Sáng sớm tinh mơ, Đinh Nhật Hoàng (SN 1994, Quận 3, TP.HCM) bật đèn căn phòng phủ màu xanh từ những bể terrarium, hồ bán cạn. Bên chiếc bàn ở giữa phòng, nam thanh niên quê Khánh Hòa tỉ mẩn cố định những mảng rêu lên bức tranh 2D (tranh 2 chiều) có kích thước lớn.
Hoàng gọi đây là tranh rêu, một loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào Việt Nam. Nhật Hoàng cũng đến với tranh rêu nghệ thuật một cách tình cờ.
Trước đây, nam thanh niên từng có 7 năm làm đầu bếp ở các nhà hàng, khách sạn tại TP.Nha Trang. Khi dịch bệnh bùng phát, Hoàng tạm dừng công việc để về nhà nghỉ ngơi.
Sau đó, nam thanh niên bén duyên với thú chơi thủy sinh, terrarium, hồ bán cạn. Đặc biệt, thú chơi hồ bán cạn khiến Hoàng lần đầu tiếp cận với các loài rêu hoang dã.
Nhật Hoàng chia sẻ: “Tôi thích các loài rêu. Không như cây, rêu phát triển rất chậm. Khi phối loài thực vật này vào các bể terrarium, hồ bán cạn, chúng giữ được bố cục như tôi mong muốn, sắp đặt từ ban đầu.
Sau đó, tôi tìm hiểu và phát hiện thế giới có nghệ thuật tranh rêu nên rất thích. Tôi tìm hiểu từ từ và đam mê loại hình nghệ thuật này”.
Theo Hoàng, nếu như họa sĩ sáng tác tranh bằng màu, chì… thì Hoàng tạo ra tác phẩm của mình bằng những loại rêu hoang đã qua xử lý. Kỹ thuật tiên quyết của loại hình nghệ thuật này là kinh nghiệm ép cho rêu hoang vào trạng thái ngủ đông.
Đây là công đoạn không hề dễ dàng. Nhật Hoàng phải đóng tiền để học trực tuyến kỹ thuật này với các chuyên gia ở nước ngoài. Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản, Hoàng mua rêu tươi về thử nghiệm.
Rêu tươi lấy từ rừng, suối… sẽ được nam thanh niên rửa sạch, loại bỏ cặn bẩn, rác, lá úng, mục rồi đem phơi gió cho cây mất nước.
Khi rêu đạt độ khô nhất định, Hoàng tiến hành ngủ đông chúng bằng kỹ thuật, công thức đã được học, tự tích lũy sau nhiều lần thử nghiệm.
“Ngủ đông rêu là giữ rêu ở trạng thái không chết thêm, không bị phân hủy. Việc này rất quan trọng. Nếu không có kinh nghiệm, quá trình ngủ đông không thành sẽ khiến rêu tiếp tục chết đi. Khi rêu chết sẽ sinh ra nấm mốc, làm hỏng tranh”, Hoàng chia sẻ.
Rêu ngủ đông thành công sẽ được Hoàng nhuộm lại màu như ban đầu. Kỹ thuật này cũng đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ thuật, kinh nghiệm. Nếu không, rêu sẽ không lên màu hoặc bị nhả màu, thậm chí mục nát.
Tạo thu nhập, thoát áp lực cuộc sống
Tất cả các quá trình xử lý rêu từ ngủ đông, nhuộm màu, diệt nấm mốc… đều được Nhật Hoàng thực hiện bằng những loại hóa chất trong mỹ phẩm. Đây là các loại hóa chất không độc hại với Hoàng và người chơi tranh.
Sau khi xử lý rêu thành công, Hoàng lên ý tưởng, bố cục về bức tranh theo chủ đề mình đã định sẵn trong đầu. Nam thanh niên vẽ bố cục ấy trên khung tranh và tiến hành đính, cố định từng mảng rêu lên.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi người thực hiện phải có sự sáng tạo và khả năng thẩm mỹ rất cao.
Những mảng, khối rêu với màu sắc, kích thước khác nhau được Hoàng xếp đặt ở những vị trí tuân thủ theo các yếu tố chính của hội họa như tỉ lệ vàng, bố cục đường thẳng, đường cong…
Nhật Hoàng cũng kết hợp các loại rêu đã qua xử lý với nhiều phụ kiện như: gỗ lũa, đá, cát, sỏi, tiêu bản xương động vật, mô hình…
Bằng cách này, nam thanh niên như thu nhỏ thiên nhiên vào các bức tranh rêu 2D hài hòa, sống động. Đó là khung cảnh bờ sông, bãi biển yên bình hay thảo nguyên xanh bao la hoặc một góc rừng nguyên sinh rợp bóng cây cỏ…
Mỗi bức tranh được Nhật Hoàng sáng tác trong thời gian từ 1-2 tuần. Tùy vào kích thước, độ phức tạp và tính thẩm mỹ, tranh rêu nghệ thuật của Nhật Hoàng có giá từ vài trăm nghìn đồng đến nhiều chục triệu đồng/tác phẩm.
Độc đáo, có tính thẩm mỹ cao, tranh rêu của Nhật Hoàng được nhiều khách hàng săn đón. Mỗi tháng, công việc ngủ đông rêu rồi làm tranh nghệ thuật giúp nam thanh niên thu về hàng chục triệu đồng.
Hơn thế, sáng tác tranh rêu cũng giúp Nhật Hoàng tìm được niềm vui, thoát khỏi những áp lực cuộc sống. Nam thanh niên chia sẻ: “Tôi thích công việc này. Có thể nói, đây là công việc xuất phát từ chính cảm xúc, con người thật của tôi.
Ngoài việc đem lại thu nhập, công việc này giúp tôi có cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên. Việc dành hết tâm tư, tình cảm vào khâu sáng tác tranh khiến tôi có cảm giác an lành, thoát khỏi mọi áp lực cuộc sống”.
Cô giáo mầm non biến những hạt gạo thành bức tranh độc đáoTừ đôi bàn tay khéo léo, cô giáo mầm non đã thổi hồn vào những hạt gạo, tạo nên tác phẩm nghệ thuật mới lạ, độc đáo.