"Lớp học, trường học Google"
Từ năm học 2023-2024, ngành Giáo dục thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thí điểm triển khai mô hình Trường học số Google tại 3 trường: Tiểu học Linh Chiểu, THCS Hoa Lư và THCS Trần Quốc Toản 1.
Còn Trường THPT Thủ Thiêm triển khai “Lớp học Google” đối với khối lớp 10 và 11 ngay từ đầu năm học.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, Trường học số Google là mô hình cung cấp nền tảng không gian số nhằm xây dựng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong nền tảng không gian số an toàn, bảo mật, kiểm soát các nội dung và ứng dụng trên thiết bị. Đồng thời, tích hợp ứng dụng AI để hỗ trợ các hoạt động dạy và học.
Cơ sở giáo dục cũng có điều kiện để sử dụng các ứng dụng công nghệ giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực số cho giáo viên, triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến, kết nối nhà trường với phụ huynh, triển khai các giải pháp lớp học thông minh, thư viện thông minh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử...
Trải nghiệm những tiết học kỹ năng số trong Lớp học Google, em Quỳnh Anh, học sinh lớp 10.01 Trường THPT Thủ Thiêm chia sẻ: Em và các bạn được khám phá thêm những tính năng mới từ công cụ tìm kiếm Google.
Cùng với đó, được học cách thiết lập mục tiêu, liên lạc và quản lý thời gian biểu cá nhân; một số rủi ro khi tham gia Internet và biện pháp an toàn; hiểu được về điện toán đám mây, xây dựng hệ thống điện toán đám mây, lập trình và ứng dựng website…
Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết mô hình "Trường học số Google" cho phép các trường sử dụng các ứng dụng công nghệ giáo dục (EdTech), công cụ AI vào công việc giảng dạy.
Trong đó, lớp 1 là nâng cao năng lực số giáo viên thông qua công cụ Google và các công cụ EdTech khác.
Lớp 2 là sử dụng các công cụ AI để tăng hiệu quả dạy và học cho các giáo viên bằng hình thức trực tuyến với giảng viên Google for Education từ AI Education.
Theo đại diện Google for Education, mô hình trường học số Google có nhiều ứng dụng, chương trình học được thiết kế sẵn, kết hợp tạo thành hệ sinh thái, để việc học trên môi trường số an toàn, hiệu quả với học sinh.
Ở bậc Tiểu học, học sinh có thể phát triển kỹ năng cộng tác số trên môi trường trực tuyến. Ở bậc THCS và THPT, học sinh được trang bị kỹ năng sáng tạo, giao tiếp bằng công cụ số…
Dự kiến Google for Education sẽ phối hợp với ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh mở rộng mô hình lớp học số, trường học số ra 50 cơ sở giáo dục từ nay đến năm 2025.
Những thách thức mới
Theo nhận định chung, trong thời đại hiện nay, việc để học sinh các bậc học phổ thông làm quen với môi trường số để hình thành tư duy số là rất quan trọng, bởi sẽ tạo tiền đề tốt cho phát triển nguồn nhân lực số.
Vấn đề đặt ra là cần đồng bộ hóa và có lộ trình rõ ràng về các nội dung công nghệ số được giảng dạy trong các cấp học, tránh tình trạng rời rạc, không thống nhất như hiện nay.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, còn 3 trở ngại chính cần vượt qua trong chuyển đổi số ngành Giáo dục.
Một là vẫn còn sự chênh lệch hạ tầng số giữa các khu vực, nhất là khu vực ngoại thành và vùng sâu, vùng xa. Hai là sự chấp nhận của công chúng, quan điểm của nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về chuyển đổi số, ứng dụng số còn khác nhau.
Ba là cần có hành lang pháp lý và chính sách thống nhất để chuyển đổi số trong giáo dục có thể triển khai trên diện rộng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần hoàn thành hệ thống dạy học trực tuyến bất đồng bộ, cho phép người dùng học tập mọi lúc, mọi nơi; xây dựng kho tài nguyên học liệu mở với dữ liệu tích hợp tập trung tại Sở, từ đó chia sẻ với các nền tảng dạy học trực tuyến và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Cùng với đó, nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin trường học. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn chuyển đổi số cho nhân viên toàn ngành. Áp dụng các chuẩn quốc tế cho chứng chỉ tin học. Thu hút nguồn lực đầu tư cho trường học số, lớp học số…
TheoBích Ngọc (Báo Hànộimới)