Chiều 19/4,áchnóikhôngthểthiếucủaVănhóađọkeobonghomnay tọa đàm Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồngdiễn ra tại TP.HCM. Sự kiện có sự góp mặt của 3 đại biểu, gồm: Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Đại Chính, Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ, Giám đốc thư viện tỉnh Bình Phước và ông Lê Hoàng Thạch, CEO ứng dụng Sách nói Voiz FM. Công nghệ tạo lực đẩy hay rào cản cho văn hóa đọc? Trong buổi tọa đàm, các đại biểu nhìn nhận văn hóa đọc trong cộng đồng được đặc biệt đẩy mạnh trong vài năm gần đây. Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, ngành xuất bản dần hòa nhập và xem đây là xu thế bắt buộc để tạo động lực thúc đẩy trong bối cảnh chuyển đổi số. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết nhu cầu đọc sách phát triển trong xã hội hiện nay vì nó đáp ứng được ba yêu cầu quan trọng của mỗi người. Thứ nhất, đọc để làm nghề (giải quyết nhu cầu cấp bách nhất, nhiều nhất là sinh viên). Thứ hai, đọc để làm người (trang bị kiến thức làm nền tảng cho con người, phát triển đạo đức và lối sống trong xã hội). Cuối cùng, đọc để hạnh phúc (mỗi người khi tìm đọc một quyển sách cũng có những mục tiêu hạnh phúc khác nhau) với đa dạng đề tài như sách Phật giáo, tâm linh, hay ngôn tình, tiểu thuyết… Trước câu hỏi, Công nghệ sẽ tạo ra lực đẩy hay rào cản cho văn hoá đọc? Các đại biểu nhận định Văn hoá đọc với chuyển đổi số là vấn đề mới. Do đó, cần thời gian, sự chung tay làm việc của các đơn vị để có câu trả lời phù hợp. Ông Trần Đại Chính, Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ cho biết in ấn - xuất bản và thư viện là lĩnh vực cần hội nhập trong giai đoạn chuyển đổi số. Trước đây, sách giấy truyền thống đã tạo thói quen trong văn hoá đọc. Tuy nhiên, theo tiến trình phát triển xã hội, sách cũng được mở rộng theo hình thức hệ sinh thái công nghệ, cụ thể là sách nói. Từ đây, ngành xuất bản có vai trò và chỗ đứng hơn trong nền kinh tri thức. Đây được xem là nền kinh tế tuần hoàn và chia sẻ thông qua công nghệ. Mỗi người khi tiếp cận sách nói sẽ không gặp cản trở về thời gian, địa lý,… Do đó, đây là cách làm tốt để tạo thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ. Mặt khác, thư viện là “điểm chạm” trực tiếp trong việc xây dựng văn hoá đọc. Tuy nhiên nhắc tới Thư viện mọi người lại hình dung đến những hàng kệ sách giấy chứ ít ai nghĩ đến sách nói. Đây cũng là một vấn đề mang tính thách thức cần lời giải từ các nhà quản lý và đơn vị liên quan. Ông Lê Hoàng Thạch, đại diện đơn vị Voiz FM cho rằng, văn hoá đọc trước hết cần gắn với nhu cầu người dùng. Ở Việt Nam, lượt tìm kiếm về sách nói cao, qua đó thể hiện nhu cầu độc giả. Việc tạo ra sản phẩm và giới thiệu ứng dụng để đáp ứng nhu cầu của người dùng là điều đơn vị của anh cũng như nhiều đồng nghiệp trăn trở thực hiện. Trong thời gian ngắn, đơn vị này đã thu hút 10 triệu lượt người đăng ký sử dụng trên nền tảng ứng dụng của mình. Qua đó để thấy được sự phù hợp, tiện lợi và đáp ứng được nhu cầu người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số. Trong thời gian tới, Voiz FM tập trung phát triển sản phẩm, ứng dụng, đầu tư lớn từ chiến lược “độc quyền”. Họ lý giải “độc quyền” sẽ giúp mỗi đơn vị tập trung phát triển những điều thị trường cần, mở rộng văn hoá đọc của người Việt Nam. Giai đoạn 2, khi thói quen người dùng phổ biến, đơn vị sẽ định hướng tạo cơ hội mở rộng sản phẩm sách