- Để có được như hôm nay, đường Nguyễn Huệ phải trải qua một chặng đường khá dài, 129 năm để hình thành và phát triển...
Chúng tôi cùng đi dạo trên đường Nguyễn Huệ. Nằm ngay trung tâm thành phố, con đường lúc nào cũng nhộn nhịp. Người bạn đi cùng - chị Ngọc Thuần - bất chợt hỏi tôi: "Anh có biết lịch sử con đường này không?".
Từng là một con kênh
Chị Thuần là người Sài Gòn. Chị có một thời gian dài, từ thuở thiếu thời cho đến quá nửa đời người sống tại khu vực này. Chị yêu con đường, yêu từng ngõ ngách, từng mái ngói cong vênh trên những ngôi nhà cũ xưa.
Ngày 11/04/1861, Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên bờ kênh là hai con đường chạy song song được mang tên đường Rigault de Genouilly và đường Charner. (Ảnh Internet).
"Anh có nghĩ rằng, đường Nguyễn Huệ nguyên thủy là con kênh không?" chị hỏi.
Chị nói tiếp: "Ông nội tôi từng kể, trước khi có con đường nơi đây là con kênh, gọi là Kênh Lớn. Kênh chạy dài từ bờ sông Bến Nghé đến chỗ bây giờ là UBND TP.HCM, rồi con kênh rẽ sang phía Nhà hát Thành phố và tiếp tục chạy dài tới Sở Thú bên cầu Thị Nghè.
Hồi ấy, chợ Bến Thành được triều đình nhà Nguyễn xây dựng bên bờ kênh. Sinh hoạt nơi đây nhộn nhịp. Người Việt, người Hoa, người Chà, người Miên... xây nhà san sát để buôn bán dọc theo kênh. Họ dựng những tiệm hủ tiếu, thịt quay, cháo cá, cà phê, thuốc bắc của người Hoa và đôi ba tiệm của người Chà bán vải, tạp hoá, nước hoa ...
Năm 1860 chợ Bến Thành mới được xây dựng lại ở phía nam Kênh Lớn. Trước mặt chợ là một con đường dọc theo kênh được đặt tên đường Charner. Bên kia bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.
Trở thành đại lộ Nguyễn Huệ vào năm 1956, một trong những con đường đẹp nhất, chốn 'cực phẩm phong lưu' của Sài Gòn xưa. Ảnh: Internet.
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ Charner. Dân địa phương thường gọi là đường Kinh Lấp để đến năm 1956 trở thành Đại lộ Nguyễn Huệ.
Chị Thuần nói tiếp: "Để có được như hôm nay, đường Nguyễn Huệ phải trải qua một chặng đường khá dài, 129 năm để hình thành và phát triển".
Ngày 29/4/2015, đường Nguyễn Huệ chính thức trở thành phố đi bộ đầu tiên trên cả nước. Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670m, rộng 64m với những tiện nghi hiện đại đang chờ đón những người yêu mến Sài Gòn.
Con hẻm đặc biệt nhất Sài Thành
Chúng tôi tiếp tục dạo chơi trên đường Nguyễn Huệ và dừng trước một con hẻm.
Con hẻm mang số 53, dài chưa đầy 100m rộng chừng 4m. Vào đầu thập niên 1970, hẻm có tên là hẻm Ba Sườn, vì đầu hẻm có hàng hủ tíu xào, mì xào giòn của anh Ba Sườn.
Hẻm 53 chật hẹp
Những năm đầu thập niên 80, cặp vợ chồng tài danh, ca sĩ Phương Hồng Ngọc và kịch sĩ Ngọc Đức thường hay lui tới để ăn món mì xào giòn ngon tuyệt vời của anh chàng Ba Sườn. Người này chuyên mặc áo ba lỗ và quần xà lỏn để "thao tác".
Ngày trước, cư dân trong hẻm 53 đa phần là người Hoa. Họ đa phần là những người lao động chân tay.
Nhiều nhà xuống cấp được che đậy.
Họ sống thành từng cụm, ít qua lại với những người Việt ở mặt tiền. Bà con trong hẻm làm nhiều ngành nghề như lao động phổ thông hoặc buôn bán lặt vặt. Nhưng dù nghèo hay giàu cuộc sống của người dân trong hẻm 53 cũng rất hiền hòa.
"Cả một thời gian dài sống ở đây, tôi chưa bao giờ thấy họ to tiếng, đánh lộn với nhau", chị Thuần khẳng định.
Hồi ấy, những người buôn bán trước hiên nhà như chú Mười bán viết Parker, chị Cửu bán thuốc lá... hoặc những người buôn bán nhỏ trong hẻm đều thể hiện mối thân tình với nhau.
Chế biến thức ăn ngay tại hẻm
Chúng tôi gặp ông Trần Thành đang cởi trần ngồi trước cửa nhà. Ông là cư dân lâu đời nhất trong con hẻm này. Cựu huấn luyện viên bơi lội 80 tuổi này cho chúng tôi biết, cả hẻm có khoảng hơn 20 căn nhà nhưng đã đổi chủ. Nhiều nhà đã xuống cấp.
Người xưa không còn nhiều nhưng vẫn giữ được nét thuần khiết của con hẻm xưa. Cả hẻm bây giờ ai nấy đầu lao vào cuộc mưu sinh, bán cơm, giữ xe và nhiều công việc lặt vặt khác.
Ông Trần Thành, cư dân lâu đời nhất tại hẻm.
Chúng tôi dạo một vòng. Buổi trưa, công nhân các công trình, viên chức các cơ quan gần đó tấp nập đi vào. Nơi đây có những bữa cơm trưa ngon miệng nhưng rẻ tiền đang chờ họ. Họ ngồi cạnh nhưng bức tường đầy rêu phong. Cuối hẻm, một cầu thang bằng bê tông chắn ngang một phần đường.
"Đã là người Sài Gòn xưa không ai không biết nơi này. Dấu tích một thời quán cơm Bà Cả Đọi vẫn còn đây nhưng những người khách năm xưa và cả bà chủ quán đều không còn", chị Thuần cho biết.
Có thể thấy, khó có thể tìm được con hẻm thứ 2 mang đầy ấn tượng của Sài Gòn như hẻm 53.