Không thể "lạc quan tếu"
Thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sáng 29/10, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho biết, dù có những thành tựu trong những năm qua, song cũng không thể "lạc quan tếu" trước sự phát triển văn hóa của đất nước.
Đại biểu nêu về hiện tượng nhập siêu văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống...
"Chúng ta không thể chỉ nhìn 1, 2 bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải được vài trăm tỷ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng. Thực tế có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng", đại biểu nêu.
Đại biểu cho rằng, đây là giai đoạn rất cần "chấn dân khí" vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, rất cần ủng hộ, khuyến khích có những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam.
Theo đại biểu, như vậy sẽ có thêm tình yêu, niềm tin và tự hào đối với sự phát triển văn hóa của dân tộc. Đây là lý do mà ông Bùi Hoài Sơn mong muốn tạo điều kiện liên quan đến thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm văn học, nghệ thuật.
"Để thuế không trở thành rào cản cho lòng yêu nước, cho tinh thần tự tôn dân tộc, cho khát vọng phát triển đất nước...", ông Sơn nêu quan điểm.
Miễn thuế nhập khẩu với di vật, cổ vật
Về đối tượng áp dụng mức thuế suất 5%, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về việc áp dụng mức thuế suất cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim.
Trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, phạm vi áp dụng ưu đãi thuế đã bị thu hẹp, chỉ còn tập trung vào nghệ thuật biểu diễn truyền thống và dân gian.
Theo đại biểu, điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa và thể thao của nhân dân, đặc biệt là những hoạt động mang tính công cộng như bảo tàng, thư viện và các sự kiện văn hóa cơ sở.
Về chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với di vật, cổ vật, và bảo vật quốc gia, bà Thu Đông cho rằng, việc này là cần thiết để khuyến khích hồi hương tài sản văn hóa có giá trị của Việt Nam.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các cổ vật có giá trị để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, dự thảo luật hiện nay chỉ miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu mà bỏ qua đối tượng là tổ chức, cá nhân.
"Ở đây chúng ta vẫn có sự phân biệt giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa", đại biểu cho hay.
Đối với việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc lịch sử truyền thống của dân tộc, bà Thu Đông đề nghị nhà nước hay tư nhân đều được hưởng vì những người quan tâm, đầu tư cho đối tượng này đã là những người yêu văn hóa, tâm huyết với văn hóa.
Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị nên ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước để khuyến khích họ tham gia cùng với nhà nước để đưa di vật cổ vật đó hồi hương.
"Tránh tư duy không quản được thì cấm, tạo nên những rào cản cho các tổ chức, cá nhân thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa", bà Thu Đông nói.
(责任编辑:Nhận Định Bóng Đá)