Gặp đạo diễn Ma làng vào một buổi chiều đầu năm, ông xuất hiện với hình ảnh khá cổ điển: áo vest sáng màu và chiếc mũ berét quen thuộc.
Tuy nhiên, cách nói chuyện cho thấy người vẫn được mệnh danh là "đạo diễn của nông dân" này lại không hề "nông dân" một chút nào, thậm chí, ông có phần trẻ hơn tuổi, vẫn tràn trề năng lượng làm nghề và trăn trở với lĩnh vực phim ảnh.
Đao diễn Nguyễn Hữu Phần. Ảnh: Hà Nội Mới |
"Ngoại tình đang được dung túng"
- Ở cái tuổi gần đến ngưỡng "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn rất chịu khó cập nhật công nghệ: dùng e-mail để giải quyết công việc, lên mạng đều, sử dụng Facebook, Uber... Tại sao đạo diễn hiện đại thế lại chọn đề tài có phần trái ngược là nông thôn để gắn bó?
- Trước đây, tôi có chuyên đâu. Tôi từng làm điện ảnh thơ lắm, như Em còn nhớ hay em đã quên, Bản tình ca trong đêm... Và tôi nghĩ đó là hướng đi của mình. Nhưng làm việc thì cứ bị phân công. Phim đầu tiên phải làm là Đất và người (2002). Sau khi làm xong phim đó, thấy hiệu ứng xã hội lớn quá, nhiều người xem, nhiều người hỏi, nhiều người bàn đến, thế là tôi lại tiếp tục làm đề tài nông thôn và thấy đó là lĩnh vực rất thú vị.
- Nông thôn từng là yếu tố thu hút khán giả truyền hình với những bộ phim như "Đất và người", "Ma làng", "Gió làng Kình", "Bão qua làng"... nhưng đang dần thất thế. Theo đạo diễn, tại sao đề tài này không còn hấp dẫn như xưa?
- Nguyên nhân đầu tiên là do lớp đạo diễn bây giờ khá trẻ. Họ không có nhiều vốn sống về vấn đề nông thôn nên ngại làm. Thường tôi làm phim cũng phải tra Google, ra hiện trường tìm hiểu. Mọi việc đều phải tra. Với người trẻ, có những cái họ tra nhưng cũng không hiểu được.
Thứ hai, nhà đầu tư lo ngại phim về nông dân không thu được quảng cáo. Bây giờ, đó là yếu tố quyết định với truyền hình. Ví dụ, một bộ phim làm mất 200 triệu đồng/tập, nếu có doanh thu dưới 600 triệu đồng thì đài truyền hình thu tất, trên 600 triệu đồng thì nhà đầu tư mới được chia phần trăm.
Những đề tài về thanh niên, thành phố dễ thu quảng cáo hơn và các thương hiệu cũng dễ PR hơn vì phần lớn sản phẩm của họ là dành cho giới trẻ thành phố.
Tuy nhiên, đó là cách nghĩ sai. Dẫn chứng là với tôi, 2 phim Đất và người, Ma làng (2007) có doanh thu quảng cáo rất cao. Đó là phim nhà nước bỏ tiền, mất khoảng 170 triệu đồng/tập, nhưng mỗi tối chiếu thu được hơn 1 tỷ đồng. Phim nông dân vẫn thu được tiền và rất đông người xem.
Nông thôn là một đề tài lớn và quan trọng. Chúng ta vẫn có 70% là nông dân, vấn đề nông thôn vẫn rất nhức nhối. Hầu như mọi chuyện phát triển kinh tế của đất nước này đều là vấn đề nông thôn chứ không phải vấn đề thành phố. Nếu phản ánh đúng thì người xem đông vô cùng vì nó đụng đến mọi tầng lớp, kể cả người ở thành phố, vì không ít trong số họ là những người xuất thân từ nông thôn.
Tuy nhiên, nông thôn ngày nay chuyển biến rất nhanh nên việc chọn đề tài gì ở nông thôn để phản ánh cũng rất khó.