nói. Cần xem sách nói là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc Số liệu cho thấy từ thời điểm sau 2010, thị trường sách nói tăng trưởng khá mạnh. Thống kê cũng ghi nhận năm 2017-2018 bắt đầu chững lại và đến khi dịch Covid-19 bùng phát 2 năm sách nói lại “lên ngôi”. Tuy nhiên, đến năm 2022, sách giấy lại chiếm 80% và vẫn giữ vai trò chủ đạo trên thị trường hiện nay. Sách nói là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc. Tuy nhiên, khác với sách truyền thống, loại hình này cần có chiến lược riêng, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững. Chủ trương của Đảng và Chính phủ cũng là phát triển song hành giữa sách truyền thông và sách nói. Với hệ sinh thái phát triển, chính sách phát triển chuyển đổi số quốc gia đã làm cho không gian của thư viện tiếp tục tồn tại và những kho sách nói do đó cũng cần nở ra để cung ứng nhiều nhu cầu của người dân (bên cạnh các sản phẩm như ebook, tài liệu số...) Thư viện sách sẽ tồn tại và phát triển trong tương lai theo định hướng đó. Ông Nguyễn Nguyên chỉ ra những rào cản thực tế từ hướng phát triển của thị trường sách nói, trong đó gồm: Đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh; Hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề là bảo vệ bản quyền, thủ tục còn nhiều trở ngại; Vấn đề đầu tư, đặc biệt là đầu tư về công nghệ - yếu tố tiên quyết đối với lĩnh vực này. Cuối cùng là nhân lực hạn chế khi đội ngũ thiếu và chưa đồng đều về chuyên môn, cập nhật xu thế. Do đó, 2 vấn đề quan trọng là thay đổi nhận thức, trước hết từ các bạn trẻ đam mê và yêu sách. Còn lại là tập trung phát triển nhân lực để thay đổi diện mạo ngành sách hiện nay. “Việc đồng hành cùng nhau là quan trọng. Ở Việt Nam hiện nay có 21% người đọc sách – tương đương 21 triệu người. Con số trông có vẻ khiêm tốn nhưng nếu nhìn chiều còn lại, đây là thị trường tiềm năng và cần phát triển hơn nữa nếu làm được. Chúng ta cần nhìn mặt đầy đủ, toàn diện để từ đó giải quyết chứ không phải quay đầu lại, cần biến những rào cản thành cơ hội”, ông Nguyên chia sẻ. Ông Nguyên cũng chỉ ra văn hoá đọc và xuất bản vốn là 2 mặt vấn đề. Những nước có lĩnh vực xuất bản phát triển như Hàn Quốc, Ấn Độ sẽ có văn hoá đọc cao. Đây được xem là mối quan hệ hữu cơ, khăng khít và hoàn toàn không có sự phân cách hay mâu thuẫn. Về hướng đi lâu dài, ông Trần Đại Chính cho biết mình sẽ là người kết nối để đưa sách nói vào thư viện miền Đông Nam Bộ (ít nhất 9 tỉnh) và sau đó kết hợp với các đơn vị để mở rộng ra cả nước theo chiến lược từng thời kỳ và khu vực. “Đây chính là trách nhiệm, tấm lòng, tình cảm của thư viện công cộng để mở rộng sách nói và phục vụ sách nói cho người dân. Hy vọng thông qua Ngày sách Việt Nam, đây sẽ là sự phát triển bền vững, mạnh mẽ trong tương lai”, ông Chính nói. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên tổ chức Ngày Sách & Văn hoá đọc Việt Nam, với một trong các chủ đề chính là Chuyển đổi số. Đây được xem là sự kết hợp giữa 3 cơ quan quản lý khi Sách thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông, Văn hoá đọc thuộc về bộ Văn hoá, còn chuyển đổi số thuộc Bộ Khoa học công nghệ. Lãnh đạo Cục Xuất bản cho biết đề xuất các bộ thống nhất một hệ thống với tên gọi “Ngày Văn hóa đọc” vì mục tiêu chung là xây dựng hệ giá trị Việt Nam hùng cường, vững mạnh thông qua đẩy mạnh, tuyên truyền sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuấn Chiêu |