“Du lịch xanh” được hiểu là hình thức du lịch kết hợp khám phá,ườimiềnnúicùnggiấcmơdulịtỷ số osaka trải nghiệm với bảo vệ môi trường. Trong đó, cộng đồng sẽ có đóng góp tích cực nhằm giới thiệu vẻ đẹp của địa phương, đồng thời góp phần phát triển tài nguyên hệ sinh thái. Đây là hướng phát triển bền vững du lịch Việt Nam, giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường như: giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã…
Vẽ giấc mơ xanh nơi vùng biên giới
Ngược lên chốn “heo hút cồn mây” với những dốc núi hiểm hóc, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai vốn phải đối mặt những thách thức từ điều kiện tự nhiên nhưng cũng được thiên nhiên hậu ái ban tặng khí hậu ôn đới, phù hợp phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như cải xoăn Kale, cải làn, su hào hay những cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, Atisô…
Với 14 dân tộc anh em cùng chung sống bao gồm dân tộc H’mông, Dao, Tày, Nùng… Bắc Hà được biết đến như một vùng cao nguyên trắng với đa dạng bản sắc văn hoá. Một số điểm giao lưu văn hoá nổi bật có thể nhắc đến như phiên chợ Bắc Hà hay những lễ hội Lồng Tồng cầu mưa với điệu múa xòe của người Tày - Tà Chải, Na Hổi được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Chính bản sắc văn hoá đa dạng ấy đã trở thành một giá trị phong phú cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây.
Trong những năm gần đây, Bắc Hà dần trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng quen thuộc, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Vùng đất Đông Bắc đem lại cho khách du lịch những ấn tượng khó phai mà không phải nơi nào cũng có được.
Lần đầu đến với Bắc Hà, cô Katrina (du khách Úc) hào hứng chia sẻ: “Tôi thích văn hóa nơi đây, quãng đường đến đây cũng có phong cảnh rất đẹp, những ngọn núi bao quanh rất khác biệt, tôi chưa từng thấy bao giờ”.
Còn với cô Birgit (du khách Thụy Sĩ), nét tự nhiên của Bắc Hà chính là điểm đặc biệt thu hút cô: “Nơi này tạo cảm giác khá chân thực. Bạn có thể thấy người dân vẫn đang làm những công việc hàng ngày của họ thay vì quá chú tâm vào du khách. Điều đó khiến tôi thích nơi này vì nó rất giản dị”.
Tận dụng ưu thế về tiềm năng tự nhiên cũng như những giá trị văn hoá độc đáo, cao nguyên Bắc Hà được xác định là nơi hiện thực hóa “giấc mơ xanh” trong phát triển du lịch theo định hướng giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực bảo vệ đa dạng sinh học cũng như bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên, văn hoá.
Người miền núi làm du lịch xanh
Sinh ra và lớn lên ở vùng Đông Bắc, đất đai trù phú, người dân nơi đây đã quen với công việc trồng lúa, trồng ngô. Nhưng với nghị lực đổi thay mạnh mẽ, các mô hình du lịch farmstay ngày càng được địa phương chú trọng phát triển. Có thể nói loại hình cho thuê đất trang trại dùng để du lịch nghỉ dưỡng và sản xuất nông nghiệp là một con đường phù hợp để vừa đảm bảo việc phát triển du lịch vừa bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên.
Nắm bắt được xu hướng đó, anh Giàng Thín Phìn - một người dân tộc Phù Lá sinh sống tại xã Lùng Phình đã luôn ấp ủ quyết tâm phát triển du lịch xanh tại chính mảnh đất quê hương.
“Từ trước đến nay, người dân xã Lùng Phình chủ yếu trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi để đảm bảo cuộc sống. Bản thân tôi cũng từng làm nông. Tuy nhiên, kết quả thu lại không cao, chất lượng cuộc sống không ổn định. Cho đến khi tôi chuyển hướng sang trồng cây mận, thấy cây phát triển tốt, lại cho ra hoa đẹp, tôi bắt đầu nghĩ đến ý tưởng làm thành mô hình du lịch, mở cửa cho khách tham quan, chụp ảnh. Dần dần, farmstay của tôi được hình thành như ngày nay”, anh Phìn bộc bạch.
Anh Phìn chia sẻ, định hướng chính của những hộ gia đình làm du lịch như anh là tạo một không gian xanh, sạch, đẹp để thu hút khách: “Cách làm du lịch của chúng tôi không có gì cầu kỳ, chủ yếu học hỏi ở một số nơi, tự tìm hiểu, tự nghĩ cách xây dựng, vận hành, bố trí khung cảnh làm sao để khách cảm thấy mọi thứ “tự nhiên” nhất có thể”.
