Au gọi túp lều trên tầng thượng là "nhà",ộcsốngtrongnhàquantàiởHongKongngộtngạthơnbaogiờhếlịch thi đấu thụy điển có "view triệu đô" hướng ra đường chân trời rộng lớn khu Kowloon. Nhưng sống trong lều bao quanh toàn kim loại và bê tông, nằm trên đỉnh tòa nhà 10 tầng, ông miêu tả cảm giác nóng hầm hập như "một triệu độ C".
"Ngay cả khi bật hết 3 cái quạt trong phòng khách, trời vẫn quá nóng", Au nói với The Washington Post, tay lau mồ hôi đầm đìa trên mặt khi thời tiết đạt đến mức nóng kỷ lục những ngày gần đây.
Túp lều trên tầng thượng tòa nhà thuộc khu phố sang trọng Sham Shui Po của ông rộng hơn 27 m2, được làm bằng kim loại và hấp thụ nhiệt vào bên trong.
Người đàn ông 73 tuổi lợp thêm dàn xốp trên trần nhà và mái che cửa sổ để tránh nắng vào buổi chiều, nhưng chẳng đem lại hiệu quả là bao. Ông có máy lạnh nhưng không đủ tiền để sử dụng nó.
Để tiết kiệm tiền điện, vợ chồng ông chỉ bật máy lạnh một chút khi con đi học về. Cả ngày, họ ngồi im trong nhà, bật quạt và ăn dưa hấu để làm mát người. Ban đêm, họ ngủ trên giường trải chiếu tre.
Mùa hè ngột ngạt
Bất cứ ai từng trải qua mùa hè ở Hong Kong (Trung Quốc) đều thấu hiểu về cái nóng nực và ngột ngạt. Đợt nắng nóng kỷ lục vào năm nay khiến mọi thứ khủng khiếp hơn bao giờ hết.
Hàng nghìn người đang sống trong các căn hộ quan tài, nhà chia nhỏ trên gác mái không có cách nào trốn thoát cái nóng khắc nghiệt.
Mùa hè ngột ngạt của Hong Kong dường như tồi tệ hơn khi xung quanh là những tòa nhà bê tông chọc trời trùng điệp, công viên cũng toàn bê tông, cộng thêm hơi nóng bốc lên từ mặt đường nhựa.
Những tác động của biến đổi khí hậu lên người có thu nhập thấp còn phức tạp hơn nhiều.
Giá bất động sản cao cắt cổ và thời gian chờ được xếp chỗ ở công cộng kéo dài đã đẩy những cư dân nghèo như ông Au - người chỉ dám tiết lộ họ của mình vì thấy xấu hổ - vào cảnh sống tạm bợ trong các căn hộ quan tài và lều dựng bất hợp pháp tràn lan trên tầng mái của các tòa chung cư.
Ông Au hy vọng gia đình mình sớm được sắp xếp một nhà ở công. Trong lúc đó, ông chỉ biết ngồi trước quạt trong chiếc áo phông ướt đẫm mồ hôi để chờ con đi học về.
Nhưng Au nói rằng được sống trong túp lều hiện tại cũng đã là may mắn. Trước đây, trong suốt 30 năm, ông từng sống trong một túp lều chỉ hơn 5 m2, bốn bức tường đều làm bằng thiếc. Lúc đó, những ngày mùa hè, anh không thể nào ở trong lều.
"Nó giống như một cái lò nướng", ông nói.
Những người nghèo trên sân thượng
Trên đỉnh một chung cư 7 tầng ở khu phố Kowloon của Cheung Sha Wan, bà Tai Sze-lin (52 tuổi) và ông Hung Chi-fai (58 tuổi) sống trong các căn phòng quan tài trong một túp lều rộng 41 m2. Trong lều còn có 4 người khác.
Cửa sổ trong các căn phòng quan tài không có tác dụng thông gió, vì nó đối diện với cửa sổ của một phòng khác. Những ngày nắng nóng, họ dùng vòi nước phun ướt sân thượng để giảm nhiệt.
Để thoát khỏi cái nóng bức mùa hè, Tai, một nhân viên ngân hàng, thường tìm đến các trung tâm thương mại có máy lạnh.
"Tôi chuyển đến Hong Kong nhiều năm trước. Mùa hè luôn là thời điểm nóng bức và khó chịu nhất", Tai nói.
