“…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai/ Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!/ Chúng tôi chết,àtùPhúLợnữ chelsea trong đêm dài tàn khốc/ Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc/ Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn/ Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”. 60 năm trôi qua, tất cả đã trở thành quá khứ. Nhưng ngày Phú Lợi căm thù (1-12-1958), luôn nhắc nhở thế hệ đời sau rằng: Để giành lại được độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay, thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng biết bao đau đớn, mất mát, hy sinh, xương máu...
Bà Nguyễn Thị Hoa (bìa phải), Bùi Thị Sang (ngồi xe lăn) đến thăm lại Nhà tù Phú Lợi, nơi họ từng bị Mỹ - ngụy giam cầm, tra tấn dã man.Ảnh: T.THẢO
“Địa ngục trần gian”
Chiến tranh đã lùi xa, Nhà tù Phú Lợi khắc nghiệt năm xưa giờ đã trở thành di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Hàng năm, khu di tích này đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhưng với những chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam giữ tại nơi này thì họ sẽ không bao giờ quên những năm tháng khổ đau nơi “địa ngục trần gian”. Nhà tù Phú Lợi được kẻ thù xây dựng năm 1957 để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước Việt Nam. Nơi đây được gắn những cái tên mỹ miều là “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, “An trí viện”, nhưng thực sự đây là một “địa ngục trần gian” đối với những người dân yêu nước và chiến sĩ cách mạng bị giam cầm bởi đủ loại cực hình tra tấn dã man từ những trận đòn roi; phòng kỷ luật với xà lim, cùm chân…
Dù đã nhiều lần trở lại thăm Nhà tù Phú Lợi, bà Nguyễn Thị Hoa (TP.Thủ Dầu Một), người từng bị địch giam giữ và tra tấn tại nơi này vẫn uất nghẹn, không nói nên lời. Cuộc đời bà Nguyễn Thị Hoa có gần 16 năm bị giam cầm trong ngục tù Mỹ - ngụy từ trại giam Lái Thiêu đến khám đường Bình Dương, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo… Mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch. Và tại Nhà tù Phú Lợi này, bà đã bị địch đưa đi, chuyển về 3 lần, tổng cộng thời gian gần 3 năm. Bà Hoa kể lại, ngày ấy bà bị địch đưa từ Nhà tù Chí Hòa về Nhà tù Phú Lợi lúc 5 giờ sáng cùng mấy chục chị em khác. Mặc dù nhà tù này có cái tên là “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, nhưng bà bị tra tấn dã man không khác gì những ngày mới bị địch bắt để hòng moi được những tin tức. Ở phòng kỷ luật, xà lim, tù binh rất khổ, ăn uống thiếu chất, cộng với bị đánh đập, hành hạ khắc nghiệt nên sức khỏe của chị em suy sụp rất nhanh, nhất là những người lớn tuổi. Còn bà Bùi Thị Sang (TP.Thủ Dầu Một), một người bị địch bắt và đày đọa tại Nhà tù Phú Lợi dù chỉ trong 3 tháng để chờ đưa đi nhà tù khác nhưng cũng nếm trải biết bao nhiêu nhục hình. Hôm bà trở lại thăm nơi này, bao ký ức khổ đau lại tràn về. Bà Sang bảo, những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần bà vẫn còn nhớ như in…
Dù chế độ ở Nhà tù Phú Lợi vô cùng khắc nghiệt với chuồng cọp, gạo mục, cá ươn... và những đòn tra tấn dã man nhưng những người chiến sĩ cách mạng kiên trung không hề chùn bước. Họ đã biến nơi này thành trường học chính trị. Đặc biệt, họ đã lập ra Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi để tập hợp quần chúng đấu tranh với kẻ thù. Những năm 1958-1959, Đảng bộ Nhà tù Phú Lợi được củng cố tương đối mạnh cả về lượng và chất. Lực lượng cán bộ, đảng viên đều hoạt động đủ ở 3 trại và 8 phòng. Phòng nào cũng có chi bộ với số đảng viên từ 10 đồng chí trở lên. Hàng trăm người nắm sát tình hình diễn biến của quần chúng phản ánh lên cấp ủy. Nhờ đó Đảng ủy lãnh đạo thông suốt, đồng thời còn nắm được lực lượng tổ chức cho đấu tranh công khai như ban đại diện, đội kiểm soát, thư ký văn phòng, khu an trí viện, nhà bếp, bệnh xá...
“Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần phải càng cao” (Hồ Chí Minh). Đây cũng chính là ý chí của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất bị giam cầm trong Nhà tù Phú Lợi năm xưa. Dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng chiến đấu chống lại kẻ địch với niềm tin về một ngày tất thắng.
Biến đau thương thành hành động
Nhắc đến những tội ác của địch trong Nhà tù Phú Lợi không thể nào quên vụ đầu độc hàng trăm tù nhân chính trị vào ngày 1-12-1958. Sự kiện này đã gây nên sự phẫn nộ đối với những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, cũng như trên đất nước Việt Nam. Biến đau thương thành hành động, khắp nơi trong cả nước khi ấy đã dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, làm bừng lên một phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng và sáng tác văn nghệ...
