Vào một buổi chiều mùa hè ẩm ướt ở thành phố Osaka (Nhật Bản), khoảng 60 người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi tham gia vào buổi mai mối. Tuy nhiên, rất ít người tham gia chia sẻ về sở thích, bộ phim hay nhà hàng yêu thích của họ. Họ chủ yếu là những bậc phụ huynh đang đi tìm tình yêu hộ con mình.
Họ không nói về bản thân mình, mà tự hào kể về những người con trưởng thành nhưng vẫn còn độc thân, theo CNN.
Một người mẹ 60 tuổi tự hào kể về cậu con trai 34 tuổi, là giáo viên tiểu học công lập. Còn một cụ ông 80 tuổi nói về cậu con trai 49 tuổi có chí hướng nghề nghiệp, hiện làm kiểm soát viên tại công ty điện lực.
Mỗi phụ huynh đã bỏ ra khoảng 96 USD để tham dự sự kiện do Hiệp hội thông tin mai mối tổ chức. Những người cha, người mẹ tham gia sự kiện này đều mong muốn tìm được nửa kia phù hợp cho con mình.
Họ được đưa bảng câu hỏi để điền vào, đồng thời mang theo những bức ảnh của con mình. Hầu hết ảnh là người độc thân ở độ tuổi 30-40, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, từ bác sĩ, y tá cho đến công chức, thư ký.
Cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 cho biết cậu con trai 49 tuổi của họ làm việc quá nhiều, không chú ý đến đời sống tình cảm. Vì muốn có cháu bế nên 2 cụ đã quyết định tới tham dự sự kiện mai mối.
Một đôi vợ chồng khác ở độ tuổi 70 muốn tìm người yêu cho cô con gái 42 tuổi của mình. Họ cho biết cảm thấy rất vui nếu tìm được người quan tâm chăm sóc cho con gái mình.
Một bà mẹ 60 tuổi thì kể rằng cô con gái 37 tuổi tỏ ra lo lắng khi thấy bạn bè cùng trang lứa đã lập gia đình và sinh con. Bà tỏ ra hối hận vì đã không cố gắng tìm bạn đời giúp con gái từ khi cô ở tuổi đôi mươi.
Theo công ty tổ chức mai mối, khoảng 10% số người được mai mối qua sự kiện sẽ kết hôn. Con số thực tế có thể cao hơn vì không phải cha mẹ nào cũng tiết lộ thông tin sau khi con kết hôn.
Một bà mẹ có con gái kết hôn thông qua dịch vụ mai mối cho biết bà từng xếp hàng để tìm gặp "thông gia tương lai". Bà bất ngờ khi họ đề nghị cho con trai được gặp con gái bà.
Người mẹ xúc động kể lại rằng: "Ngay từ buổi gặp đầu tiên, con gái tôi đã tìm thấy người bạn đời tương lai. Khi đó, tôi biết con bé đã tìm thấy người phù hợp với mình".
Noriko Miyagoshi, người đã tổ chức các sự kiện mai mối trong gần 2 thập kỷ, cho biết: "Ý tưởng cha mẹ giúp con cái tìm người phù hợp để kết hôn đã trở nên phổ biến. Trước đây mọi người hay cảm thấy xấu hổ khi đến tham dự sự kiện này. Nhưng bây giờ, thời thế đã thay đổi".
Tuy nhiên, Noriko nhấn mạnh rằng cha mẹ nên đặt con cái lên hàng đầu. "Cho dù các bậc cha mẹ rất yêu quý, dành nhiều tình cảm cho nhau đến đâu, thì cũng phải chờ con cái họ đồng tình. Cha mẹ dù muốn có cháu đến mấy, thì cũng nên đợi khi con cái cũng sẵn sàng sinh con", cô chia sẻ.
Khủng hoảng hôn nhân
Ở Nhật Bản, thời gian được coi là thứ quý giá nhất. Giới trẻ dành phần lớn thời gian và tâm trí cho công việc, không còn thời gian tìm hiểu, hẹn hò và kết hôn. Hẹn hò cấp tốc là điều mà một số thanh niên đã thử nhưng dường như không có tác dụng.
Động lực khiến các bậc cha mẹ ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phải mai mối cho con mình là tỷ lệ sinh ngày một thấp.
Với chi phí sinh hoạt ngày một tăng, triển vọng kinh tế ảm đạm và văn hóa làm việc cường độ cao, ngày càng ít người Nhật lựa chọn kết hôn và sinh con. Năm 2021, số lượt đăng ký kết hôn giảm xuống còn 501.116, thấp nhất kể từ năm 1945 và chỉ bằng một nửa so với những năm 1970.
Hiện tại ở Nhật Bản, phụ nữ thường kết hôn muộn nên cũng sinh ít con. Độ tuổi trung bình để kết hôn là 34 đối với nam và 31 đối với nữ.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản thấp kỷ lục, chỉ 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ yên nhằm tăng tỷ lệ sinh. Trong số các ưu đãi dành cho gia đình sinh con có trợ cấp hàng tháng 100 USD cho mỗi trẻ 2 tuổi trở xuống và 68 USD cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Theo khảo sát của Viện Dân số và an sinh xã hội Nhật Bản, 80% số người được hỏi vẫn muốn lập gia đình. Nhà xã hội học Shigeki Matsuda, làm việc tại Đại học Chukyo ở Aichi, cho biết không phải mọi người không muốn kết hôn. Lý do cản trở hôn nhân là những khó khăn phải đối mặt sau đó.
Lương không tăng mà chi phí sinh hoạt leo thang, việc đảm bảo cuộc sống cho gia đình có con gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, cường độ làm việc cao cũng là nguyên nhân khiến người Nhật không còn thời gian để hẹn hò.
"Nếu bạn làm việc 70 giờ/tuần, bạn sẽ khó tìm bạn đời vì hầu như không còn thời gian cho việc hẹn hò", Shigeki Matsuda nói.
(责任编辑:Ngoại Hạng Anh)