"100 triệu" là con số biết nói. Trước hết nó cho biết vị thế của Việt Nam về mặt dân số: đứng thứ 15 thế giới và thứ ba trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Nhưng nếu tách "100 triệu" thành các nhóm thì ta sẽ thấy cả cơ hội và thách thức cũng như hy vọng cho nền kinh tế - xã hội hiện nay và trong vài thập kỷ tới. Trong 100 triệu dân,Đấtnướctriệudâkết quả bayer Việt Nam có 68 triệu người trong độ tuổi 15-64 (tuổi lao động) và gần 13,7 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Vềmặt cơ hội, với dân số lớn và thu nhập được cải thiện liên tục trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đang có một thị trường nội địa nhiều tiềm năng. Dân số Việt Nam có "cơ cấu vàng" kéo dài tới năm 2039 nên việc làm, thu nhập của dân số trong cơ cấu này được cải thiện thì sẽ là nguồn lực to lớn kích thích sản xuất và tiêu dùng cho nền kinh tế. Cùng lúc đó, trong giai đoạn 2023-2039, dân số GenY (những người sinh năm 1981 đến 1996) và GenZ (những người sinh năm 1996 đến 2010) duy trì tương ứng ở khoảng 23 triệu người và 22 triệu người. Đây là những nhóm năng động, thích ứng nhanh với công nghệ nên cũng là nguồn lực tiềm năng cho việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng số hóa. Nguồn lao động trẻ này cũng là nguồn lực để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, với những thay đổi căn cơ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, người Việt Nam đã cải thiện nhiều chỉ số, trong đó có tuổi thọ. Sức khỏe tốt hơn là yếu tố tiên quyết để cải thiện năng suất lao động và yếu tố này - cùng với việc duy trì tỷ lệ lao động có việc làm cao - sẽ quay lại tác động tích cực tới cải thiện thu nhập bình quân đầu người. Người cao tuổi Việt Nam cũng đang đóng góp tích cực cho gia đình, cộng đồng và đất nước thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Dù không được "quy đổi" thành những đóng góp cụ thể cho nền kinh tế, người cao tuổi vẫn là nguồn lực lớn cho hoạt động chăm sóc trong gia đình và cộng đồng. Song hành cùng cơ hội,các thách thứcvới Việt Nam trong những thập kỷ tới không hề nhỏ. Dân số 100 triệu tạo ra áp lực về an ninh lương thực trong điều kiện Việt Nam là một trong những nước có nhiều rủi ro về biến đổi khí hậu. Cùng lúc đó, di dân ngày càng mạnh ra các khu đô thị và đại đô thị trong điều kiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản (giao thông, giáo dục, y tế, nước sạch và nhà ở) chưa kịp thay đổi dẫn tới nguy cơ bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ này. Nghiên cứu về chuyển dịch xã hội (social mobility) ở Việt Nam hơn hai thập kỷ qua cho thấy vòng luẩn quẩn việc làm thu nhập thấp - đời sống giáo dục và y tế thấp của cha mẹ ảnh hưởng lớn tới con cái. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam chưa được cải thiện. Báo cáo về thị trường lao động mới nhất (quý II/2023) cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ gần 27%, tức là cả nước vẫn còn hơn 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo. Năng suất lao động chậm cải thiện là lực cản cho việc tăng thu nhập bình quân đầu người lao động nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (gồm cả bắt buộc và tự nguyện) chưa tới 40% lực lượng lao động, tạo ra "khoảng giữa mất tích" (the missing middle) với 60% còn lại (mà phần lớn trong số này là lao động phi chính thức) sẽ là thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội (hưu trí và các chế độ khác) khi những lao động này suy giảm sức khỏe và không có hoặc ít nguồn thu nhập thay thế khi về già. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động tiếp tục rút BHXH một lần càng làm cho thách thức nghiêm trọng hơn bởi sẽ có thêm hàng triệu người bước vào giai đoạn cao tuổi mà không có bất kỳ khoản an sinh xã hội nào, trong khi các nguồn thu nhập thay thế (từ việc làm, từ hỗ trợ của con, cháu, hay tiết kiệm, đầu tư...) có thể hạn chế. Gắn liền với thách thức trên là tỷ lệ người cao tuổi đang hưởng hưu trí hoặc trợ giúp xã hội chỉ chiếm gần 50% dân số cao tuổi. Nói cách khác, khoảng 6 triệu người cao tuổi đang không hưởng bất kỳ chế độ an sinh thu nhập nào. Đây cũng là "khoảng giữa mất tích" của dân số cao tuổi khi xét về khía cạnh an sinh xã hội. Hai "khoảng giữa mất tích" giao thoa với nhau, đe dọa hệ thống an ninh thu nhập cho dân số cao tuổi trong tương lai. Ở một khía cạnh khác, theo báo cáo về "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu" (Global Burden of Disease - GBD), gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt các bệnh không lây nhiễm, mạn tính như xương khớp, tim mạch, tiểu đường... - những hệ lụy từ lối sống - đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Phân tích từ dữ liệu khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) cho thấy các bệnh này chiếm tới gần 80% tổng chi phí khám, chữa bệnh do BHYT chi trả. Nếu không có những chiến lược truyền thông, giáo dục sức khỏe sâu rộng, hiệu quả, gánh nặng bệnh tật - cả về mặt tài chính và với gia đình, cộng đồng, xã hội - sẽ rất lớn. Với 100 triệu dân, thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" của Việt Nam kết thúc vào năm 2039 và thời kỳ dân số "già" lại tới vào năm 2036. Tận dụng tối đa "cơ cấu dân số vàng" là cơ hội chuẩn bị tốt cho dân số "già". Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy cần đồng bộ nhiều chính sách. Ví dụ, cần nâng cao năng suất lao động cho lực lượng lao động dồi dào, tăng cường vai trò của giáo dục phổ thông và dạy nghề để có nguồn nhân lực giỏi cả kỹ năng cứng (chuyên môn) và kỹ năng mềm (xã hội). Quan trọng hơn, chính sách cần chuyển đổi vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất/giá trị toàn cầu, hướng tới những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Khi mà độ bao phủ các chương trình an ninh thu nhập còn chưa cao, việc khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc phù hợp với kiến thức, kỹ năng và sức khỏe sẽ tạo hiệu ứng tích cực về cả thu nhập và sức khỏe - các trụ quan trọng hướng tới "già hóa thành công" như khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế. Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể hơn khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc, chẳng hạn tổ chức các lớp đào tạo phù hợp, có các chính sách chống phân biệt tuổi tác... giúp họ "không bị bỏ lại phía sau", đảm bảo hòa nhập tốt với cộng sự trẻ tuổi hơn. Những thay đổi căn cơ về chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mà ở đó dân số theo độ tuổi là biến số trung tâm, cần được tận dụng tốt nhất. Phần thưởng (bonus) hay gánh nặng (onus) từ dân số phụ thuộc vào việc xây dựng các chính sách thích ứng với xu hướng thay đổi cơ cấu tuổi dân số cũng như hiệu quả trong thực thi các chính sách đó. Giang Thanh Long