằng ngày của người quản lý tín dụng chính sách.
Theo chị Nguyễn Thị Ty, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đakrông, nhờ sử dụng app quản lý tín dụng chính sách, chị đã nắm bắt kịp thời số liệu các tổ TK&VV thuộc hội quản lý, hộ vay có nợ quá hạn, nợ đến hạn...Từ đó kịp thời phối hợp cùng cán bộ ngân hàng CSXH trong việc xử lý thu hồi và nâng cao chất lượng hoạt động tổ TK&VV. Bên cạnh đó chị còn chủ động tải dữ liệu như món vay có nợ đến hạn, kết quả giao dịch xã hằng tháng, món vay có nợ lãi đọng để kịp thời xử lý, không để nợ xấu kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng và hoạt động hội.
Còn chị Nguyễn Thị Thu Diệu, Tổ trưởng Tổ TK&VV Khóm 1, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông cho biết: “Tôi đang sử dụng app quản lý tín dụng chính sách để thu lãi, thu tiết kiệm hằng tháng của các thành viên trong tổ. Khi mới tiếp cận ứng dụng của ngân hàng CSXH tôi đã được cán bộ ngân hàng hướng dẫn chi tiết từng mục của ứng dụng.
Ban đầu nhập tiền lãi và tiết kiệm thu được lên app rất chậm, hay bị sai sót khi nhập số nhưng sau nhiều lần khắc phục đến nay tôi đã sử dụng thành thạo, tiết kiệm được nhiều thời gian khi xử lý công việc của một tổ trưởng”.
Cũng theo chị Diệu, việc ứng dụng công nghệ số của ngân hàng CSXH trên thiết bị di động rất thuận tiện, giảm được thời gian, hạn chế việc phải đến tận nhà hay nơi làm việc để thông tin, trao đổi.
Để góp phần quản lý điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Trị đã chú trọng ứng dụng các thành tựu công nghệ, phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, an toàn, phù hợp với yêu cầu quản lý đặc thù của tín dụng CSXH.
Đến nay, chi nhánh đã triển khai dịch vụ tin nhắn đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi đến 100% khách hàng. Các phòng giao dịch đều phân công các bộ phận tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng và giải quyết kịp thời những vướng mắc khách hàng gặp phải trong quá trình giao dịch tại ngân hàng CSXH.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Trị tiếp tục duy trì ứng dụng quản lý tín dụng chính sách để công tác quản lý, điều hành nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng hiệu quả.
Đồng thời tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn và giải đáp những thông tin liên quan đến dịch vụ Mobile Banking cho khách hàng, nhất là người dân ở vùng miền núi, nơi mà việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Để việc thực hiện chuyển đổi số của hệ thống được hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các phần mềm mới của cấp trên chuyển giao. Chú trọng đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn; đồng thời tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách dành cho cán bộ tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và đội ngũ trưởng khu, tổ trưởng tổ TK&VV... giúp nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Qua đó, đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng, gp phn thực hiện các mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi số của ngành ngân hàng và quốc gia.
Theo MAI LÂM(Báo Quảng Trị)
(责任编辑:Thể thao)