Theo Bangkok Post và CNN, dự luật đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết các thượng nghị sĩ và nó sẽ được chuyển tới cung điện để Quốc vương Maha Vajiralongkorn phê chuẩn theo quy ước. Luật sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi nó được công bố trên công báo của hoàng gia.
"Chúng tôi đều rất phấn khích", Plaifah Kyoka Shodladd, một nhà hoạt động 18 tuổi nói trước khi dự luật được thông qua. "Tôi có thể cảm thấy cả thế giới đang cổ vũ chúng tôi". Plaifah cho biết thêm, trên mạng xã hội, các nhà vận động đã nhận được tin nhắn ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới bằng cả tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Myanmar.
Dự luật được thông qua với sự ủng hộ của 130 trong số 152 thành viên tham dự của Thượng viện, có 4 người phản đối và 18 người bỏ phiếu trắng.
Trước Thái Lan, Nepal và Đài Loan (Trung Quốc) đã công nhận hôn nhân đồng giới. Thái Lan có cộng đồng LGBT sôi động và nổi tiếng, đồng thời được biết đến là một quốc gia thân thiện, nhưng các nhà hoạt động từ lâu đã chỉ ra rằng họ thiếu các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản.
Luật mới thay đổi các thuật ngữ liên quan đến “đàn ông”, “phụ nữ”, “chồng” và “vợ” thành các thuật ngữ trung lập về giới tính như “vợ/chồng” và “người”. Các cặp vợ chồng sẽ có quyền bình đẳng trong hôn nhân và có quyền như nhau trong các lĩnh vực bao gồm nhận con nuôi, chấp thuận chăm sóc sức khỏe và thừa kế.
Tinnaphop Sinsomboonthong, một học giả đồng tính và là trợ lý giáo sư tại khoa xã hội học và nhân chủng học của Đại học Thammasat, cho biết: “Chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này rất lâu”. Ông cho biết thêm rằng sự thay đổi này có thể sẽ truyền cảm hứng cho những người khác trong khu vực. “Có thể coi đó là biểu tượng của sự biến đổi mới đang diễn ra ở Đông Nam Á”.
Đài Loan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giớiĐài Loan (Trung Quốc) vừa bỏ phiếu thông qua dự thảo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.