- Vấn đề mất dân chủ trong trường học đã được đưa ra mổ xẻ từ thực trạng,ổxẻhiệntượngdânchủtrongtrườnghọbong da hom nguyên nhân cho tới những giải pháp tại hội nghị về thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo sáng 24/3.
Tuyển dụng giáo viên thiếu minh bạch, mất dân chủ là tất yếu
Ngay trong phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị đại diện các bộ, ngành đi thẳng vào vấn đề, tránh trình bày lại báo cáo, văn bản quy định.
Ông yêu cầu các đại biểu trả lời 3 câu hỏi: Thứ nhất, mất dân chủ trong trường học có phải hiện tượng phổ biến không hay chỉ là cá biệt? Thứ hai, nếu như việc thực hiện dân chủ chưa tốt thì có phải do thiếu văn bản quy định không? Thứ ba, nếu văn bản quy định có đủ, thì nguyên nhân tình trạng vi phạm dân chủ trong trường học là do đâu?
Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, các văn bản quy định về thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục hiện nay là tương đối đầy đủ. Tuy vậy, bà Nghĩa cũng thừa nhận, việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, đối phó.
"Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp" - bà Nghĩa nói.
Khi Phó Thủ tướng nhắc lại câu hỏi: Tình trạng mất dân chủ trong trường học có phải là phổ biến không? Thứ trưởng Nghĩa khẳng định: Việc mất dân chủ ở một số trường là có nhưng không nhiều.
Dẫn ví dụ từ vụ việc khiếu kiện kéo dài ở Trường ĐH Ngoại thương cho tới vụ việc của hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc thực hiện dân chủ trong trường học có trách nhiệm rất lớn người đứng đầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu tại hội nghị sáng 24/3. Ảnh: Lê Văn. |
Chia sẻ ý kiến này, song ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, bản thân giáo viên cũng tập trung về chuyên môn, không để ý đến các quy chế dân chủ, không tham gia góp ý, đến khi đưa ra thực hiện thì mới thắc mắc, khiếu nại.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thì nhận định, nguyên nhân chính khiến việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học không đầy đủ là do khâu tuyển dụng giáo viên hiện nay thiếu minh bạch.
Theo ông Chiến, một giáo viên được tuyển dụng thiếu minh bạch khi trở thành một hiệu trưởng, trải qua đầy đủ các mánh lới thì mất dân chủ là đương nhiên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội cho rằng, việc thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay không hiệu quả là do chúng ta đang quản lý bằng thi đua là chính chứ không phải quản lý bằng dân chủ.
Hiệu trưởng không chuẩn mực sẽ ảnh hưởng đến dân chủ trong trường học
Đề cập tới giải pháp, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chúng ta không thể cứ chăm chăm vào chữ dân chủ thì sẽ có dân chủ. Ông Lâm đề nghị cần phải đổi mới phương pháp giáo dục để khuyến khích học sinh chủ động, sáng tạo chứ không áp đặt.
Ông Lâm cũng kiến nghị, phải gắn dân chủ với tự chủ trong các cơ sở giáo dục. Cần phải có cơ chế tự chủ trong tất cả các trường từ mầm non cho tới ĐH chứ không chỉ tự chủ ĐH.
Đồng thời, cần phải đề cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, xây dựng cách thức đánh giá thực hiện dân chủ trong nhà trường chính xác và khách quan.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, không phải cứ chăm chăm nói tới chữ dân chủ thì sẽ có dân chủ. Ảnh: Lê Văn. |
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để thực hiện tốt dân chủ trong trường học, cần đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn người đứng đầu.
"Đặc biệt cấp tiểu học và THCS mà hiệu trưởng không chuẩn mực, trình độ chuyên môn không tốt, đạo đức không cao thì ảnh hưởng rất lớn. Đó là thực tế chúng ta phải lưu tâm" - ông Phong nói.
