"Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của các bên trong cuộc xung đột", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên hôm 29/11, khi bình luận về thông tin phương Tây có kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Trước đó, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) đã trích dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, NATO ngày càng ủng hộ việc dừng các hoạt động giao tranh dọc theo tiền tuyến hiện tại ở Ukraine, vì khối quân sự do Mỹ lãnh đạo và Kiev đã nhận ra rằng họ không thể gây ra "thất bại chiến lược" đối với Nga.
Theo SVR, các kế hoạch đang được thực hiện để đóng băng xung đột bằng cách đưa 100.000 quân nước ngoài đến Ukraine.
"Đóng băng xung đột sẽ cho phép phương Tây xây dựng lại quân đội Ukraine đã suy yếu và chuẩn bị cho một nỗ lực trả đũa", SVR tuyên bố.
SVR hé lộ việc NATO đã thiết lập các trung tâm huấn luyện để hỗ trợ ít nhất một triệu quân nhân Ukraine.
SVR cho rằng, việc tạm dừng giao tranh cũng có thể giúp phương Tây khôi phục ngành công nghiệp quân sự của Ukraine, vốn thường xuyên bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
"Để giải quyết những nhiệm vụ này, phương Tây về cơ bản sẽ cần phải kiểm soát Ukraine. Đương nhiên, điều này sẽ được thực hiện dưới chiêu bài triển khai một "lực lượng gìn giữ hòa bình" tại quốc gia này… Theo kế hoạch, tổng cộng 100.000 người được gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai tại Ukraine", Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cho biết.
Theo SVR, kế hoạch của phương Tây cũng bao gồm việc chia Ukraine thành 4 vùng kiểm soát lớn. Romania sẽ kiểm soát bờ Biển Đen, Ba Lan sẽ kiểm soát tây Ukraine và Anh sẽ kiểm soát phía bắc, bao gồm cả thủ đô Kiev. SVR cho biết các khu vực trung tâm và phía đông của Ukraine sẽ do Đức kiểm soát.
SVR cũng cáo buộc rằng Đức có kế hoạch khôi phục lại các hoạt động mà Đức Quốc xã đã thực hiện trong Thế chiến II để "kiểm soát" Ukraine. Cụ thể, Berlin muốn thành lập các "biệt đội tử thần" gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine để duy trì trật tự ở vùng lãnh thổ bị kiểm soát, theo SVR.
Thông tin của SVR được đưa ra sau khi báo Pháp Le Monde đưa tin vào đầu tuần này rằng, Pháp và Anh đã "kích hoạt lại" cuộc thảo luận về khả năng triển khai quân đội ở Ukraine. Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng phương Tây không nên loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine để kiềm chế Nga, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều đồng minh NATO.
Nga đã nhiều lần ra tín hiệu phản đối việc đóng băng xung đột, nhấn mạnh rằng tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự tại Ukraine, bao gồm đảm bảo sự trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, phải đạt được.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh rằng mặc dù Liên minh châu Âu (EU) không có sự đồng thuận về việc gửi quân đến Ukraine, nhưng "có một số cái đầu nóng" đã tính đến phương án này.
Theo Tass