Tại buổi giao lưu “Sách và sứ mệnh người thầy” diễn ra vào sáng ngày 16/11 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1,ầmsáchđọckhóhơncầmđiệnthoạilướty le ty so 2in1 TP.HCM), các diễn giả đều nhận định học tập suốt đời là điều thiết yếu đối với mỗi người. Trên hành trình học để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày, mỗi người thầy là một cuốn sách và mỗi cuốn sách cũng là một người thầy, người đẹp bản lĩnh Miss Cosmo Việt Nam Giáng Ngọc chia sẻ.
Từ trái qua: MC, TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, người đẹp bản lĩnh Miss Cosmo Việt Nam Giáng Ngọc và Đại sứ văn hoá đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2024 Trung Nghĩa tại buổi giao lưu "Sách và sứ mệnh người thầy". Ảnh: Phong Khang. |
Theo TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, trong một thế giới bất định, thay đổi quá nhanh như hiện nay, ai cũng cần học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới mỗi ngày. Kỹ năng đã sở hữu cũng trở nên lỗi thời nhanh hơn. Do đó, học tập suốt đời dường như trở thành điều đương nhiên, là cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống.
Đồng tình với chia sẻ của TS Thu Huyền, nhà báo Trung Nghĩa nhấn mạnh đọc sách đóng vai trò rất quan trọng với việc học, do đó đọc càng sớm thì càng tốt. Ba mẹ anh đều là giáo viên nên sách khắp nhà từ bé. Sách để ở khắp mọi nơi, đi đến đâu cũng thấy. Do đó mà thói quen đọc sách hình thành từ sớm, là một việc rất tự nhiên.
Ngày nay, nhiều phương tiện nghe nhìn phát triển, “tấn công” tuổi thơ của các em nhỏ. Tuy nhiên, anh cho rằng không thể phủ nhận sức hút của những phương tiện hình ảnh, âm thanh như mạng xã hội, nền tảng chia sẻ video. Thay vào đó, bậc phụ huynh có thể đề xuất cách khuyến khích con trẻ: xem phim 30 phút thì đọc sách 30 phút.
Bên cạnh sách truyền thống, ngày nay, người lớn và trẻ nhỏ đều được tiếp xúc với đa dạng loại hình tri nhận kiến thức, thông tin như sách nói, video, các khoá học... Mỗi người nên chọn lựa cho mình cách phù hợp và thuận tiện nhất.
Theo anh, đọc sách cũng là trải nghiệm rất riêng tư, tùy vào nhu cầu cá nhân mỗi người. Mỗi độ tuổi cũng có những mối quan tâm nhất định. Ngày bé thích truyện tranh, đến lúc đi học thì cần sách để bổ trợ cho kiến thức, bài tập trường lớp. Đến khi ra trường, nhiều người cần sách kỹ năng, phát triển bản thân để tìm được công việc.
TS Thu Huyền cho biết khác với khủng hoảng tuổi 20, 30, khủng hoảng của những người ở tuổi 40 như cô không chỉ nằm ở khả năng học tập giảm sút mà còn là thách thức phải vượt qua tự tôn, thừa nhận mình cần phải học.
Môi trường giáo dục dễ dàng tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời. Nhưng những ai không làm việc trong lĩnh vực giáo dục sẽ cần quyết tâm rất lớn để duy trì thói quen học tập.
Theo Giáng Ngọc, Gen Z ngày nay thường bị đóng khung trong định kiến: sinh trưởng trong hoàn cảnh sung sướng nên lười biếng, không nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng là một người trẻ Gen Z, Giáng Ngọc cho rằng “vượt sướng thành công khó hơn vượt khó thành công”. Người trẻ mỗi ngày đứng trước nhiều lựa chọn thoải mái, nhẹ nhàng hơn là học tập, phát triển bản thân: Cầm sách thì khó hơn cầm điện thoại lươt TikTok.
Giáng Ngọc mong muốn các bạn trẻ hiểu được rằng hiếu học không nằm ở vẻ bề ngoài, không quyết định bởi cặp kính cận dày hay việc vùi mặt ở thư viện, tham dự tất cả workshop. Mỗi người đều có cách học tập của riêng mình. Hiếu học, nhìn chung là ý thức bên trong luôn nỗ lực để “giỏi hơn mỗi ngày”.
Lý giải điều này, cô quan sát thấy nhiều người trẻ sống với tâm thế cho hiện tại, cho rằng mình của ngày mai thì không phải mình của hôm nay. Giáng Ngọc nghĩ để có được động lực thay đổi, phải đi tận gốc, phải hiểu rằng con người của ngày mai, ngày mốt, một năm sau, 10 năm sau chính là mình. Do đó, mình của hôm nay phải có trách nhiệm với mình trong tương lai.
Giáng Ngọc tâm sự dự thi Hoa hậu Hoàn vũ cũng là một quyết định hiếu học: Cô muốn trở nên hoàn hảo hơn, tự tin trước ống kính, có khả năng lan tỏa hơn trong vai trò làm MC.
Vậy nên Giáng Ngọc đã đi thi với tinh thần học hỏi để trở nên giỏi hơn. Đến nay, Giáng Ngọc vẫn còn xúc động vì được vào đến top 16, đứng trên sân khấu tự tin nói câu: “Tôi có chiều cao từ trái tim đến bầu trời”, đạt kỷ lục thí sinh “lùn nhất mọi thời đại” đi sâu đến vòng này của cuộc thi.
Giáng Ngọc khuyên người trẻ đừng chỉ gán hai chữ “hiếu học” cho những trạng nguyên thời xưa, mà biến “hiếu học” thành từng nỗ lực nhỏ mỗi ngày để từng chút một tốt lên. Từ đó, người trẻ sẽ có động lực học hỏi không chỉ qua sách vở mà qua trải nghiệm trong cuộc sống.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.