Ông Bạch Ngọc Chiến thì cho rằng, việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho các địa phương như hiện nay có nhiều bất cập khi mỗi địa phương tự đặt ra những yêu cầu riêng.
Để giải quyết cái gốc của vấn đề dân chủ là đội ngũ giáo viên, ông Chiến cho rằng, nên học tập Hàn Quốc thành lập một trung tâm sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Khi đó, yêu cầu đặc thù của địa phương chỉ là bổ sung chứ không phải là yếu tố tiên quyết.
Ông Chiến cũng đề nghị áp dụng CNTT trong việc thực hành và đánh giá dân chủ trong trường học. Cần phải có phần mềm để các GV đánh giá lẫn nhau và GV được đánh giá hiệu trưởng của mình.
Ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì chia sẻ "bài học kinh nghiệm" của trường mình từ việc tăng học phí và cho rằng, để thực hiện dân chủ trong trường học thì việc tuyên truyền công khai minh bạch là rất quan trọng.
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của đại diện các bộ ban ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, hiện nay các văn bản quy định về dân chủ trường học là tương đối đầy đủ nhưng thực hiện dân chủ cơ sở trong các trường học chưa tốt đẹp như các báo cáo.
Đánh giá việc thực hiện dân chủ trong trường học là "mũi" quan trọng và cần phải đi trước so với các lĩnh vực khác, Phó Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm là của cả hệ thống, nhưng trước hết, của giáo viên, của ban lãnh đạo, của hệ thống quản lý giáo dục các cấp.
Ông đề nghị phải rà lại các quy chế, quy định đặc biệt là công tác liên quan tới bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên trong ngành giáo dục. Không thể nào thực hiện dân chủ nội bộ được nếu vẫn còn chỉ đạo mang tính cầm tay chỉ việc từ bên trên từ chuyên môn tới nhân sự.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng và cho rằng, nơi nào quyền lực tập trung vào 1 người xu hướng sẽ bị tha hóa. Để làm tốt điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, việc có thể làm ngay được chính là xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát có thể đo đếm được chứ không chung chung như trước.
"Phải làm sao để các GV đánh giá các hiệu trưởng một cách dân chủ" - ông Đam nói và cho rằng, cần phải áp dụng CNTT để việc đánh giá này đảm bảo tính khách quan nhưng không tràn làn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục yêu cầu các trường phải công khai quy chế hoạt động nội bộ. Quy chế phải được xây dựng lấy ý kiến và ban hành công khai. Quy chế càng xây dựng chi tiết thì dân chủ càng được đảm bảo.
Không thành lập hội đồng trường có phải vì hạn chế quyền độc đoán cá nhân? Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc hiện nay đã có bao nhiêu trường ĐH, CĐ đã thành lập hội đồng trường, đại diện Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đều chưa đưa ra được con số chính xác. Bộ GD chỉ cho biết, có 16/38 trường trực thuộc Bộ đã thành lập hội đồng trường còn Bộ LĐTB-XH đưa ra con số chung chung là 30%. Phó Thủ tướng cho rằng, việc thành lập hội đồng trường là “chỉ số" cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở trường ĐH, CĐ nhưng cả 2 bộ đều không nắm được một cách đầy đủ là chưa được. Trước nhiều ý kiến cho rằng, các hội đồng trường hiện nay không thành lập là do còn hình thức, không có quyền lực thực tế, nhiều nơi đưa chỉ đưa trưởng phòng, chủ nhiệm khoa lên làm chủ tịch hội đồng cho có, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: "Các trường lấy lý do là vì nó hình thức, không thực chất. Vậy tại sao nó hình thức mà không thực hiện cho đúng luật đi đã hay vì không thành lập là do nó hạn chế quyền độc đoán của một số cá nhân". Phó Thủ tướng cũng cho biết, Nghị định về tự chủ các trường ĐH, CĐ đang được soạn thảo sắp tới sẽ quy định rõ quyền của các hội đồng trường để vai trò của hội đồng trường đi vào thực chất. |
Lê Văn