Bài 5: Phong cách của sự kết hợp tinh hoa văn hóa Đông - Tây
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một nhà lãnh tụ thiên tài mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Cùng với sự mẫu mực về phong cách tư duy,ángngờitưtưởngđạođứcphongcáchHồChífreiburg – union berlin phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, Hồ Chí Minh còn là một tấm gương vĩ đại về phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Đó chính là phong cách của sự kết hợp tinh hoa giữa 2 nền văn hóa phương Đông và phương Tây…
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp năm 1957 Ảnh: T.L
Phong cách diễn đạt
Nét độc đáo trong phong cách diễn đạt của Bác chính là cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của hàng chục triệu người lao động, làm sao để họ hiểu được, dám vùng lên đấu tranh giải phóng…, Hồ Chí Minh hay dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực.
Tiếp đó, Bác luôn có phong cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao. Bác thường viết ngắn, có khi rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 từ mà đã khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu đúc kết lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”... Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Đó là điều ước muốn của mọi nhà tư tưởng, nhà lý luận chân chính mà không phải ai cũng đạt tới được.
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7-1960 Ảnh: T.L
Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cực kỳ sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Khi nói, khi viết Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “lý luận như cái tên, thực hành như cái đích” để bắn; “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...
Ở Bác, phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; tha thiết trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục… Phong cách diễn đạt như trên của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính khoa học và hiện đại và đặc biệt có hiệu quả rất cao. Đó là bài học quý giá đối với tất cả mọi người, nhất là đối với mọi người làm công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục lý luận cho đại chúng, để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.
Phong cách ứng xử
Thể hiện rõ nhất trong phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh. Trong ứng xử, Người rất chân tình, nồng hậu, tự nhiên. Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình, hay một câu nói đùa, Người đã tạo ra một bầu không khí thân mật, thoái mái, thân thiện như trong một gia đình. Sự ân cần, nồng hậu, xóa bỏ mọi nghi thức, đi thẳng đến trái tim con người bằng tình cảm chân thực, tự nhiên, đó là nét nổi bật trong phong cách ứng xử của những nhà văn hóa lớn của mọi thời đại.