Bí thư Đà Nẵng: 'Chúng tôi chấp nhận rủi ro để mở khu thương mại tự do'_bdc1
Phát biểu tại phiên tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế,íthưĐàNẵngChúngtôichấpnhậnrủirođểmởkhuthươngmạitựbdc1 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định khi triển khai sẽ có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận. Nếu thành công, đó sẽ là nền tảng để nhân rộng cho cả nước. Còn rủi ro thành phố sẽ gánh chịu”.
Sẽ thực hiện bằng nguồn tự chủ
Theo Bí thư Đà Nẵng, các chính sách lớn của dự thảo nghị quyết đều hướng tới mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là điểm mới trong rất nhiều chính sách ở các địa phương khác. Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, một trong những mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đang đặt ra xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Lĩnh vực người Việt Nam rất phù hợp là thiết kế chip bán dẫn và chip AI. Dựa trên cơ sở đó, nghị quyết xây dựng những cơ chế để thu hút tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM đầu tư vào thành phố”,Bí thư Đà Nẵng nói và cho biết các nhà đầu tư đã đặt vấn đề, chỉ chờ cơ chế để đầu tư vào thành phố.
Theo ông Quảng, điểm mới của nghị quyết lần này là Đà Nẵng không dựa vào nguồn lực xin của trung ương mà xây dựng chính sách để chủ động nguồn lực, tự chủ của thành phố và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.
"Thay vì dùng nguồn lực của trung ương, chúng tôi xác định sẽ sử dụng nguồn tự chủ để thực hiện chính sách này. Nếu thành công đây sẽ là nền tảng để nhân rộng trên cả nước", Bí thư Đà Nẵng thông tin.
Cũng góp ý về dự thảo này, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung, phát triển rất nhanh, có điều kiện tự nhiên thuận lợi... Đà Nẵng có thương hiệu mạnh, làm nền tảng cho phát triển sau này.
“Khu thương mại tự do chưa có tiền lệ nhưng ở châu Âu và một số nước đã có mô hình này, thực sự ưu việt, nên đầu tư ở Đà Nẵng. Khu này dự kiến được đặt ở địa điểm rất thuận lợi về giao thông, được biết có sự tư vấn của Singapore. Ưu tiên cho đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất chip bán dẫn thì ưu tiên cho chính sách này rất hay”,đại biểu Minh nêu dẫn chứng.
Tạo điền đề cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ
Tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP Đà Nẵng.
Liên quan đến quy định về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13), đại biểu Thanh nhấn mạnh, đây là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố.
“Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng. Đồng thời, khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng”,đại biểu Thanh nói.
Ngoài ra, việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc thí điểm sẽ tạo điều kiện để hình thành các chính sách ưu đãi về thuế và các quy định tài chính, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì trong nước do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định còn hạn chế.
Cũng theo đại biểu, khu thương mại, tài chính tự do sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), những nơi có các khu vực tài chính phát triển vượt bậc.
PHẠM DUY