- VNPT kiến nghị Bộ TT&TT ban hành giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền để tránh tình trạng cạnh tranh nhau bằng cách phá giá thị trường.
Ý kiến này được ông Phạm Đức Long,ếptụcđềxuấtxâydựnggiásànchotruyềnhìnhtrảtiềkq bd hq TGĐ Tập đoàn VNPT một lần nữa nêu ra tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 9/2016 của Bộ TT&TT chiều 5/10. "Rất mong Bộ xây dựng giá sàn để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường truyền hình trả tiền".
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền đã được nêu lên sau khi nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia thị trường. Trước đó, thị trường này chủ yếu là sân chơi của các nhà đài nên giá thành dịch vụ tương đối ổn định. Sau khi nhà mạng vào, do không có chức năng sản xuất chương trình nên các gói kênh của các bên hầu như không có sự khác biệt. Chính vì thế, các "tân binh" chủ yếu cạnh tranh bằng giá thành nhờ có nguồn lực lớn.
Việc bóc tách chi phí cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với cung cấp dịch vụ viễn thông khá khó bóc tách, do đó, nhiều chuyên gia đã lo ngại về tình trạng "bù chéo", phá giá dịch vụ để cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Khá nhiều lần, Hiệp hội Truyền hình trả tiền và các đơn vị thành viên đã đề xuất Bộ TT&TT xây dựng giá sàn dịch vụ, song một điểm vướng của quy định hiện hành là theo Luật Giá, dịch vụ truyền hình trả tiền không phải hàng hóa thiết yếu, do đó không chịu sự quản lý về giá từ phía Chính phủ.
"Nếu muốn quản lý giá sàn thì sẽ phải kiến nghị điều chỉnh luật Giá. Sở cứ của kiến nghị này là hiện truyền hình trả tiền đã khá phổ biến, có thể coi là dịch vụ thiết yếu với nhiều hộ gia đình. Số lượng thuê bao cũng đang khá lớn", ông Lâm phân tích.
Ngoài ra, theo ông Lâm, một cách tiếp cận thứ hai là sử dụng các công cụ gần giống như công cụ quản lý thị trường viễn thông hiện nay, đó là xác định một số doanh nghiệp nắm thị phần chi phối thị trường để quản lý về khuyến mại, giá thành dịch vụ...
T.C