Ngoài ra, nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách, những farmstay tại Bắc Hà nói chung và Lùng Phình nói riêng cũng luôn cố gắng đem đến nhiều hoạt động đa dạng như tham quan, hái rau sạch tại vườn, tắm lá thuốc, đốt lửa trại,... Tại farmstay của mình, anh Phìn cũng dự định kế hoạch mở rộng thêm trang trại động vật, vừa để chăn nuôi vừa để xây dựng chỗ vui chơi cho khách hàng.
Bên cạnh những hộ gia đình làm du lịch theo hướng xây dựng địa điểm lưu trú, người dân Bắc Hà còn phát triển mô hình trang trại nông nghiệp sạch, an toàn cho khách tham quan. Đây được coi như một hình thức du lịch độc đáo, vừa giúp du khách có những hoạt động vui chơi thú vị vừa hỗ trợ cho nông dân quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương mình.
Trang trại dâu tây Lùng Phình là một trong những địa điểm trải nghiệm kết hợp nông nghiệp hấp dẫn tại Bắc Hà. Trang trại có quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, dựng nhà màng che phủ, tập trung vào hai chuỗi sản phẩm chính là dâu tây và rau củ quả. Nhờ hướng phát triển đúng đắn, sau ba năm đi vào hoạt động, trang trại có sự phát triển ổn định, giàu tiềm năng.
Đối với người dân địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, xu hướng kết hợp này góp phần tạo công ăn việc làm và cuộc sống ổn định hơn so với làm nông nghiệp truyền thống.
Anh Sần Sín Sài - người gắn bó với trang trại dâu tây Lùng Phình ngay từ những ngày đầu khẳng định thành công của mô hình đem lại nhiều lợi ích cho người dân: “Việc kết hợp nông nghiệp với du lịch đem lại hiệu quả tốt hơn trong sản xuất. Trang trại được nhiều người quan tâm chú ý hơn nên sản phẩm dễ tiêu thụ và môi trường làm việc của chúng tôi cũng năng động, phấn khởi hơn”.
Bài toán còn đang dang dở
Có thể nói, du lịch xanh tại Bắc Hà đang ngày càng cho thấy sức hút lớn cùng khả năng phát triển của mình. Tuy nhiên, những thành công hiện tại vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có của mảnh đất cao nguyên trắng. Đặc biệt, ở một số địa phương nhỏ lẻ, hầu hết các hộ gia đình vẫn chưa có đủ điều kiện và quyết tâm để thay đổi những gì vốn đã quen thuộc từ lâu trong đời sống canh tác nơi đây.
Một trong những yếu tố khiến giấc mơ về một hệ thống du lịch xanh phát triển trở nên xa xôi hơn với người dân địa phương phải kể đến hạn chế ngôn ngữ. Anh Phìn trăn trở: “Tính đến nay, cùng với tôi chỉ có 02 hộ gia đình có thể thực hiện mô hình du lịch này. Việc sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo ở đây là một hạn chế rất lớn trong quá trình triển khai các hoạt động du lịch cũng như quảng bá đến du khách”. Chính vì vậy, khi được động viên thay đổi nghề truyền thống sang phát triển du lịch xanh, người dân cũng phải cân nhắc về khả năng sử dụng ngôn ngữ của bản thân hay cả nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong việc xin phép giấy tờ thiếu sự đồng nhất giữa các cấp cũng một phần trở thành những mối quan ngại của người dân Bắc Hà.
“Trong tương lai, rất mong được các cấp địa phương cũng như nhà nước cởi mở hơn, hướng dẫn nhiều hơn về thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý về đất đai trong quá trình hoàn thiện hồ sơ của farmstay. Không chỉ tôi, sau này cũng sẽ có thêm nhiều hộ gia đình mong muốn phát triển cùng mô hình du lịch này. Nếu không tiếp tục cải thiện, có thể việc nuôi dưỡng ý tưởng này sẽ không được như mong muốn”, anh Phìn chia sẻ.
Trước thách thức biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề đáng báo động từ môi trường, phát triển du lịch xanh - phát triển du lịch bền vững tại các địa phương dần trở thành định hướng chiến lược của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh về một tương lai thành công của du lịch xanh tại các vùng địa phương vẫn còn là giấc mơ xa xôi, cần được chú tâm cải thiện hơn nữa trong tương lai.