Cho đến nay,ộcsogăngthenchốtgiữaôngTrumpvàbàkết quả c2 hôm nay sự kiện so tài hùng biện trên truyền hình vào 21h tối 10/9 giờ Mỹ (8h sáng 11/9 giờ Việt Nam) là cuộc đối đầu trực tiếp duy nhất được lên lịch giữa ông Trump và bà Harris. Theo một số chuyên gia, đây có thể là khoảnh khắc then chốt trong sự nghiệp chính trị của Phó tổng thống Harris, ứng viên được đảng Dân chủ chọn thay Tổng thống Joe Biden “đấu chung kết” vào Nhà Trắng với ứng viên của đảng Cộng hòa.
Màn thể hiện “lép vế” của ông Biden trước ông Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên tổng thống vào cuối tháng 6 đã dấy lên làn sóng gây áp lực trong đảng Dân chủ, dẫn đến việc Tổng thống sắp mãn nhiệm rốt cuộc phải rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Mặc dù bà Harris đã giữ chức phó tổng thống hơn 3 năm và là ứng viên tổng thống được 7 tuần, nhưng bà vẫn là một ẩn số đối với nhiều người Mỹ. Một cuộc khảo sát gần đây của tờ New York Times cho thấy, 28% cử tri đăng ký đi bỏ phiếu vào tháng 11 tiết lộ họ cần biết thêm về nữ chính khách đến từ bang California này.
Tương tự phần lớn các cuộc khảo sát gần đây, cuộc thăm dò dư luận trên phản ánh tổng tuyển cử năm nay sẽ rất gay cấn, với sự chia rẽ nghiêm trọng trong chính trường và các cử tri, cả trên toàn quốc và ở những bang chiến địa then chốt. Thực tế càng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tỉ thí giữa ông Trump và bà Harris vào tối 10/9, khi ngay cả những thay đổi nhỏ trong tâm trạng của các cử tri cũng có thể tạo nên khác biệt giữa chiến thắng và thất bại cho các ứng viên.
Đối với bà Harris, sự kiện tranh luận trực tiếp do đài ABC tổ chức ở Philadelphia, bang Pennsylvania sẽ mang đến cơ hội cho bà bộc lộ rõ nét hơn về bản thân trước hàng chục triệu khán giả, trong sự công kích mạnh mẽ từ đối thủ Trump. Giới quan sát nhận định, cơ hội này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu bà Harris tự định vị bản thân và các quan điểm của mình theo những cách gây tổn hại đến triển vọng thắng cử.
Theo BBC, bà Harris trước đây từng phải chật vật trả lời những câu hỏi gai góc dưới áp lực. Việc nữ chính khách miễn cưỡng tham gia các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông trong những tuần đầu tiên của chiến dịch vận động tranh cử đã khiến bà bỏ lỡ phần nào cơ hội trau dồi lập luận.
Mặc dù bà Harris đã cố gắng thể hiện mình là ứng cử viên thay đổi trong cuộc bầu cử tổng thống 2024, nhưng giới quan sát tin những người điều phối cuộc tranh luận và ông Trump có khả năng sẽ gây sức ép buộc bà phải bảo vệ thành tích của chính quyền Biden, đặc biệt trong những lĩnh vực mà cử tri tỏ ra không hài lòng với đảng Dân chủ, chẳng hạn như vấn đề an ninh biên giới và lạm phát.
Phó tổng thống cũng sẽ phải giải thích lí do tại sao bà từ bỏ một số chính sách mang thiên hướng tự do hơn mà bản thân từng theo đuổi trong nỗ lực giành tấm vé đại diện tranh cử của đảng Dân chủ thất bại năm 2020. Gần đây, bà Harris đã rút lại lập trường về lệnh cấm khai thác khí đá phiến, phi hình sự hóa việc vượt biên và quốc hữu hóa bảo hiểm y tế… Bà giải thích những thay đổi này phản ánh bối cảnh mới, nhưng một số cử tri có thể coi đó là động thái xuất phát từ lợi ích chính trị.
Đối với ông Trump, cuộc tranh luận sắp tới có thể là cơ hội để giành lại thế chủ động trong chiến dịch tranh cử, sau một tháng đảng Dân chủ cùng với ứng cử viên mới và đại hội toàn quốc của đảng thống trị truyền thông. Trước đây, cựu Tổng thống đã chứng minh có khả năng trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành tâm điểm chú ý, đặt ra các điều kiện tranh luận chính trị khiến các đối thủ của ông mất cân bằng và đưa các vấn đề như nhập cư và thương mại, nơi lập trường của ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận chính trị.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống cũng đối mặt những thách thức tiềm ẩn trong cuộc so găng đầu tiên với bà Harris. Theo giới quan sát, phần thể hiện của ông Trump trong cuộc tranh luận hồi tháng 6 với Tổng thống Biden ít bị chỉ trích vì đối thủ của ông đôi khi mắc lỗi "vạ miệng" nghiêm trọng. Bà Harris chắc chắn sẽ là đối thủ trẻ tuổi hơn và có kinh nghiệm nhiều năm làm công tố viên, nên các câu trả lời của ông Trump cần phải sắc sảo hơn.
Tại một diễn đàn kinh tế ở New York tuần trước, ông Trump đã không thể đưa ra lời giải thích rõ ràng cho các chính sách của mình về chăm sóc trẻ em. Những phát biểu bị đánh giá “quanh co” như vậy trong lúc so tài hùng biện sẽ cung cấp cho đảng Dân chủ thêm căn cứ để công kích ông.
Ông Trump cũng phải cẩn trọng khi so tài hùng biện với phó tổng thống, nữ ứng viên tổng thống thứ 2 nhưng là nữ ứng viên da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Nếu ông tỏ ra hống hách hoặc hạ thấp, ông có thể làm tổn hại thêm sự ủng hộ vốn đã yếu ớt của các cử tri nữ dành cho mình.
Về cơ bản, hai ứng viên đã sử dụng những cách thức khác nhau rõ rệt để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng tối 10/9. Phó tổng thống Harris đã ở Pittsburgh, cách Philadelphia vài giờ lái xe về phía đông để cùng các cố vấn tổ chức những cuộc tranh luận giả định và xem xét các đề xuất chính sách của bà. Động thái này cũng cho phép bà vận động tranh cử và hưởng lợi từ việc đưa tin của các phương tiện truyền thông địa phương tại Pennyslvania, bang chiến địa lớn nhất và quan trọng nhất trong tổng tuyển cử.
Trong khi đó, ông Trump, chính khách đã tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên trong cả 3 cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp, đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận không chính thức hơn, bao gồm cả việc tái nhắc lập trường của mình về các vấn đề then chốt. Tuần trước, ông đã tham gia một cuộc đối thoại với cử tri, do kênh truyền hình cáp Fox News tổ chức.
Cuộc tranh luận sắp tới được kỳ vọng có thể cho thấy rõ sự tương phản về phong cách cũng như quan điểm chính trị của ông Trump và bà Harris.
Mặc dù ngày tổng tuyển cử quốc gia là 5/11, nhưng quá trình bỏ phiếu sớm sẽ bắt đầu vào tháng này tại một số bang chiến địa quan trọng, bao gồm cả Pennsylvania. Vì vậy, trong khi cuộc tranh luận này có thể giúp thiết lập môi trường chính trị cho 2 tháng cuối của cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, đây cũng sẽ là cơ hội cuối cùng để hai ứng cử viên tiếp cận một số cử tri ở các tiểu bang mà mọi lá phiếu đều quan trọng.