Thư viện Tân Hải ở Thiên Tân được thiết kế bởi công ty kiến trúc Hà Lan MVRDV. Đây là một phần quy hoạch tổng thể của Trung tâm văn hóa Tân Hải.
Tòa nhà đã thu hút sự chú ý đặc biệt trên phương tiện truyền thông xã hội cả Trung Quốc và toàn cầu.
Địa điểm "du ngoạn"
Khi những bức ảnh về thư viện được mệnh danh là "đẹp nhất Trung Quốc" được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, hàng nghìn du khách đã đổ xô đến xem địa danh mới. Hàng người đợi để vào xem kéo dài bên ngoài thư viện dịp cuối tuần.
Thư viện đã đón khoảng 10.000 lượt khách/ngày trong tuần đầu tiên mở cửa và đón tới 18.000 lượt khách vào một số ngày cuối tuần.
Kể từ khi đưa vào sử dụng, số lượng người tham quan không ngừng tăng lên. Giờ đây, thư viện này không còn là một điểm đến cho giới "mọt sách" đơn thuần, mà đã trở thành một địa điểm du ngoạn khi du khách đến Thiên Tân.
"Từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, không một giây phút nào thư viện trống vắng. Du khách xếp hàng dài ở cửa ra vào, háo hức chờ đợi được nhìn vào bên trong", tạp chí ArchDaily miêu tả. Với điện thoại thông minh trong tay, du khách vui vẻ bước qua cửa vào và "sống ảo".
Sự tâm huyết của những nhà thiết kế đã thổi hồn vào công trình. Thực tế là thư viện Tân Hải nằm cách trung tâm thành phố Thiên Tân 50km, ở khu vực mà phần lớn vẫn đang trong quá trình phát triển, càng làm cho địa điểm trở nên hấp dẫn hơn.
"Bầu trời" sách
Thư viện Tân Hải có quy mô rộng lớn với kết cấu mô phỏng một con mắt 3D. Thư viện được xây dựng với kiến trúc độc đáo gồm 6 tầng với tổng diện tích lên tới gần 34,000m2, độ cao 29,6m, có 1.200 chỗ ngồi và sức chứa lên tới 1,2 triệu cuốn sách.
Khi bước vào, người ta thấy rõ những giá sách dài bất tận. Sự phân định chặt chẽ giữa sàn, tường và trần đã biến mất. Đây là một không gian tạo cảm giác hiện đại, trái ngược hẳn với các không gian thư viện truyền thống khác.
Thư viện khuyến cáo độc giả dưới 14 tuổi, những người đi giày cao gót và những người không thích hợp để đi bộ đường dài nên tránh đi lên những con đường dẫn đến "núi sách" này.
Mọi người tản ra ở các khu vực, tự mình khám giá những "khoảng trời kiến thức" quan tâm. Các giá sách và bệ ngồi là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, hồi tưởng và quan sát khách tham quan.
Ánh sáng mặt trời được tiếp nhận thông qua một lỗ mở phía trên quả cầu khổng lồ và các bề mặt lớn trong suốt ở phía Đông và phía Tây của tòa nhà.
Một giảng đường hình cầu ở trung tâm thư viện có thể chứa gần 100 người, trong khi 440.000 đèn LED gắn trên bề mặt quả cầu chiếu sáng nhiều hình ảnh và văn bản khác nhau.
2 tầng đầu tiên của thư viện bao gồm giá sách, phòng đọc sách và sảnh tiếp khách. Những tầng phía trên được trang bị phòng máy tính, phòng họp, phòng thu âm, văn phòng và hai sân thượng.
Ở giữa là khu tiếp khách, văn phòng, không gian giao lưu. Phòng máy tính, phòng âm thanh ở phía trên cùng. Có khu vực dành riêng cho việc đọc sách ở tầng trệt.
Thời gian hoạt động:2h chiều đến 9h30 tối thứ Hai; 9h30 sáng đến 9h30 tối thứ Ba đến Chủ nhật. Một số quy định: Ăn mặc lịch sự, phù hợp với môi trường học thuật, nếu đi giày cao gót hoặc dưới 14 tuổi thì không được đi lên các kệ sách. Độc giả có thể sử dụng điện thoại để chụp hình nhưng không được mang các thiết bị ghi hình khác. |
Bảo Huy
Thư viện ở 'Harvard châu Á' 6h vẫn sáng đèn, sinh viên học xuyên đêmThư viện ở trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vào lúc 6h sáng vẫn sáng đèn, sinh viên "dùi mài kinh sử" bất kể ngày đêm.(责任编辑:Nhận Định Bóng Đá)