TheụyĐiểnnêukịchbảnchophépMỹtriểnkhaivũkhíhạtnhântrênlãnhthổbdkq yo Newsweek, trong ngày 13/5, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã hé lộ về khả năng Stockholm cho phép Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 2 dự luật. Về cơ bản, Thụy Điển sẽ không cho phép Mỹ và NATO triển khai quân thường trực hoặc đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ trong thời bình. Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi trong thời chiến, khi một cuộc xung đột trực tiếp nổ ra. Trong kịch bản xấu nhất, chúng ta cần có khả năng tự bảo vệ mình trước những nước có thể đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân", ông Kristersson cho biết.
Ông Kristersson nhấn mạnh, việc Thụy Điển gia nhập NATO là để viễn cảnh xấu nhất không xảy ra.
"Các thành viên NATO nên được hưởng lợi từ 'ô hạt nhân', và nó đặc biệt quan trọng đến chừng nào Nga còn sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu Ukraine là thành viên NATO, Moscow đã không phát động chiến dịch quân sự", Thủ tướng Thụy Điển nhận định.
Trong bình luận của mình, ông Kristersson cũng khẳng định rằng việc đặt vũ khí hạt nhân ở nước này sẽ do chính Thụy Điển quyết định, chứ không phải Mỹ. "Chúng ta có quyền tự quyết về những vấn đề trên lãnh thổ của mình", ông Ulf Kristersson nói thêm.
Theo dự kiến, vào tháng 6 năm nay, Quốc hội Thụy Điển sẽ bỏ phiếu về Thỏa thuận Hợp tác Quân sự (DCA) mà chính quyền đã ký với Mỹ hồi tháng 12/2023. Thỏa thuận cho phép Washington sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Thụy Điển, cũng như lưu trữ khí tài quân sự tại quốc gia này.
Động thái của Thụy Điển được đưa ra sau khi Ba Lan tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân Mỹ vào tháng 4 năm nay. Tuy vậy, NATO sau đó nói liên minh này chưa có ý định mở rộng chương trình chia sẻ hạt nhân.
Chia sẻ hạt nhân là một chính sách răn đe quan trọng của NATO, cho phép liên minh triển khai vũ khí hạt nhân tại các quốc gia thành viên không sở hữu năng lực này. Hiện tại, Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân tại Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.