4 khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số
Câu chuyện thực tế chuyển đổi số tại Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) trong khoảng 2 năm qua đã được CEO Nguyễn Thế Hùng chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” được Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 5/10.
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, thời gian qua thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai những nhiệm vụ từ Chính phủ, Bộ TT&TT liên quan đến chuyển đổi số. Trong đó, có các văn bản xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng thiết bị, công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.
“Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số đã cho thấy những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà”, ông Sỹ nhận định.
Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập về chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng, chuyển đổi số đầu tiên cần tạo ra niềm tin mới - niềm tin số. Sở dĩ như vậy là vì khi chuyển lên môi trường số, mọi hoạt động giao dịch sẽ được số hóa và dữ liệu trở thành một loại tài sản. Tài sản dữ liệu có thể được truy cập hoặc bị truy cập bởi bên thứ ba hoặc cung cấp cho bên thứ ba vì mục đích kinh tế hay một mục đích nào khác. Vì thế, cần có niềm tin số và giải pháp công nghệ chính là công cụ hữu hiệu.
“Từ niềm tin số sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều giá trị mới, năng suất lao động mới và tất nhiên cũng yêu cầu nguồn nhân lực mới có kỹ năng số”, ông Dũng nhấn mạnh.
Vị chuyên gia chỉ ra, khi chuyển đổi số các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhất thiết cần thay đổi 4 thứ gồm chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi quy trình và chuyển đổi văn hóa.
“Mô hình phát triển kinh doanh của doanh nghiệp từ nay trở đi trong kỷ nguyên số là mô hình kinh doanh phải được tích hợp và lồng ghép với mô hình phát triển CNTT, viễn thông. Quan điểm của các tổ chức quốc tế đã chỉ ra rằng, khi chuyển đổi số doanh nghiệp, không phải chỉ lo về quản trị, công nghệ mà phải quản lý quy trình hoạt động của công nghệ”, ông Dũng thông tin.
Bàn về chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt, ông Dũng chỉ ra 4 khó khăn chính của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là không có vốn đầu tư dù công nghệ số giúp thu lợi nhanh và lâu dài; thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; chưa có đối tác tin cậy đồng hành và khó khăn trong việc tự thay đổi văn hóa, cách làm.
Kinh nghiệm chuyển sang mô hình làm việc từ xa hoàn toàn
Chia sẻ tại hội thảo, CEO Công ty VINADES Nguyễn Thế Hùng cho biết, 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 đã giúp tăng tốc độ chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp lên nhiều lần. Thời gian giãn cách, có thời điểm 100% doanh nghiệp buộc phải chuyển sang làm việc từ xa, với sự hỗ trợ của công nghệ số. Thế nhưng, sau đó đa số trở lại làm việc trực tiếp, rất ít doanh nghiệp duy trì làm việc online từ xa.
“Dù làm việc online có nhiều ưu điểm song mô hình này vẫn thất bại ở không ít doanh nghiệp. Theo tôi chủ yếu là do khó quản lý nhân viên, yêu cầu tính kỷ luật và tự giác cao, giao tiếp và trao đổi kém hiệu quả, giảm tương tác trực tiếp với đồng nghiệp và yêu cầu các nhân sự có khả năng làm việc độc lập cao”,ông Hùng nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm với VietNamNet, ông Nguyễn Thế Hùng cho hay, trong giai đoạn ảnh hưởng Covid-19 và cả bây giờ, tất cả các bộ phận của công ty với hơn 50 người đã ứng dụng mô hình làm việc từ xa 5 cấp độ được tập đoàn Automatic đưa ra, hiện đã đạt cấp độ 4, vượt qua các giai đoạn không chủ ý, tái tạo văn phòng qua hình thức trực tuyến, thích ứng với các công cụ mới.
VINADES có 2 văn phòng ở Hà Nội và Quảng Trị nhưng 100% nhân sự làm việc phân tán ở 11 tỉnh, thành phố, không cần đến văn phòng. “Nhờ chuyển đổi số, cho phép tất cả nhân viên được linh hoạt làm việc ở bất cứ đâu, các nhân sự của chúng tôi hiện có thể “check-in” từ xa, đi du lịch thoải mái không cần xin phép nghỉ, miễn là vẫn đảm bảo công việc qua các kênh trực tuyến thì vẫn được coi là đang làm việc, được chấm công bình thường. Mô hình này phát huy hiệu quả, giúp doanh thu và lợi nhuận đều tăng hơn trước”, ông Hùng chia sẻ.
CEO Công ty VINADES cho hay, nhằm duy trì hiệu quả mô hình làm việc từ xa này, 3 yếu tố quan trọng đã và đang được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng là chính sách, quy trình và công cụ: “Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ quy trình, bao gồm cả quy trình tính lương, tính hiệu suất công việc để phù hợp với điều kiện làm việc mới. Các công cụ làm việc cũng phải thay đổi, chấp nhận tất cả công cụ giúp chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp lên môi trường số”.
Vân Anh