Con đường ngắn nhất,ầnthôngtưtưởngđểtựtinlàmchuyểnđổisốchuyểnđổixanhtạiViệti so tran phap rẻ nhất để đi đến một tương lai Việt Nam tươi sáng
Phiên đầu tiên cũng là phiên quan trọng nhất của Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) năm 2024 có chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - Phát triển kinh tế số”, vừa diễn ra chiều ngày 28/5 tại Hà Nội.
Là sự kiện thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, phiên khai mạc diễn đàn năm nay được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước theo dõi, lắng nghe từ đầu đến cuối.
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định: Chủ đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới, không riêng gì Việt Nam và có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để đi đến một tương lai Việt Nam tươi sáng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận xét, qua hơn 4 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng ta đã làm được một số việc quan trọng, là sự khởi động tốt, tạo được niềm tin ban đầu để tự tin, hào hứng hơn và cũng nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội.
Cụ thể, bên cạnh nhận thức đã có chuyển biến, Việt Nam cũng đã có sự đầu tư khá mạnh mẽ và nhanh chóng cho hạ tầng số. Theo thống kê, hiện cáp quang đã tới tất cả xã, phường, thị trấn, 82% hộ gia đình Việt Nam đã có cáp quang tới nhà và đặc biệt là smartphone đã trở nên cần thiết với mọi người.
Song song đó, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh trong các lĩnh vực như tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng... Một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có sự khởi động ngoạn mục, ngày càng có vị thế cao trong cuộc cạnh tranh chung ở khu vực và thế giới; Nhiều doanh nghiệp FDI, trong đó cả các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Intel, LG... đã chọn Việt Nam làm đại bản doanh.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được, song Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ ra một số hạn chế, trong đó có tình trạng vẫn có những người, kể cả người có trách nhiệm, còn chưa quan tâm đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nguyên nhân có thể do họ không muốn thay đổi thói quen, cách suy nghĩ cũ hoặc không thích sự minh bạch nên chọn làm theo cách truyền thống.
Các hạn chế khác, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang còn là: Hạ tầng số, nền tảng cho tăng trưởng xanh dù có sự phát triển nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu; Nguồn lực cho chuyển đổi số chưa được ưu tiên, chưa được ứng xử như một lĩnh vực tiên phong; Một số chỉ tiêu của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới còn thấp; Cơ chế chính sách, thể chế thực sự chưa tạo ra “đường băng” để mọi người, nhất là các doanh nghiệp có thể “cất cánh”.
“Chúng tôi đang nợ các doanh nghiệp việc này!”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Về các việc cần làm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã điểm ra sáu việc chính, cụ thể là: Cần có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tư tưởng phải thông để tự tin làm, dành sự ưu tiên cho lĩnh vực và cũng để mọi người dám dấn thân
Bên cạnh đó, phải chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là khu vực có nhu cầu và sự ảnh hưởng phát triển, ví dụ như các khu trung tâm, khu kinh tế, khu công nghiệp và phải có thứ tự ưu tiên, vì không có đủ kinh phí để đầu tư tất cả cùng một lúc.
Cần huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Việc này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, đúng theo lý thuyết và cả thực tiễn, vì ngân sách nhà nước không thể kham nổi tất cả mọi việc, chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và có tính chất “mồi trước”.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chip bán dẫn cho đến năm 2030, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ cách đang được triển khai là kêu gọi các doanh nghiệp FDI tham gia cùng đào tạo, để đào tạo xong sẽ có xưởng để lao động có việc làm.
Hai việc khác Phó Thủ tướng cho rằng cũng cần tập trung, đó là có một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các startup tham gia lĩnh vực này; Và cần "đứng trên vai những người khổng lồ", tức là khai thác, tận dụng tốt thành tựu của thế giới qua hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư.
Kiến nghị "đo, đong, đếm" được kinh tế số, kinh tế xanh
Một điểm khác biệt trong phiên khai mạc diễn đàn năm nay là thay vì tổ chức tọa đàm, Ban tổ chức đã có sáng kiến lồng ghép ý kiến, đề xuất của các diễn giả trong bản kiến nghị chung do Tiến sĩ Cấn Văn Lực trình bày.
Nhận định Vietnam - Asia DX Summit năm nay đã kết hợp tốt giữa câu chuyện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận xét: Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, cả bên trong và bên ngoài, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, không tốn quá nhiều chi phí, nhưng lợi nhuận mang lại tốt và bền vững.
Hiện có nhiều số liệu thống kê, với quan điểm khác nhau về tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP. Do vậy, kiến nghị với Chính phủ, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, để kinh tế số, kinh tế xanh phát triển, cần phải "đong, đo, đếm" được.
“Khi tính GDP thì phải tính đến giá trị gia tăng. Cách làm của Temasek tính toán kinh tế số dựa trên tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ (GMV) tương đối chính xác. Việt Nam cũng đang thiếu danh mục phân loại xanh, công cụ đo lường lượng khí phát thải. Một vấn đề quan trọng khác là nên thành lập thị trường tín chỉ carbon càng sớm càng tốt”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Các diễn giả cũng đề xuất các bộ, ngành cần cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu, chỉ tiêu, phương pháp, giải pháp và nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và các vấn đề có liên quan. Đơn cử như với Luật Giao dịch điện tử vừa được Quốc hội thông qua, Bộ TT&TT cần có biện pháp triển khai cụ thể và hiệu quả, song hành với các luật khác.
Theo các diễn giả, Việt Nam đang muốn hình thành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox). Tuy vậy, cơ chế này vẫn chưa thành hình bởi cách tiếp cận và quan điểm của các bộ, ngành, địa phương vô cùng khác nhau.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để có quan điểm cởi mở và kiểm soát rủi ro song hành, không bên nặng bên nhẹ. Theo ông, cân bằng giữa cởi mở và kiểm soát rủi ro vô cùng quan trọng và đây là hướng tiếp cận đúng với lĩnh vực AI.
Với công nghiệp bán dẫn, mỗi năm Đài Loan kiếm về khoản doanh thu 160 tỷ USD từ ngành công nghệ này nhưng chỉ cho ra trường khoảng 200 - 300 kỹ sư. Do vậy, Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến nghị Chính phủ cân nhắc về việc đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn từ nay đến năm 2030, sao cho vừa khả thi, tích cực, hiệu quả, nhưng lại đánh nhanh thắng nhanh, đi tắt đón đầu.
Việt Nam phải ở nhóm nước dẫn đầu về chuyển đổi số và chuyển đổi xanhBộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để tận dụng cơ hội, đưa Việt Nam ‘hóa rồng’, trở thành nước phát triển thu nhập cao, không có cách nào khác là phải đi vào nhóm đầu về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.