游客发表
发帖时间:2025-01-15 04:08:10
-Gửi ý kiến tới VietNamNet, độc giả Anh Tú "thử đưa ra một vài dựa đoán về các “Đáp án có thể có” cho bài toán này và cùng nhau bàn luận các khía cạnh không được của nó cho câu chuyện đang nan giải "cấm tuyển sinh vào lớp 6" hiện nay.
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6, thực hiện triệt để với các trường công lập và dân lập trong cả nước. Với chủ trương này, việc tuyển sinh vào một số trường có số lượng hồ sơ đăng ký lớn hơn nhiều lần so với nhu cầu thực tế, trở thành một bài toán vô cùng khó giải.
1.Xét tuyển, cứ đúng tuyến mà xét
Đây là cách thức duy nhất không mâu thuẫn với chủ trương và mục đích của Bộ, cách làm này thực sự giúp học sinh giảm tải.Các trường nổi tiếng như Ams hay Trần Đại Nghĩa chỉ được tuyển sinh học sinh có hộ khẩu trong địa bàn của trường.
Thế nhưng cách thức tuyển sinh này vẫn làm nảy sinh nhiều tiêu cực vì khi đội ngũ giáo viên giỏi, dạy tốt vẫn tập trung ở các trường này thì phụ huynh vẫn muốn cho con em được vào trường đó. Và dù chỉ tuyển sinh trong một khu vực nhưng chắc chắn số lượng học sinh nộp đơn vào trường sẽ vẫn rất lớn và lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu tuyển sinh thực tế của trường.
Lúc này, nếu các trường chỉ xét tuyển dựa trên học bạ thì việc đánh giá học bạ dựa trên tiêu chí đạt và không đạt hiện nay cũng khó có thể làm căn cứ để các trường tuyển học sinh vì hầu hết các em tiểu học đều được đánh giá đạt. Vì vậy, đáp án này thực sự khó khả thi.
2.Xét tuyển vào các trường chất lượng cao dựa vào kết quả thi toán và tiếng Anh trên mạng.
Đây là cách thức xét tuyển mâu thuẫn nhất với chủ trương của Bộ Giáo dục và có thể nói là hoàn toàn đi ngược với chủ trương mà Bộ đã đề ra.Trước đó, Bộ yêu cầu xóa bỏ các cuộc thi học sinh giỏi tiểu học, tuyệt đối không tổ chức các đội tuyển thi học sinh giỏi để giảm tải cho học sinh.
Các cuộc thi toán và tiếng Anh trên mạng lúc này chỉ còn là các sân chơi trí tuệ do học sinh tự nguyện tham gia. Lúc này, các cuộc thi đúng nghĩa là một sân chơi không bắt buộc.Là một sân chơi, tham gia hay không là quyền của mỗi học sinh. Là một sân chơi, các kết quả và giải thưởng chỉ có giá trị khuyến khích, đánh giá, ghi nhận khả năng, chỉ là một nơi để “thử sức”, “thử năng lực” của học sinh. Là một sân chơi không bắt buộc nên có những học sinh giỏi thích thì tham gia chơi và đương nhiên cũng có nhiều học sinh giỏi không thích thì không tham gia chơi.
Vì vậy, nếu lấy kết quả của cuộc thi này để đánh giá sẽ không công bằng cho tất cả học sinh không tham gia cuộc thi này. Và khi đó, cuộc thi này sẽ không mang tính chất là một cuộc thi chơi, thử sức nữa - nó là cuộc thi học sinh giỏi chính thức, kết quả của cuộc thi này có giá trị xét tuyển, là “chiếc vé thông hành” để bước vào các trường chất lượng cao.
Nếu như vậy, phụ huynh có thể phản ứng: thà Bộ đừng đưa ra chính sách cấm thi học sinh giỏi, thà Bộ đừng nói đây chỉ là các sân chơi, thà Bộ nói ngay từ đầu là chấp nhận dùng kết quả cuộc thi này để xét tuyển thì tôi đã cho con tôi thi rồi. Và nếu cách thức xét tuyển dựa vào kết quả thi toán và tiếng anh trên mạng được công nhận thì đây sẽ là một cú giáng mạnh vào chính sách giảm tải cho học sinh tiểu học, chính sách bỏ thi học sinh giỏi của Bộ.