- 2015 đề tài ngoại tình chiếm sóng phim truyền hình Việt. Theo đạo diễn, tại sao lại có hiện tượng này?
- Hôn nhân gia đình là một đề tài ăn khách. Phim đầu tiên về đề tài này tạo được hiệu ứng là Bánh đúc có xương (2014). Phim đụng vào vấn đề ai cũng quan tâm là mối quan hệ con dâu - mẹ chồng. Cũng từ đó người ta bắt đầu lao vào đề tài ngoại tình như Mưa bóng mây, Hôn nhân trong ngõ hẹp... làm nó trở thành trào lưu, bị làm quá nhiều vì thấy dễ khai thác và ai cũng có vốn sống. Những anh đạo diễn 40 tuổi hay thấp hơn cũng có vốn sống.
Khai thác một hiện tượng xã hội là tốt. Tuy nhiên, thái độ của ta trong chuyện đó như thế nào mới là quan trọng. Nếu theo quan niệm cũ, phê phán kịch liệt thì chúng ta có thể bị gán là người cực đoan, không cởi mở. Vì thế, chúng ta lại phê phán ngoại tình một cách nhẹ nhàng, như một cơn mưa bóng mây thoáng qua, rồi gia đình vẫn được tồn tại. Thái độ đó lại làm cho chúng ta có suy nghĩ là hình như các nhà làm phim đang dung túng, bênh vực, khuyến khích ngoại tình. Điều này làm nội dung bị phản nghịch, gây khó chịu.
Gia đình là đề tài khó giải quyết và họ đang làm một cách dễ dãi. Nếu xu hướng này còn tiếp tục thì sẽ gây tác động xấu. Đó chính là việc chúng ta phải cân nhắc.
"Tại sao phải mắng diễn viên?"
- Nếu làm phim vào thời điểm này, đạo diễn sẽ chọn chủ đề nào?
- Với tôi, một là nông thôn, hai là xã hội - hình sự. Phim hình sự không phải đuổi bắt, đánh võ mà là về tâm lý, khủng hoảng của con người. Trong tương lai, tôi sẽ tìm kiếm những kịch bản như thế, chẳng hạn về chia gia tài con cái, thù hận xưa cũ, con hoang... những thứ là vấn đề lớn ở thời đại bây giờ và rút ra được nhiều bài học cho gia đình xã hội.
- Theo đạo diễn, hạn chế của phim truyền hình Việt hiện nay nằm ở đâu?
- Vừa rồi, tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 35 (tổ chức tại Quảng Bình, tối 19/12/2015), phim Khi đàn chim trở về đạt giải Vàng. Đó là phim về đề tài buôn lậu gỗ, bảo vệ rừng, to tát và chính thống. Nhưng về mặt nghề thì đó không phải là phim hay. Phim quy định nhân vật nào xấu cứ xấu, nhân vật nào tốt là cứ tốt, từ đầu đến cuối. Tôi thích nhân vật là phải chuyển biến.
Tôi cho rằng, lý do khiến tôi thành công được là vì trong phim của tôi, nhân vật đều có tính cách. Đấy là cái rất quan trọng.
Văn học có Chí Phèo - Thị Nở. Còn phim của tôi có Chu Văn Quềnh. Đó là một nhân vật thành công, đến mức người ta bảo đi xem Chu Văn Quềnh chứ không phải đi xem Đất và người.
Nhân vật có tính cách làm người ta chú ý và ta nói được mọi điều qua nhân vật đó. Phim truyền hình của chúng ta đang thiếu những nhân vật có tính cách.
- Gần đây, đạo diễn ấn tượng với phim truyền hình nào nhất?
- Trên TV vừa rồi có phim Đối thủ kỳ phùng. Đó là một phim có kịch bản, kết cấu tốt nên tạo được sự hấp dẫn cho người xem. Tuy nhiên, cái khó chịu nhất của phim đó là cách xưng hô không đúng với đời thực.
Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật Lê Định Sơn không thuyết phục được tôi. Đó là một nhân vật xấu nhưng lại có một mối tình rất đẹp. Nên thành ra một đằng anh ta chà đạp phụ nữ, một đằng anh ta tôn thờ một người phụ nữ. Đó là chuyện bịa, không thật. Nhân vật như thế không có được những phẩm chất kia. Người xấu không thơ được như thế, nếu có cũng không phải như vậy.
- Thế còn diễn viên, đạo diễn có yêu thích một diễn viên đặc biệt nào không?
- Lâu rồi tôi không làm phim nhưng ấn tượng với Phương Oanh của Đối thủ kỳ phùng. Đó là một người diễn hay.
Còn phần lớn những diễn viên trẻ hiện nay bị trẻ con quá. Tôi đi làm như là làm việc với những đứa cháu. Chúng ngây ngô quá, tôi không thích. Tôi thích những người hiểu biết một chút.
- Nguyên tắc của đạo diễn khi làm phim là gì?
- Đầu tiên, với tôi, khâu chuẩn bị là quan trọng nhất. Hiện nay, khâu này của các nhà làm phim hơi ẩu. Người ta cứ mang nguyên kịch bản văn học ra hiện trường. Tôi thì làm phim theo kiểu cổ, phân cảnh, cảnh này toàn, cảnh kia trung... một cách cụ thể. Khi ra hiện trường cố gắng thực hiện điều mình nghĩ.
Thông thường, khá lắm thì làm được 80% những gì mình nghĩ. Không bao giờ thực hiện được hết vì có nhiều khó khăn lắm. Nhưng nếu như không chuẩn bị, ra hiện trường nó lộn xộn, kết quả là làm ra những tác phẩm thiếu cẩn thận, thiếu hợp lý.
Thứ hai, mọi người thường hình dung trên phim trường, ông đạo diễn là người lắm mồm, quát tháo... Tôi thì làm phim êm dịu hơn, ít khi to tiếng. Khi muốn nói gì, tôi kéo người đó ra một chỗ nói nhỏ vài câu nên không khí đoàn làm phim luôn vui vẻ.
Vui vẻ rất quan trọng vì làm phim không phải dựa vào một người mà rất nhiều người. Một cô diễn viên mà bị mắng đến mức bực tức thì không thể diễn hay được. Vậy thì tại sao phải mắng?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trên trường quay. Ảnh: Lao Động |
- Có thể nói Nguyễn Ngọc Tư là "nhà văn của nông dân". Có bao giờ đạo diễn có ý định chuyển thể phim của chị?
- Tôi có chứ. Anh Nguyễn Phan Quang Bình từng làm phim điện ảnh Cánh đồng bất tận. Đó là một phim thành công về mặt nghệ thuật, một phim đẹp, sâu sắc nhưng không thành công về mặt thị trường.
Trong phim truyền hình tôi cũng rất thích truyện của chị. Như Cải ơi từng được làm phim truyền hình 2 tập, đề tài rất hay. Phim về một người đàn ông lạc con, bỏ đi theo gánh hát, mỗi lần trước khi diễn, ông đều cầm mic gọi "Cải ơi, tía đây". Phim rất miền tây và rất hay.
Nguyễn Ngọc Tư có nhiều truyện chỉ tả cảnh sinh hoạt, phải gom nhiều truyện vào nhau mới tạo ra được kịch bản phim.
Phim truyền hình thì tôi thích làm phim ngắn tập hơn là dài tập. Vì bây giờ người ta không có nhiều thời gian để xem phim. Hơn nữa, phim ngắn tập thường cô đọng, xúc tích hơn.
- Con trai đạo diễn theo nghiệp cha và cũng khá thành công (đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Trọng của series phim "5s online"). Hai cha con đạo diễn có ấp ủ một dự án chung trong tương lai?
- Không, không bao giờ tôi làm với con. Hiện tại, tôi cũng không giúp gì được cho Trọng cả. Vì nó là teen, khác lắm. Suy nghĩ, cách làm việc khác nhau... Làm với nhau thì cãi nhau mất!
Chí Nhân lần đầu lên tiếng scandal ngoại tình