Ám ảnh căn nhà vách đất
Trong tập 167 chương trình Gõ cửa thăm nhà,õcửathămnhàtậpCôgáikểchuyệnbằngtranhvẽcùngbốmẹnuôicákết quả perth sc TikToker Phạm Thị Thủy Tiên (SN 1989, TP.HCM) có dịp trải lòng nhiều kỷ niệm của gia đình. Trong đó, một vài chuyện khiến Thủy Tiên không kìm được nước mắt.
Thủy Tiên bắt đầu câu chuyện tuổi thơ bằng chia sẻ: “Gia đình tôi rất đặc biệt. Ba mẹ tôi có tất cả 9 người con”.
Lúc mới cưới, bố mẹ của Tiên sống ở Đắk Lắk và gặp nhiều khó khăn. Cả hai chăm chỉ làm nông, trồng cà phê, dưa hấu… nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo.
Trong ký ức của mình, Thủy Tiên không quên hình ảnh ngôi nhà vách đất trên đồi. Nhiều đêm mưa to, cô và các anh chị em thức dậy khi vách nhà đã sập.
Cảnh nhà túng quẫn, mấy chị em Tiên sớm xác định lớn lên chỉ biết đi chăn bò. Bởi, nhà nằm ở khu vực không có trường học, không có điện.
Lo tương lai các con mù mịt, bố mẹ của Tiên quyết định dắt díu nhau về Đồng Nai sinh sống. Lúc đi, ông bà phải bỏ lại đất đai, nhà cửa, rời xa người thân.
Về nơi ở mới, bố của Tiên không may gặp nạn dẫn đến mất sức lao động, không làm được công việc nặng nhọc. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc kết cườm, thêu vẽ… của mẹ Tiên.
Nhà nghèo, Thủy Tiên phải thường xuyên nghỉ học, phụ mẹ làm việc. Thầy cô hiểu hoàn cảnh của cô học trò nhỏ nên du di, không hạ bậc hạnh kiểm.
Từ lớp 1, Tiên đã bộc lộ năng khiếu vẽ. Cô có thể vẽ ở bất cứ nơi đâu và quên hết mọi chuyện trên đời.
Năm lớp 4, Tiên được chọn đại diện trường đi thi vẽ cấp tỉnh. Hành trang bước vào phòng thi của cô chỉ có đúng hộp bút màu sáp mà mẹ gom hết tiền mới mua được.
Nhìn các bạn khác có đủ loại màu nước, màu chì… cô bé nghèo choáng ngợp nhưng không chút lo sợ. Tiên đạt được giải Nhì của cuộc thi trong sự thán phục của bạn bè.
Thế nhưng, lúc này, mẹ của Tiên lại khuyên con gái không nên tiếp tục vẽ mà phải tập trung học hành. Mỗi lần Tiên lén vẽ tranh, bà phát hiện liền xé bỏ hoặc gom lại đốt.
Nhắc lại kỷ niệm này, mẹ của Tiên, bà Phạm Thị Thảo thổ lộ: “Tôi lo bé mê vẽ không tập trung học. Ngoài ra, thời điểm đó, nhà tôi nghèo, không có tiền mua sách vở cho con.
Tôi phải nhặt giấy vụn, đóng thành tập cho con dùng. Thế nên, khi thấy Tiên lấy giấy trắng vẽ tùm lum, tôi tiếc nên ngăn không cho vẽ nữa”.
Nghe lời mẹ, Thủy Tiên tập trung học Văn và thi đỗ vào trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Để có tiền đóng học phí, Tiên xin quét hành lang, phòng học, thậm chí dọn nhà vệ sinh.
Hỗ trợ bố mẹ nuôi các em ăn học
Theo Thủy Tiên, con đường học vấn của cô từng đánh đổi bằng sự thiệt thòi của chị gái. Đó là ký ức rất buồn. Mỗi lần nhớ đến, cô đều rơi nước mắt.
Năm lớp 10, bố mẹ của Tiên không đủ tiền cho 2 con gái đi học cùng một lúc. Bà Thảo gọi hai con đến và nói người nào học giỏi hơn thì được học tiếp.
Thủy Tiên được học tiếp, còn chị gái buộc phải nghỉ học. Điều đó khiến chị gái của cô rơi vào bi kịch.
“Chị ấy rất muốn đi học. Thế nên, khi thôi học, chị buồn đến mức không nhìn mặt tôi nữa. Chị em nằm chung giường nhưng chị lấy gối ngăn ra.
Chị nghĩ mọi cái khổ của mình đều do tôi mà ra. Không được đi học, chị ở nhà phải nấu cơm, giặt đồ, chăm các em…”, Thủy Tiên nghẹn ngào.
Đến khi đi tu, chị gái của Tiên thay đổi suy nghĩ, không còn ghét em gái nữa. Về sau, chị tiếp tục đi học và thi đỗ đại học, ngành sư phạm.
Cũng từ chuyện này, bố mẹ của Tiên tìm đủ cách, thậm chí vay mượn để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
Về phần mình, sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy Tiên theo nghề biên tập viên, chuyên viết kịch bản.
Trong mùa dịch Covid-19, Tiên bí bách do không có việc làm. Đó là giai đoạn khó khăn của cô về vật chất lẫn tinh thần. Có lúc, cô thức trắng đêm, chìm trong những suy nghĩ tiêu cực.
Để thoát khỏi rối bời, Tiên quyết định vẽ trở lại. Với mong muốn được tương tác với nhiều người hơn, cô kết hợp vẽ và kể chuyện, rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Ngay từ các video đầu tiên, Tiên được cộng đồng mạng đón nhận, yêu thích. Ban đầu, cô làm video vẽ tranh và kể lại những câu chuyện mà trước đây cô thường nghe bố tỉ tê.
Tiếp đó, Tiên chuyển hướng kể chuyện lịch sử bằng tranh vẽ. Cô cẩn thận tra cứu tài liệu, thể hiện đúng hơi thở lịch sử dân tộc.
“Nhiều em học sinh nhắn tin, nói nhờ xem kênh của tôi mà được điểm 10 môn Lịch sử”, Thủy Tiên tự hào.
Ngoài vẽ tranh, Thủy Tiên viết thư pháp cũng rất điêu luyện. Thế nhưng, cô không sống nhờ bán tranh hay thư pháp. Hiện tại, thu nhập của cô chủ yếu từ công việc sản xuất và thiết kế trang sức.
Mỗi ngày, Tiên đi làm, tối về làm video đến 3-4h sáng. Cô chắt chiu từng đồng lo tiền học, tiền ăn cho các em. Thấy con gái vất vả, bố mẹ Tiên rất xót xa nhưng thu nhập ít ỏi từ nghề kết cườm khiến họ lực bất tòng tâm.
Tiên hiếu thảo, chỉ biết hướng về gia đình, không nghĩ đến chuyện lấy chồng. Thế nên, bố mẹ của cô luôn khắc khoải, mong con gái gặp được duyên lành.