Nhiều năm tha hương vẫn đau đáu ngày trở về góp sức cho quê mẹ,ómViệtkiềuxâyhơnchiếccầuchoquêhươvdqg phap các thành viên nhóm VK (Việt kiều) gặp nhau trên những nhịp cầu khi mái đầu điểm bạc. Họ đã miệt mài xây tặng hơn 105 cây cầu cho vùng nông thôn VN. Một chiếc cầu do nhóm VK xây tặngHễ ở đâu có trẻ em nghèo bị rơi sông, ngã rạch, chìm tàu, lật đò do đường đi bị ngăn sông cách suối, nhóm VK này lập tức đến tận nơi để khảo sát, nghiên cứu, lập phương án xây cầu mà không lấy một xu của người dân. Tất cả chỉ vì mục đích giúp thiếu nhi đến trường nhanh chóng dễ dàng hơn, giúp người già, phụ nữ có đường đi an toàn khi đau yếu, trái gió trở trời. Chuyện bắt đầu từ năm 2004, ông Nguyễn Văn Công, Việt kiều Pháp, nảy ý định tụ tập anh em, bạn bè kiều bào ở xa Tổ Quốc để thành lập nhóm VK, tìm cách hỗ trợ đồng bào trong nước. Từ đó, nhóm VK có thêm các thành viên: Lâm Minh Chiếu, Nguyễn Văn Ba, Trần Đình Khương,Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trần Khánh Vân, Phan Thị Sách, Nguyễn Đắc Chí, Trần Quang Đang, Nguyễn Văn Nghĩa, từ nhiều nơi trên thế giới tụ họp về. Đến nay, ngoài các thành viên nòng cốt, VK còn có những cảm tình viên, mạnh thường quân và các thành viên mới còn rất trẻ. Họ góp công sức, tiền của, vận động cộng đồng người VN ở nước ngoài tham gia xóa cầu khỉ ở các tỉnh miền Nam. Từ lời kêu gọi ai có tiền góp tiền, có sức góp sức, có kinh nghiệm và công nghệ thì truyền đạt chuyển giao cho quê hương, đến nay, VK đã xây được 104 chiếc cầu khắp các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc cầu thứ 105 đánh dấu một bước ngoặt mới, vươn ra khỏi miền Nam, được nhóm VK khảo sát và xây tặng cho Huế, khúc ruột miền Trung. Nhóm kiều bào VK và các kiều bào là tình nguyện viên, cảm tình viên, mạnh thường quân họp mặt và chụp ảnh lưu niệm ngày 27 Tết Canh Dần. Ảnh: Vũ Lê. Vốn xuất thân là các chuyên viên, kỹ sư am hiểu về giao thông, cầu đường, bê tông, vật liệu xây dựng, móng cọc..., nên việc áp dụng công nghệ mới đã giúp các thành viên VK giảm giá thành và tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, những chiếc cầu được xây dựng với giá thành rẻ nhất nhưng cho hiệu quả cao nhất: rất đẹp, khang trang, chắc chắn. Từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... đến Bạc Liêu, Kiên Giang hay cực Nam của Tổ Quốc là đất mũi Cà Mau, nơi nào họ đặt chân đến, cầu khỉ cheo leo, cầu tre lắt lẻo, cầu ván gập ghềnh đều được thay bằng cầu bê tông với công nghệ hiện đại. Khi hoàn thành xong, công trình được chuyển giao cho dân địa phương quản lý và miễn thu phí. Không dừng lại ở đó, VK còn xây nhà tình thương, nhà vệ sinh và đập nước nông nghiệp cho nông thôn. Ông Nguyễn Văn Công kể lại, lúc đầu các thành viên VK loay hoay không biết làm gì để giúp dân bớt khổ. Cho tiền thì người nghèo tiêu hết, tặng quà bánh chỉ giúp được một ngày, vài bữa, không phải giải pháp lâu dài. Sau khi bàn tính, tham khảo ý kiến, cuối cùng mọi người nhất trí cùng nhau đi xây cầu. "Chúng tôi tin rằng chiếc cầu là sự kết nối cụ thể nhất về văn hóa, giao thông, kinh tế, là sự giúp đỡ thiết thực, lâu dài và gần gũi với bà con", ông nói. Theo ông Công, VK dự kiến, giai đoạn đầu tiên xây cầu từ thiện tặng 100% vốn, nhóm sẽ chuyển sang giai đoạn hai xây cầu hữu nghị tặng 50% kinh phí, số còn lại kêu gọi địa phương đóng góp. Trong thời gian tới, VK tiếp tục chuyển sang giai đoạn ba, cho mượn 50% kinh phí xây cầu không thu lãi, 50% vốn do địa phương trả trước, khi khánh thành cầu sẽ thu hồi 50% vốn đã cho mượn để tiếp tục giúp các địa phương khác. Kiều bào Nhật Nguyễn Văn Ba, thành viên của nhóm VK cho biết: "Ban đầu chúng tôi nghĩ nhiều lắm là xây 10 cây cầu trong 3 năm. Nhưng rồi vì dân mình còn vất vả quá, quê mình lại thiếu thốn trăm bề nên số cây cầu xây tặng cứ tăng dần lên đến hơn trăm chiếc". Còn ông Lâm Minh Chiếu hồ hởi khoe thế hệ thứ hai của VK đã hội tụ được hơn 20 người trẻ đang sống, làm việc trong và ngoài nước, sẵn sàng xây tiếp những nhịp cầu cho nông thôn VN. Đa số bạn trẻ này là du học sinh và nghiên cứu sinh ở châu Âu, Mỹ, Australia hoặc giảng viên của các trường đại học tại VN. Là người duy nhất sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam trong nhóm VK, từng theo chân anh em đi xây cầu từ những ngày đầu sáng lập nhóm, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: "Xây cầu rất vất vả, nhọc nhằn. Mọi người phải thức dậy từ đêm hôm khuya khoắt, chờ con nước cạn để đóng và khoan cọc, khác xa với không khí tươi vui, múa lân, ca hát của ngày khai trương, khánh thành". Nhắc lại một kỷ niệm khó quên trong những chuyến hành trình cùng VK về giúp huyện nghèo ở Cần Thơ xây cầu, bà Linh tâm sự: "Có lẽ chúng tôi sẽ khó mà quên được cây cầu ở huyện Cờ Đỏ vì nhịp cầu đó đã giúp cho hai người bạn già gặp lại nhau". Số là hai người bạn ấy, một bị liệt, một bị mù lòa, mấy chục năm xa cách chỉ biết trò chuyện qua tiếng sóng của dòng sông. Ngày xây xong cây cầu, nhóm VK tặng cho ông cụ chiếc xe lăn làm chân sang bên kia sông thăm bạn cố tri. Hôm đó hai người đàn ông già nua gặp nhau chảy nước mắt vì hạnh phúc và xúc động. Với tất cả tình nguyện viên, mạnh thường quân nói chung và thành viên của nhóm VK nói riêng, niềm vui khi bàn giao chiếc cầu cho người dân to lớn bao nhiêu thì ngày quay trở lại thăm càng xúc động, hạnh phúc bấy nhiêu. Bởi lẽ, với họ, bắc một nhịp cầu ở vùng sâu vùng xa ví như kết nối vô vàn tình cảm, tâm huyết và kỳ vọng lớn lao cho quê hương.(Theo VNE)