Ông Phạm Hải Bằng - nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Đức Huy. |
Trong công tác thông tin đối ngoại, sách là phương thức hữu hiệu có thể nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo ông Phạm Hải Bằng - nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao - một trong những điều cần thiết để quảng bá hình ảnh Việt Nam là đẩy mạnh đưa ra quốc tế các ấn phẩm gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia.
- Trong những năm sống tại châu Âu, ông nhận thấy các cuốn sách nói về Việt Nam thường hướng tới chủ đề gì?
- Trong thời gian sống tại châu Âu, tôi nhận thấy rằng các cuốn sách viết về Việt Nam thường tập trung nhiều nhất vào chủ đề du lịch. Đây là một mảng sách đặc biệt hấp dẫn độc giả. Chúng không chỉ giới thiệu một Việt Nam vượt qua chiến tranh mà còn là một đất nước đầy sức hút với những ai yêu thích văn hóa, ẩm thực. Những cuốn sách này đã vẽ nên một Việt Nam năng động, giàu bản sắc, khiến người đọc thêm tò mò và mong muốn khám phá.
Đáng chú ý, phần lớn các sách du lịch về Việt Nam hiện nay được viết bởi các tác giả nước ngoài và xuất bản bởi các nhà xuất bản quốc tế. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các tác giả nước ngoài trong việc truyền tải hình ảnh Việt Nam đến thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức, bởi chúng ta cần thêm những ấn phẩm do chính người Việt thực hiện để đảm bảo tính chính xác và đa chiều, qua đó thúc đẩy sự gắn bó của bạn bè quốc tế với Việt Nam.
Các cuốn sách du lịch của Lonely Planet về Việt Nam. Ảnh: Lonely Planet. |
- Độc giả nước ngoài mong muốn các cuốn sách ấy được cải thiện ở những điểm gì?
- Họ cho rằng các cuốn sách ấy, dù mang giá trị nhất định, vẫn chưa khai thác trọn vẹn các điểm mạnh về văn hóa, du lịch và ẩm thực Việt Nam, dẫn đến việc không phản ánh đầy đủ vẻ đẹp và sức hút của đất nước.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam cũng là một thách thức lớn. Ví dụ, trong lĩnh vực ẩm thực, danh sách các nhà hàng nổi tiếng có thể thay đổi đến 80% chỉ sau một năm, khiến nhiều thông tin trong sách nhanh chóng lỗi thời. Điều này đặc biệt khó khăn khi so sánh với các quốc gia khác, nơi sự thay đổi diễn ra chậm hơn.
Ngoài du lịch, mảng sách giới thiệu kinh tế, đầu tư hay tiềm năng các khu công nghiệp cũng còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.
- Dòng sách nào sẽ là chủ đạo để góp phần tăng hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại?
- Xuất bản cần tập trung vào các tác phẩm thuộc lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Những ấn phẩm hay sẽ góp phần giới thiệu tiềm năng phát triển của Việt Nam và quảng bá hình ảnh một đất nước năng động, cởi mở, sẵn sàng hội nhập.
Trong bối cảnh Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, sách về chủ đề kinh tế và đầu tư sẽ cung cấp thông tin giá trị về môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi và cơ hội hợp tác quốc tế. Song song, các ấn phẩm về du lịch sẽ góp phần quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa và con người Việt Nam, thu hút không chỉ du khách mà còn các nhà đầu tư toàn cầu.
Ngoài ra, sách lịch sử, văn hóa và các tài liệu mang tính giáo dục cũng giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng hình ảnh quốc gia. Việc đầu tư phát triển dòng sách này sẽ góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ quốc tế, tạo bước đệm vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
- Theo ông, đâu là tiềm năng để chúng ta nâng cao vị thế trên trường quốc tế?
- Chúng ta đang trong hành trình vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình và tiến đến một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Đây không chỉ là mục tiêu về kinh tế mà còn là sự phát triển toàn diện, đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ trong giáo dục và văn hóa.
