Liên quan đến vụ chuyến xe cấp cứu 16 triệu đồng,ếnxecấpcứuCàkeo bd hôm nay người cha định đặt thi thể con vào thùng xốp, VietNamNet đã nhận được phản hồi từ nhiều phía.
Theo ông Lê Hồng Sơn, đại diện Công ty TNHH vận chuyển 115 xuyên Việt (TP.HCM), đơn vị nhận vận chuyển cấp cứu trong vụ việc, 16 triệu đồng là chi phí hợp lý.
Ông Sơn cho rằng một chuyến xe cấp cứu từ TP.HCM về Cà Mau để đón bệnh nhi đến viện an toàn, với đầy đủ trang thiết bị, điều dưỡng, bác sĩ, máy thở oxy… thì 16 triệu đồng là chi phí hợp lý, không cao, không phải “chặt chém”. Bệnh nhi cũng được chuyển viện an toàn.
Còn theo báo cáo của Bệnh viện sản nhi Cà Mau (nơi cháu bé điều trị ban đầu), tất cả nhân viên khoa Sơ sinh không tư vấn chuyển viện, không liên hệ hay cho số điện thoại của xe cấp cứu từ bên ngoài cho gia đình bé.
Chi phí vận chuyển cấp cứu tại TP.HCM thế nào?
Tháng 5 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã công bố danh sách 9 cơ sở được phép cung cấp dịch vụ hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu trên địa bàn. Trong đó, có Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt.
Liên hệ với 1 trong số 9 đơn vị nêu trên, chúng tôi đặt vấn đề thuê xe cấp cứu từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP.HCM) về Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau. Nhân viên trực điện thoại cho biết nếu chỉ thuê xe cấp cứu, giá là 5 triệu đồng, trên xe có sẵn hệ thống oxy.
Trường hợp gia đình muốn có 1 điều dưỡng đi cùng sẽ tăng 1,2 triệu đồng, nếu thêm 1 bác sĩ sẽ tăng 3 triệu đồng. Như vậy, chuyến xe đầy đủ trang thiết bị, ê-kíp, quãng đường Cà Mau - TP.HCM khoảng 9,2 triệu.
Tiếp tục liên hệ với một công ty khác (thuộc 9 đơn vị do Sở Y tế TP.HCM cấp phép), đặt xe đón bệnh nhi từ Cà Mau lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Nhân viên tổng đài hỏi rất kỹ tình hình bệnh nhi thở oxy hay thở máy để chuẩn bị.
Sau đó, người này gọi lại báo chi phí trọn bộ là14 triệu đồng, chờ 5-6 giờ để xe từ TP.HCM về Cà Mau đón. Chi phí này bao gồm xe hiện đại, trang thiết bị hỗ trợ, máy thở, 1 điều dưỡng, 1 bác sĩ chuyên khoa.
Khi gia đình bệnh nhi ngỏ ý muốn thuê riêng xe, còn điều dưỡng sẽ tự sắp xếp, nhân viên công ty vận chuyển cấp cứu cho biết không được, chỉ cho thuê nguyên ê-kíp để bệnh nhi đang thở máy được an toàn. Để tiết kiệm thời gian, người nhà đề nghị xuất xe từ chi nhánh miền Tây đón bệnh. Nhân viên nhà xe cho biết chỉ có xe đi từ TP.HCM.
Trao đổi về chuyến xe 16 triệu đồng gây xôn xao dư luận, một công ty dịch vụ vận chuyển cấp cứu cho biết chuyến xe từ TP.HCM đi tỉnh (hoặc ngược lại) không ai tính gấp đôi tiền với lý do xe trống lượt đi.
“Ví dụ khách hàng đặt xe chuyển bệnh từ TP về Cà Mau thì khi xe từ Cà Mau lên TP.HCM cũng là xe trống. Chi phí luôn luôn tính một lượt chứ không ai tính tiền đi đi về về", người này nói. Việc gia đình người bệnh đồng ý chờ xe xuất từ TP.HCM về Cà Mau trong 5 giờ là thỏa thuận giữa đôi bên. "Tuy nhiên, 16 triệu đồng là quá cao. Chi phí cao nhất với đầy đủ ê-kíp y bác sĩ không quá 10 triệu đồng", người này phân tích.
Nhà xe cũng cho biết gia đình người bệnh nên tìm hiểu thật kỹ trước khi đặt xe cấp cứu chuyển viện, nên chọn những xe được Sở Y tế địa phương cấp phép. Người nhà có thể yêu cầu nhà xe cho xem giấy phép này. Đồng thời, quan sát xem trên xe có số điện thoại, tên công ty, địa chỉ cụ thể hay không. Giá cả cần hỏi thật kỹ để thỏa thuận và làm hợp đồng.
"Hiện nay, rất nhiều xe làm dịch vụ cấp cứu. Nhiều người chọn đi xe dù để tiết kiệm nhưng sẽ không có máy oxy, thậm chí không có băng ca, không giấy phép, nguy hiểm cho người bệnh", người này chia sẻ.
Theo quy định, các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển xe cấp cứu được Sở Y tế địa phương cấp phép hoạt động. Giá của dịch vụ này do đơn vị thực hiện xây dựng và niêm yết. Người bệnh và đơn vị vận chuyển thoả thuận chi phí, làm hợp đồng.
Có hay không chuyện ép giá người bệnh?
VietNamNet nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc về câu chuyện người cha phải thuê xe cấp cứu 15 triệu nhưng không cứu được con trai.
Bạn Minh Đức cho rằng vì không có quy định về giá dịch vụ vận chuyển cấp cứu nên ép giá như thế nào cũng được. Theo bạn Lê Văn Quyển, có nhiều điều bất hợp lý trong vụ việc này. “Bệnh nhi sinh non, yếu ớt cần chuyển viện lên tuyến trên, thời gian rất cấp bách. Nếu bệnh viện có trách nhiệm, bác sĩ có tâm sẽ hỗ trợ ngay xe cấp cứu ở địa phương để chạy đua với thời gia. Đằng này lại giới thiệu xe ở tận TP.HCM xuống đón”.
Một ý kiến phân tích nếu đây là trường hợp chuyển viện theo yêu cầu thì xe cấp cứu tự túc (gia đình tự thuê) là hợp lý. Nhưng tại sao không sử dụng xe cấp cứu của bệnh viện với giá dịch vụ, vẫn rẻ hơn với dịch vụ thuê bên ngoài.
Bạn đọc Thơm nhận định nhân viên y tế gọi xe dịch vụ bên ngoài thì có thể bị kỷ luật, đuổi việc vì liên quan đến “hoa hồng” kết nối giới thiệu dịch vụ, dễ nảy sinh vô số hệ lụy.
Theo bạn Thạch Phan, khi thuê xe vận chuyển cấp cứu, quãng đường từ Hà Tĩnh đi Hà Nội (khoảng 350km) có đầy đủ máy thở, máy hút đờm, điều dưỡng đi cùng, tối đa khoảng 7 triệu đồng. Bạn đọc Vũ Sơn gửi gắm, mong các bệnh nhân không phải gặp cảnh ngộ "oan trái" như vậy nữa. "Ngành y tế cần chấn chỉnh lại dịch vụ này", độc giả này chia sẻ.