Công nhân "bán máu" trả lãi tín dụng đen
Anh Hùng là công nhân một nhà máy tại huyện Long Thành,ôngđoànbảovệngườilaođộngthoátbẫyquottíndụngđkèo thổ nhĩ kỳ tỉnh Đồng Nai. Từ ngày vợ bỏ đi, một mình anh lo cho 3 đứa con nhỏ, đồng lương hơn 9 triệu đồng/tháng không đủ để trả tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học cho con.
Trong lúc thiếu thốn, Hùng liều vay 3 triệu đồng qua một ứng dụng (app) trên điện thoại. Đến khi trả lãi, anh mới biết lãi suất của khoản vay trên rất cao. Có tháng không đủ tiền trả lãi, nhân viên app này giới thiệu cho Hùng tải app khác về để vay thêm tiền trả lãi app trước.
Cứ vay app sau trả lãi app trước như thế, chỉ vài tháng sau, số nợ của Hùng tăng lên theo cấp số nhân, khoản tiền lãi phải trả hằng tháng còn cao hơn lương của anh.
Quá túng thiếu, Hùng phải đi hiến máu để có được vài trăm ngàn trả bớt tiền lãi. Hiến xong, anh lại hiến tiếp nhưng không được nên chuyển qua hiến tiểu cầu, sau 2 tuần là có thể hiến 1 lần.
Thế nhưng, số tiền ít ỏi ấy cũng không đủ bù đắp tiền lãi ngày một tăng cao. Mỗi ngày, nhân viên các app tín dụng gọi hàng trăm cuộc điện thoại hối thúc Hùng trả lãi. Anh quay cuồng trong nợ nần, khủng hoảng tinh thần, không còn tâm trí để làm việc. Có lúc, Hùng nghĩ quẩn, muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
Tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp và triển khai chương trình phòng, chống "tín dụng đen" vừa diễn ra ở TPHCM, bà Nguyễn Hồng Bích, Chủ tịch công đoàn cơ sở một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cho biết: "Nhiều công nhân rơi vào cảnh bế tắc khi con ốm, gia đình có việc đột xuất… phải chấp nhận vay nóng bên ngoài với lãi suất cao".
Theo bà Hồng Bích, mỗi lần có công nhân vay "tín dụng đen" không có khả năng trả lãi là giám đốc công ty, cán bộ công đoàn liên tục bị các đối tượng gọi điện thoại khủng bố, gây áp lực để đòi nợ.
Ông Trần Anh Tùng, Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TPHCM), cũng cho biết tình trạng này từng rộ lên ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2020-2022. Mãi đến khi các công nhân biết nhiều đến các gói vay ưu đãi của công đoàn thì tình hình này mới giảm bớt.
Tuyên truyền cảnh giác, hỗ trợ tận tay
Để hạn chế công nhân rơi vào bẫy "tín dụng đen", thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM và các tỉnh phía Nam liên tục tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, tư vấn pháp luật để tuyên truyền cho người lao động hiểu và cảnh giác với "tín dụng đen".
Những câu chuyện như của anh Hùng được công đoàn ghi lại, trình chiếu cho người lao động xem, giúp mọi người hiểu hơn về tác hại khôn cùng của vấn nạn này.
Xem xong clip về câu chuyện của Hùng, anh Nguyễn Đức Hậu (nhân viên công ty Vedan) sợ hãi, tự hứa là từ đây về sau mà có nhu cầu vay vốn chỉ dám vay ngân hàng hay tín dụng vi mô của công đoàn.
Bà Bùi Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo người lao động phải cẩn thận cân nhắc khi có ý định vay vốn từ các app cho vay tiền, hiểu rõ mức độ nguy hiểm của tội phạm "tín dụng đen" mà tránh xa.
Không chỉ tư vấn cho người lao động cảnh giác mà công đoàn còn tập trung giải quyết cái gốc của vấn đề là kịp thời hỗ trợ khi công nhân gặp khó khăn bằng các gói hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.
Như tại TPHCM, LĐLĐ Thành phố đẩy mạnh hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô CEP giúp công nhân vay vốn ưu đãi. Trong suốt hơn 32 năm hoạt động, CEP kiên trì mục tiêu hỗ trợ người lao động, không vì lợi nhuận.
Các khoản vay của CEP dành cho công nhân có lãi suất thấp, chỉ khoảng 0,4-0,65% mỗi tháng, tương đương 4,8-7,8% mỗi năm. Tính đến ngày 30/6, CEP đã cung cấp dịch vụ tín dụng cho hơn 5,8 triệu lượt khách hàng với số tiền trên 92.000 tỷ đồng.
Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố, CEP đã phối hợp với các công đoàn cơ sở triển khai gói vay ưu đãi 500 tỷ đồng với lãi suất 0,4%/tháng cho công nhân, người lao động.
Bà Nguyễn Hồng Bích đánh giá những khoản vay của CEP phát huy tác dụng rất lớn. Bà kể câu chuyện của một nam công nhân lỡ vay xã hội đen với lãi suất 20%/tháng. Anh này không có tiền trả lãi, bị đe dọa nên gọi điện cho bà cầu cứu: "Nếu trong ngày hôm nay con không trả, họ sẽ xử con!".
Để đảm bảo an toàn cho công nhân, bà Bích gọi người cho vay nặng lãi, cam kết đứng ra trả nợ đầy đủ. Sau đó, bà dẫn nam công nhân trên đến CEP vay 25 triệu đồng với lãi suất 0,4%/tháng để giải quyết dứt điểm nợ nần với nhóm "tín dụng đen".
Theo bà Bùi Thị Bích Thủy, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh các hình thức chăm lo để giảm bớt khó khăn cho người lao động; đồng thời hỗ trợ công nhân vay vốn ở những ngân hàng chính thống với lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên, với hơn 1,2 triệu công nhân trên địa bàn tỉnh, có thể các hoạt động hỗ trợ của công đoàn chưa thể phủ khắp kịp thời. Do đó, bà kêu gọi chủ các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở các đơn vị tổ chức những hình thức góp vốn, cho mượn xoay vòng trong công nhân mà không tính lãi để kịp thời giúp người lao động giải quyết khó khăn đột xuất.