Đông Thăng (Dĩ An),ảnhbáohậuquảcủađầutưnúpbótỷ lệ bóng đá cúp c2 một công ty đầu tư theo kiểu núp bóng hiện có chủ bỏ trốn đang nợ lương công nhân và nợ nhiều đối tác khác
Luật Đầu tư năm 2005 ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hình thành doanh nghiệp để phát triển kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp do người nước ngoài bỏ vốn đầu tư dạng núp bóng, để cho người trong nước đứng tên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người đứng tên và hậu quả khó lường cho nhiều người...Giám đốc không con dấu!
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có một số chủ doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn, trong khi còn nợ lương công nhân, nợ BHXH và nợ cả những đối tác khác không có khả năng chi trả. Sau những vụ việc đó đã lộ diện nhiều DN vốn nước ngoài, đầu tư núp bóng dưới danh nghĩa người Việt Nam đứng tên, đại diện theo pháp luật. Tại những DN này, đầu tư tài chính và mọi công việc điều hành, quản lý đều do người nước ngoài đảm nhận. Người đứng tên đại diện theo pháp luật chỉ là những ông, bà giám đốc “hờ”. Và khi xảy ra sự cố làm ăn thua lỗ, tranh chấp, mâu thuẫn... thì những ông chủ giấu mặt “lên tàu” về nước để lại hậu quả cho những vị giám đốc “hờ” gánh chịu!
Trường hợp cụ thể tại Công ty TNHH MTV Hoằng Nhất (ấp Hòa Lân II, xã Thuận Giao, Thuận An), người quản lý, điều hành và là chủ thực sự của công ty này được những công nhân làm việc tại đây xác nhận là một người nước ngoài. Khi làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất thì người nước ngoài biến mất. Còn cơ quan chức năng thì đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Bình Dương triệu tập bà Đ.T.T trú tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM là giám đốc, người đại diện công ty theo pháp luật để làm rõ vụ việc và yêu cầu trả nợ cho đối tác và trả nợ lương của công nhân.
Tương tự trường hợp nêu trên, mới đây nhất là vào ngày 18-1, anh N.T.T (SN 1983) Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đông Thăng (huyện Dĩ An) bàng hoàng khi phát hiện toàn bộ máy móc sản xuất, trang thiết bị văn phòng, hóa đơn giá trị gia tăng, con dấu, chứng từ sổ sách... của công ty đã biến mất cùng với 2 nhà đầu tư và 4 nhân viên đến từ Đài Loan. Anh T. cho biết: “Do điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi đồng ý đứng tên để thành lập công ty với tiền lương 2 triệu đồng/tháng. Trên thực tế thì bản thân tôi không tham gia điều hành công ty mà hoàn toàn do bà Wu Shin Yu Ling và ông Wu Kuo Chen (Taiwan) điều hành và quản lý. Mọi hoạt động mua bán và xuất hóa đơn chứng từ của công ty đều do hai người nói trên trực tiếp chỉ đạo. Do không hiểu biết nhiều về pháp luật nên thậm chí cả con dấu của công ty tôi cũng để họ cầm giữ”. Ngoài ra, anh T. còn cho biết thêm, ngoài 2 người kể trên còn có 4 người Đài Loan khác là nhân viên, trực tiếp làm việc tại công ty. Hiện anh T. cũng đã làm đơn “cầu cứu” gửi các cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ giải quyết.
Cẩn thận kẻo mất cả tiền lẫn... tình!
Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp chứng kiến một cô gái trẻ, SN 1985, quê miền Tây cầm bộ hồ sơ đến cơ quan chức năng xin cấp phép thành lập DN với số vốn điều lệ trên 4 tỷ đồng. Điều làm chúng tôi và cả những người xử lý hồ sơ thắc mắc là làm sao với gia cảnh của một cô gái xuất thân trong một gia đình nông dân, có trình độ văn hóa rất thấp (theo giấy tờ tùy thân của người này) lại có số tiền lớn để thành lập công ty với ngành nghề kinh doanh đăng ký dành cho những người có nhiều tiền và trình độ cao! Chưa hết, tại xã An Điền, huyện Bến Cát, chúng tôi từng có dịp làm việc với một công ty chuyên sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa và cung ứng nguyên liệu cho những công ty lớn ở trong nước với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, nhưng người đại diện của công ty theo pháp luật lại là một cô gái Việt trẻ măng, tuổi chừng 18-20. Thế nhưng tiếp và làm việc với chúng tôi lại là một người nước ngoài nói tiếng Việt bập bẹ và người này còn tự xưng là có trách nhiệm cao nhất của công ty!
Theo ông Lý Xuân Tha, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu có các biểu hiện thuê mướn người làm giám đốc, đại diện theo pháp luật hay có quan hệ tình cảm... thì trong quá trình xin phép thành lập DN không bao giờ biểu hiện. Việc đầu tư núp bóng chỉ được phát hiện khi trong quá trình sản xuất - kinh doanh có mâu thuẫn phát sinh. Còn theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện trên địa bàn tỉnh đang tồn tại rất nhiều công ty, cơ sở kinh doanh núp bóng.
TÂM THƯ
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Lê Việt Dũng: “Với người được giao một nhiệm vụ cụ thể mà không đủ năng lực để thực hiện thì không nên nhận vì hậu quả sẽ rất khó lường”
Trước hết phải nói rằng, Luật Đầu tư năm 2005 ra đời là một “sân chơi” bình đẳng của các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước. Chính phủ cũng đã có chính sách tạo cho DN đăng ký lại thông tin nhằm động viên, tạo điều kiện để DN hoạt động đúng pháp luật, đúng danh nghĩa và đúng người quản lý điều hành. Ở Bình Dương cũng đã có nhiều DN trước kia nhờ người đứng tên giờ đã đăng ký lại. Theo quy định khi cấp phép thành lập hay thủ tục đầu tư, chỉ xác minh năng lực tài chính hay trình độ chuyên môn của người đại diện ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định và nếu có năng lực, thủ tục pháp lý thì được cấp phép. Với những điều kiện thuận lợi như vậy mà vẫn có kiểu DN đầu tư núp bóng như đã nêu thì rõ ràng là họ có “âm mưu”, để khi xảy ra sự cố hay vi phạm pháp luật thì né tránh trách nhiệm.
Tôi xin cảnh báo cho cả hai phía, đối với người nước ngoài thì nên chấp hành pháp luật đầu tư tại Việt Nam vì hiện nay các quy định của Bình Dương cũng như cả nước về đầu tư và thành lập DN có rất nhiều chính sách thuận lợi, minh bạch, rõ ràng. Còn đối với người Việt Nam khi được giao một nhiệm vụ cụ thể mà không đủ năng lực để thực hiện thì không nên nhận vì hậu quả sẽ rất khó lường!