Lần nào quay lại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk),âyxanhtronglòngthànhphốNhữnghàngcâycủađờingườkêt quả c2 tôi cũng không thôi ngỡ ngàng khi đi dưới bóng những hàng sao rợp mát trên đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn,…
Sau những 5 năm, 10 năm, 20 năm, cây mỗi ngày mỗi khác, quen mà lạ quá. Ký ức như một sợi dây khẽ rung lên khi chiếc lá chao xuống mặt vỉa hè, lật vài vòng lăn đi trong gió.
Năm 1985, thị xã Buôn Ma Thuột kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng. Đó là một sự kiện rất lớn vào thời đó, in sâu đậm trong trí nhớ của nhiều người tới tận bây giờ, nhất là hội đua voi, diễu hành voi.
Cũng dịp đó, một hoạt động lặng lẽ khác đã diễn ra, chắc chỉ những người trực tiếp tham gia và những người viết báo còn nhớ, là việc trồng cây trên vỉa hè của nhiều con đường.
Thị xã ngày ấy nhỏ, những con đường nhỏ, vỉa hè mấp mô, rợp bóng muồng hoa vàng, thỉnh thoảng có vài gốc bằng lăng rừng, sữa, gạo và bông gòn cổ thụ, chắc còn sót lại của rừng già.
Có lẽ chỉ muồng là thứ cây đường phố được trồng một cách có chủ đích, thẳng lối ngay hàng. Trong sân các trường học, công sở trồng rất nhiều muồng, loại cây gỗ xốp, cành giòn, lớn rất nhanh, to cao, tỏa bóng mát.
Đầu mùa mưa, tháng 3, khi những đàn bướm vàng bay rợp khắp các ngả rừng nẻo rẫy, là mùa đáng sợ. Hàng tập đoàn sâu bám ăn lá muồng, nên được gọi luôn là sâu muồng. Mà muồng thì nhiều.
Trong phố là cây bóng mát, trên rẫy là cây chắn gió. Hạt cây phát tán khắp nơi, cây mọc hoang đầy những khoảnh đất trống trong lòng thị xã, cứ thế mà lớn rồi thành cổ thụ.
Sâu muồng rơi trên vỉa hè, bám trên rào, bò lên yên xe, rụng trên áo, bám chi chít dày đặc từng mảng tường lớn, đến nỗi người không sợ sâu cũng rùng mình.
Buôn Ma Thuột ngày ấy chưa nhiều loại cây đường phố. Ở những phố trung tâm, nhiều đoạn vỉa hè vốn trống trơn xuất hiện những hố trồng cây vuông vức, có lồng bảo vệ, trong đó là một cái cây nhỏ xíu.
Ngày đó, thị xã chưa quá nóng nên chắc không mấy người để ý tới những cây sao gày guộc. Thân chúng chỉ bé như cái que, phơ phất vài chòm lá đầu cành.
Những người trồng cây đóng cho chúng cái khung bảo vệ, bằng tre hoặc bằng gỗ, có chỗ quấn quanh cả vài vòng thép gai, bởi lũ trẻ đi học qua hay bẻ cành quật nhau, hoặc buồn tay bẻ chơi vậy thôi.
Thỉnh thoảng có cây bị bẻ gãy tới gốc, hoặc vì lý do gì đó mà chết khô, một thời gian sau lại thấy có cây mới được thay vào.
Những hàng cây nhỏ nhoi, yếu ớt chậm chạp lớn lên trong khoảng xanh bao la của thị xã không phải là thứ gây chú ý cho mọi người. Ở thời điểm đó, chắc cũng không mấy ai coi trọng những hàng cây non nớt ấy.
Tôi hàng ngày đi học qua những hàng sao. Một đứa trẻ chưa sợ nắng không coi trọng những cái cây bé tí, thỉnh thoảng tiện tay vặt vài cái lá.
Cây cứ chậm rãi lớn, chậm tới mức khó nhận ra. Khi tôi vào cấp 3, chúng bắt đầu định hình tán lá thành những cái ô nho nhỏ, đổ một chút xíu bóng râm.
Tôi vào đại học rồi ra trường, quay về thị xã, những cây sao đã nhinh nhỉnh lớn ra cái vẻ thiếu niên, xòe cành, có chút bóng râm cho người đến tránh cái nắng mùa khô rát rạt.
Thị xã đã là thành phố, người đông lên, đường rộng ra, nhà cửa lèn vào những khoảng trống xưa.
Rồi tôi xa thành phố, quay lại, giật mình thấy những hàng sao đã khỏe khoắn ở tuổi thanh niên, vươn cành giao tán, tự tin vẫy lá ràn rạt trong nắng, phủ mát vỉa hè nhiều con đường, thành vòm che rợp nhiều đoạn phố.
Mất 40 năm để những cây sao trên đường đi học của tôi trở thành những hàng cây vâm váp, khỏe khoắn khoe sức sống, khoe sự vững chãi.
Ai tới Buôn Ma Thuột bây giờ cũng tấm tắc với cây. Thành phố mát mẻ, xanh rì cây cối. Có những con đường huyền diệu như cổ tích, cả ngày không lọt bóng nắng.
Ngắm những thân cây vòng tay ôm không kín, tôi thường nhớ tới những cây sao nhỏ nhoi yếu ớt trên con đường đến trường của đứa trẻ ngày xưa, bần thần nghĩ về thời gian và đời người.
Hôm 7/9, bão vào Hà Nội. Sáng qua, tôi đi quanh khu nhà. Mấy cây bàng Đài Loan, cây mộc, cây bằng lăng cổ thụ và những cây gì tôi không rõ tên, mới được trồng vài năm trước, bị bật gốc, nằm trơ trên hè.
Nhân viên tòa nhà đang hì hục cắt cành, dựng cây lên, trồng lại vào hố.
Những cái cây thật đáng thương…