Hệ quả là, năm sau, sẽ có một làn sóng luyện thi mới, luyện thi toán và tiếng Anh để được tuyển thẳng vào các trường chất lượng cao. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn một sân chơi thực sự, vô tư lợi nữa, chúng ta lại có một hình thức thi học sinh giỏi kiểu mới và sẽ chồng chất thêm áp lực chạy đua và cạnh tranh giữa các học sinh. Vì vậy, đáp án này cũng không thể được chấp nhận với phụ huynh năm nay.
3.Xét tuyển dựa vào bài kiểm tra IQ hay khảo sát năng lực bằng tiếng Anh.
Nếu không thi kiến thức thì kiểm tra IQ hay khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Thực ra, đây cũng chỉ là một cách khác để đánh giá năng lực tư duy của học sinh bên cạnh cách đánh giá năng lực học sinh dựa vào bài thi kiến thức văn hóa và công bằng mà nói, đây cũng là một cách đánh giá khá hiệu quả.
Thế nhưng, cách tuyển sinh này cũng không hoàn toàn với mục đích giảm tải mà Bộ giáo dục đã đặt ra khi quyết định bỏ thi tuyển sinh vào các trường chất lượng cao mà còn làm cho việc tuyển sinh trở nên vô cùng nặng nề với học sinh tiểu học.
Ai cũng biết rằng, mục đích của bỏ thi kiến thức là để giảm tải cho học sinh, để học sinh không phải mệt mỏi trong các đợt ôn luyện, trong các lò luyện thi. Nếu thay thế thi kiến thức bằng kiểm tra IQ hay khảo sát năng lực tiếng Anh thì học sinh lại phải lao vào ôn luyện hình thức thi kiểu mới này để vào được trường mình mong muốn. Lúc đó, bài kiểm tra IQ và khảo sát năng lực bằng tiếng Anh còn khó hơn nhiều, đánh đố hơn nhiều và áp lực hơn nhiều với học sinh tiểu học, chưa kể học sinh tiểu học học văn hóa trên trường một đằng, bây giờ đi kiểm tra lại thi một nẻo.
Như vậy, nếu kiểm tra IQ hay khảo sát năng lực bằng tiếng Anh, mục đích chính của bỏ thi để giảm tải đã không thực hiện được mà còn tăng thêm tải cho học sinh tiểu học. Vì vậy, giả sử cách thức này được đưa ra cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ, khiến chính sách của Bộ đi vào một vòng luẩn quẩn mới.
4.Phỏng vấn
Phỏng vấn cũng là một cách có thể đánh giá học sinh ở nhiều khía cạnh: tư duy, khả năng diễn đạt, khả năng giao tiếp, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Thế nhưng đáp án này cũng có nhiều nhược điểm khó khắc phục như: Việc đánh giá học sinh không thể đạt được mức độ chính xác tương đối vì nó dựa nhiều vào cảm nhận chủ quan của các thầy cô giáo, tiếp đó, nếu cuộc phỏng vấn không được quay video lại sẽ có nguy cơ dẫn đến sự thiếu minh bạch, thiếu công bằng và làm nảy sinh tiêu cực lớn, thứ 3 là số lượng giáo viên và thời gian đánh giá phải mất bao nhiêu để đủ cho số lượng học sinh lớn? Vì vậy, đáp án này cũng khó thực hiện với các trường.
5.Viết luận tại nhà, làm video tự giới thiệu bản thân đến trường
Đây cũng là một trong số đáp án có thể được đưa ra để đánh giá học sinh. Thế nhưng, đáp án này cũng có rất nhiều điểm tiêu cực: bài luận và video tại nhà không phải do học sinh viết mà do giáo viên và phụ huynh đạo diễn. Việc đánh giá bài luận và video cũng tương đối chủ quan nếu không xây dựng được một khung đánh giá chuẩn và thống nhất.
Tóm lại, khi thử đưa ra các đáp án và thử phân tích nó, chúng ta thấy đáp án nào cũng còn nhiều bất cập. Bài toán tuyển đầu vào lớp 6 với các trường công lâp và dân lập chất lượng cao quả thực là một bài toán vô cùng khó giải.