Đam mê
Cuối chiều, chị Võ Huyền Thiên Thư (35 tuổi, huyện Bình Chánh, TPHCM), có mặt tại trường đua. Tại đây, chị dạy học viên kỹ năng lái xe an toàn, đào tạo vận động viên đua xe mô tô chuyên nghiệp, tổ chức sự kiện đua xe thể thao…
Cũng chính tại đây, chị đã truyền niềm đam mê tốc độ cho mẹ, người từng không muốn cho con gái của mình học đua xe mô tô phân khối lớn.
Mẹ của chị Thư, bà Võ Thành Kim Nguyệt (SN 1971) là thợ may áo dài truyền thống. Thế nên, bà định hướng cho con gái theo học ngành thiết kế thời trang.
Nghe lời mẹ, Thiên Thư thi đậu và học chuyên ngành thiết kế thời trang tại một trường đại học ở TPHCM. Tuy nhiên, sau đó chị sử dụng số tiền tiết kiệm mua chiếc xe côn tay 150 phân khối.
Tháng 2/2017, chị cùng em gái xin mẹ đi phượt bằng xe máy từ TPHCM ra Hà Nội. Sau chuyến đi này, chị bắt đầu yêu thích xe mô tô phân khối lớn và môn thể thao đua xe.
Chị chia sẻ: “Trước đó, tôi không hề biết tại Việt Nam có bộ môn đua xe mô tô, cũng như có công việc dạy kỹ năng lái xe an toàn.
Tuy nhiên, khi vô tình gặp gỡ, đi chơi với các bạn thích mô tô, tôi bắt đầu có đam mê điều khiển, chinh phục những chiếc xe mô tô từ phân khối nhỏ đến phân khối lớn, xe tay ga và cả xe điện”.
Ngày đầu chia sẻ đam mê của mình với mẹ, chị Thiên Thư không được bà Nguyệt đồng ý. Bởi, bà chưa hiểu rõ, có cái nhìn thiếu thiện cảm về bộ môn đua xe.
Biết mẹ chưa hiểu về niềm đam mê của mình, chị Thư vẫn kiên trì giải thích, thuyết phục bà. Về phía mình, dù không muốn Thiên Thư theo môn thể thao xa lạ, bà Nguyệt vẫn âm thầm dõi theo những hoạt động của con.
Sau nhiều thời gian tìm hiểu, bà dần nhận thấy đam mê, công việc của con không hề xấu và có hại như mình nghĩ. Bà quyết định đến trường đua tìm hiểu công việc, sở thích của con.
Cùng mẹ chinh phục xe phân khối lớn
Bà kể: "Một lần, tôi được Thiên Thư đề nghị: 'Con nói nhưng mẹ không tin. Bây giờ, mẹ đến nơi con làm việc một chuyến đi. Nếu mẹ thấy công việc của con không tốt, con sẽ nghỉ ngay.
Còn nếu mẹ thấy công việc của con bình thường như những công việc khác, con mong mẹ để cho con theo đuổi đam mê'”.
Được con hứa “sẽ nghỉ việc ngay”, bà Nguyệt đồng ý đến trường đua. Tại đây, bà nhận thấy công việc của con gái hoàn toàn không giống như mình từng nghĩ.
Hơn thế, bà Nguyệt còn được con gái làm sống lại sở thích chạy xe côn tay của mình từ lúc chưa lấy chồng. Khi được chị Thư cho chạy thử chiếc Kawasaki Ninja 400, bà Nguyệt không giấu được niềm vui thích.
Bà kể: “Từ lúc chưa lấy chồng, tôi đã thích chạy xe tay côn. Chiếc xe đầu tiên tôi chạy là Honda 67. Thế nên, khi được Thư cho chạy thử xe phân khối lớn, tôi rất thích.
Ngay lúc đó, Thư thuyết phục tôi đi thi bằng A2 để hai mẹ con có thể đi phượt cùng nhau bằng xe mô tô phân khối lớn. Tôi đến học với Thư rồi đi thi và đạt 100 điểm”.
Ít lâu sau khi làm quen với xe phân khối lớn, bà Nguyệt cùng con gái lên kế hoạch đi phượt bằng mô tô từ TPHCM đến Đà Lạt. Trước khi khởi hành, bà đến trường đua để chị Thư hướng dẫn kỹ năng điều khiển, lái xe an toàn.
Những buổi tập ấy giúp bà tự tin hơn. Tháng 4/2023, bà Nguyệt cùng con gái có chuyến chinh phục “những cung đèo uốn lượn và rừng thông tuyệt đẹp hai bên đường” mà những lần đi xe khách, bà không thể cảm nhận.
Chị Thư chia sẻ: “Đó là lần đầu tiên, mẹ tôi đi Đà Lạt bằng xe máy. Trước khi đi, bà rất tự tin, thậm chí xem thường những cung đèo trên đường.
Tuy vậy, khi lên đến nơi, mẹ chủ động nói với tôi: 'Nếu lần sau đi tour, phải đến học với con vài buổi nữa mới cảm thấy an toàn'. Điều ấy khiến tôi rất vui và hạnh phúc.
Sau chuyến đi này, tôi đang lên kế hoạch cùng mẹ đi phượt ở những địa danh khác như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ...”.
Chuyến đi cũng khiến bà Nguyệt có niềm đam mê với hình thức du lịch bằng xe mô tô phân khối lớn. Bà cho biết, đam mê ấy không chỉ làm tinh thần bà sảng khoái mà còn giúp rèn luyện, kiểm soát sức khỏe, sức chịu đựng của bản thân.
Bà tâm sự: “Đi phượt bằng xe mô tô phân khối lớn giúp tinh thần, đầu óc tôi thư giãn, thoải mái. Đam mê này cũng giúp tôi có thể đi du lịch theo kiểu khám phá, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống nơi mình đi qua.
Hơn thế, nó còn giúp tôi tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng trong công việc may áo dài của mình. Bởi, đi đến đâu, tôi cũng ghé vào các tiệm may áo dài trải nghiệm các sản phẩm để học hỏi những cái hay, độc đáo của họ".