Một nền giáo dục chất lượng, hệ thống đào tạo chuyên sâu và hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực con người, đảm bảo năng suất lao động cần thiết để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình."
Hàn Quốc là một ví dụ tiêu biểu. Nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc của họ được hỗ trợ bởi một nền văn hóa mạnh mẽ, không chỉ tạo bản sắc quốc gia mà còn mang lại nguồn thu đáng kể từ các ngành công nghiệp sáng tạo. "Làn sóng Hallyu" đã chứng minh rằng, sự phát triển kinh tế và văn hóa luôn song hành, tạo động lực tương hỗ để đưa quốc gia lên tầm cao mới.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được điều này. Như nhận định của các chuyên gia quốc tế trong cuốn sách Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á, chúng ta sở hữu đủ cơ sở về nguồn nhân lực, tài nguyên và năng lực cạnh tranh để vượt qua thách thức. Kỷ nguyên vươn mình chính là cơ hội để Việt Nam định hình vị thế trong khu vực và trên thế giới, không chỉ về kinh tế mà còn về giá trị văn hóa và tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Cuốn sách Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á (Brook Taylor và Sam Korsmoe). Ảnh: Fahasa. |
- Văn hóa đọc có vai trò như nào trong hành trình lớn này?
- Trong kỷ nguyên vươn mình, văn hóa đọc đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển con người, là nền tảng giúp hoàn thiện kỹ năng, tri thức và tư duy sáng tạo. Văn hóa đọc không chỉ trang bị kiến thức mà còn nuôi dưỡng tinh thần học hỏi liên tục, giúp mỗi cá nhân sẵn sàng đối mặt với thách thức của thời đại toàn cầu hóa.
Văn hóa đọc không chỉ là hành trang cá nhân mà còn là "đôi giày tốt" giúp cả xã hội tiến xa hơn trên con đường hội nhập.
Ông Phạm Hải Bằng - nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao.
Thực tế, các quốc gia phát triển đều coi trọng văn hóa đọc như một động lực thúc đẩy sự tiến bộ. Tại Việt Nam, tỷ lệ người đọc sách còn thấp so với các nước trong khu vực, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần thúc đẩy phong trào đọc sách và nâng cao chất lượng nội dung xuất bản. Một dân tộc có văn hóa đọc mạnh sẽ tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế.
Văn hóa đọc không chỉ là hành trang cá nhân mà còn là "đôi giày tốt" giúp cả xã hội tiến xa hơn trên con đường hội nhập.
- Trong bước chuyển mình rộng lớn đó, xuất bản phải làm ra để vươn mình, tăng sự hiện diện trên trường quốc tế?
- Để ngành xuất bản Việt Nam vươn ra quốc tế, việc xây dựng nội lực là yếu tố then chốt. Đầu tiên, chúng ta cần tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các hội sách quốc tế, tạo cơ hội tiếp xúc và ký kết hợp đồng với các nhà xuất bản nước ngoài.
Hiện nay, một số nhà xuất bản đã thành công trong việc hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực văn học, nơi những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, các mảng sách khác như lịch sử, kinh tế vẫn cần sự đầu tư và chiến lược dài hạn để đạt được sự quan tâm quốc tế.
Một trong những điểm cần cải thiện là khả năng dịch thuật. Các ấn phẩm cần được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ phổ biến như Anh, Pháp, Trung, Nga, Tây Ban Nha để dễ dàng tiếp cận độc giả toàn cầu. Đồng thời, cần chủ động hơn trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra bên ngoài, không chỉ qua văn học mà còn qua các sản phẩm sách chuyên sâu về lịch sử, kinh tế, và du lịch.
Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế cần linh hoạt hơn, không chỉ chờ đợi nhà xuất bản nước ngoài tìm đến, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận thông qua các nền tảng trực tuyến và mạng lưới đối tác. Điển hình như hợp tác của Chibooks với nhà xuất bản Quảng Tây, những mô hình này cần được nhân rộng để tăng cường sự kết nối và thúc đẩy sách Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.