“…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai/ Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!/ Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc/ Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc/ Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn/ Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”. Đây là 6 câu thơ được trích trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”, được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1959. Và, bất cứ ai đọc qua bài thơ này đều sục sôi niềm căm phẫn về tội ác của Mỹ - ngụy qua vụ thảm sát tại Nhà tù Phú Lợi vào ngày 1-12- 1958. Vụ thảm sát khiến hàng trăm tù nhân bị ngộ độc, nhiều người chết, nhiều người hôn mê bất tỉnh. Đến ngày 2 và 3-12- 1958, số bệnh nhân nặng và chết càng nhiều. Một số người bị vùi tại chỗ, số người nhiễm độc nặng bị chúng chuyển đi nhưng không bao giờ thấy trở lại nữa.
Ông Bùi Văn Sửu (TP.Thủ Dầu Một), một người từng bị địch giam cầm tại Nhà tù Phú Lợi, cho biết khi ấy ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Phú Hòa, nằm cạnh nhà tù nên ông nắm được tình hình. “Đó là ngày 30-11- 1958, kẻ thù đã trộn thuốc độc vào bánh mì cấp phát cho tù nhân. Từ buổi chiều ấy, bệnh nhân nằm la liệt. Anh em đau đớn kêu la: “Tôi không sống nổi, nghe như ruột đứt từng khúc..”, “Cứu tôi với anh chị em ơi!” hay “Trả thù cho chúng tôi”...”, ông Sửu nói với nét mặt vẫn còn đầy biểu hiện căm phẫn.
Khi đó, với tình thương, trách nhiệm và lòng căm phẫn, các chiến sĩ trong tù vẫn bất chấp kỷ luật nhà tù, tự do hành động để cứu đồng chí đồng đội của mình đang lâm nguy và sắp chết. Đảng ủy Trung tâm quyết định đấu tranh công khai trực tiếp. Các tù nhân đã tung nóc nhà giam, phát loa phóng thanh kêu cứu… Vào khoảng 10 giờ ngày 1-12 đến 9 giờ sáng ngày 2-12-1958, ta đã ở thế chủ động nhiều mặt sinh hoạt tại các trại. Địch lâm vào thế bị động đối phó. Anh chị em tù nhân ta cho là đã vùng dậy giành chính quyền, còn địch bảo rằng tù nhân bạo động. Thực chất đây là cuộc nổi dậy đòi quyền tự chủ của tù nhân nhằm giải quyết các quyền lợi thiết thực về đời sống vật chất, tinh thần bị vi phạm. Do đó, ta phải tổ chức lực lượng bán công khai kết hợp với lực lượng bí mật để hoạt động, phải sử dụng đấu tranh hợp pháp với bán hợp pháp để đối phó địch.
Do áp lực đòi hỏi mạnh của phía ta, quản đốc trung tâm phải đưa một đoàn y, bác sĩ và thuốc vào phòng bệnh khám cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bọn chúng chỉ làm qua loa. Đến trưa có mấy anh em bệnh nặng sắp chết, kêu khóc ầm ĩ nhưng không ai quan tâm. Vì vậy, anh chị em các phòng nhất trí tuyên bố: Từ nay việc quản lý trong phòng do anh em tù nhân định liệu. Giải tán bọn trật tự, tuần cảnh, kiểm soát và cả số đại diện cũ. Từ đây, ta hình thành ban đại diện tù nhân mới toàn trung tâm. Các ban đại diện các trại, các phòng làm nhiệm vụ điều hành công việc đấu tranh, gìn giữ trật tự an ninh và sinh hoạt ăn uống.
Nhờ phá thế kìm kẹp, giữa các trại, anh em tù nhân đi lại dễ dàng và nhiều thuận lợi hơn. Đặc biệt, đội quyết tử do anh Phạm Văn Thông phụ trách cùng các đội tự vệ lập ra ngày 30-11 trở thành một lực lượng bảo vệ chung cho các trại. Họ dùng cây gậy, búa dao làm vũ khí và có lúc va chạm với đối phương có vũ khí hiện đại nhưng tránh được xô xát đẫm máu. Do bên ta có kỷ luật, có lý lẽ thuyết phục binh lính nên ta làm tròn nhiệm vụ nhưng không ai bị bắt hoặc khủng bố. Công tác binh vận không chỉ có các cán bộ, đảng viên của ta tham gia mà còn có nhiều tù nhân yêu nước hưởng ứng nhiệt tình. Sức mạnh chung đó đã ảnh hưởng đến một số sĩ quan, nhất là gia đình, binh sĩ...
Không chỉ nổi dậy trong nhà tù, tin địch đầu độc tù nhân đã nhanh chóng được lan truyền khắp nơi… Nhân dân các xã lân cận nổi dậy phối hợp với tù nhân ở Phú Lợi đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm. Để chạy tội, Mỹ - Diệm tìm cách phi tang nhân chứng, gây nên làn sóng căm phẫn trong và ngoài nước. Chỉ 1 tháng sau vụ đầu độc, ta nhận được liên tiếp nhiều bức điện gửi đến can thiệp của các tổ chức quốc tế: Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội Liên hiệp Học sinh thế giới, Hội Luật gia thế giới...
THU THẢO