Tai cho biết trong những năm trước, nhiệt độ thường tăng cao vào những ngày trước khi có một cơn bão tràn qua khu vực. Nhưng bây giờ, cơn nóng có thể kéo dài nhiều tuần.
"Thời tiết nóng đến mức đầu tôi dường như muốn nổ tung", Tai bày tỏ.
Hung Chi-fai, một người làm nghề dọn dẹp, đã chuyển đến túp lều sân thượng này vào tháng 6. Trước đây, ông sống trong một khoang ngủ rộng chưa đến 2 m2. Có 16 khoang ngủ như vậy trong một căn hộ duy nhất.
Ông Hung thường trốn nóng bằng cách ghé vào một thư viện ở gần, đọc sách báo trước khi về tắm rửa. "Tôi sẽ cứ ở đó hàng tiếng đồng hồ cho đến khi nó đóng cửa", ông kể.
Người đàn ông 58 tuổi nói rằng không chỉ mùa hè nóng hơn và có vẻ mùa đông cũng ngắn hơn bất thường. "Trời sẽ ngày càng nóng. Chúng tôi chỉ cố gắng để thích nghi và sống cuộc sống của mình".
Bế tắc
Ở khu Kwai Chung gần đó, họa sĩ về hưu Wong Chung sống một mình trong căn hộ chia nhỏ rộng 4,6 m2, nằm trong một căn hộ chung cư chia ra 8 phòng như vậy.
Người đàn ông 70 tuổi dựa vào trợ cấp của chính phủ, với ngân sách 18 HKD mỗi ngày để sống. Ông có máy điều hòa nhưng chỉ dám bật khoảng 1 tiếng đồng hồ trước khi ngủ.
Wong cho biết cái nóng khiến ông nhiều lần thức giấc trong đêm, dù ông đã dùng một chiếc áo phông che cửa sổ để tránh ánh nắng vào ban ngày. Khi nhiều trung tâm phục vụ người già đã đóng cửa vì đại dịch, ông không có lựa chọn nào khác ngoài ủ rũ trong nhà.
"Tôi hy vọng chính phủ sẽ giúp đỡ những người thuê nhà, đặc biệt là các gia đình có con cái phải học trong không gian chật chội, ngột ngạt như vậy. Thật đáng buồn", ông bày tỏ.
Theo một báo cáo của chính phủ vào năm 2021, khoảng 220.000 người, tương đương 3% dân số Hong Kong, sống trong những túp lều chật chội trên sân thượng, căn hộ chia nhỏ và nhà lồng.
Với kiểu thiết kế của những căn hộ kiểu này, người sống trong đó phải chịu đựng mức nhiệt cao hơn 5-6 độ C so với ngoài trời, theo một báo cáo vào tháng 7 của Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng - nhóm phi chính phủ tập trung vào vấn đề nhà ở.
Trong khi khí hậu đang nóng lên khiến mùa hè trở nên tồi tệ hơn, các gia đình có thu nhập thấp càng lo lắng về hóa đơn tiền điện nước tăng vọt, Sze Lai-shan - Phó giám đốc của hiệp hội - cho biết.
"Trong ngắn hạn, việc cung cấp máy điều hòa và trợ giá điện sẽ giúp ích. Nhưng về lâu dài, điều người dân mong muốn nhất là được sắp xếp nhà ở công", Sze nói.
Kevin Li, nhà nghiên cứu tại tổ chức môi trường CarbonCare InnoLab, cho biết kế hoạch hành động khí hậu mới nhất của chính phủ chủ yếu dựa vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm giảm thiểu các tác động như mực nước biển dâng.
Tuy nhiên, những điều này không tính đến hoàn cảnh hiện tại của các nhóm yếu thế. Những người thuê các túp lều trên tầng thượng và các căn hộ chia nhỏ đang phải đối mặt với đợt nắng nóng và bão ngày càng khắc nghiệt.
Li muốn thấy một kế hoạch thích ứng với khí hậu giúp mọi người chuẩn bị cho những điều kiện khắc nghiệt, ví dụ sửa các túp lều trên sân thượng để cải thiện sự phân tán nhiệt, cải thiện hệ thống thông gió và trợ cấp chi phí điện.
Theo Zing