Nhà báo Nguyên Tử Nên là phóng viên được Thông tấn xã Việt Nam cử làm phóng viên chuyên trách thông tin về hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười trong nhiều năm,ĐồngchíĐỗMườnhà cai cho đến khi đồng chí Đỗ Mười giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng. Báo Bình Dương xin giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyên Tử Nên được đăng trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2012: Cuối năm 1979, tôi được Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cử làm phóng viên chuyên trách thông tin về hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười, khi đó đang phụ trách các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng cơ bản và phân phối lưu thông; trong đó phân phối lưu thông được coi là mặt trận nóng bỏng lúc bấy giờ. Tôi tháp tùng Phó Thủ tướng Đỗ Mười cho đến khi đồng chí giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, tuy có một khoảng thời gian gián đoạn do điều kiện công tác của tôi nhưng nếu tính đủ thì cũng gần 10 năm và là nhà báo có thâm niên đi theo đồng chí lâu nhất. Trong gần 10 năm đó, tôi đã có mặt trong hầu hết các hoạt động của đồng chí và đã hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao, được đồng chí tin yêu và quý mến... Những năm tháng đi theo đồng chí Đỗ Mười, tôi đã trưởng thành rất nhiều về tư tưởng, đạo đức và tác phong của người làm báo; đồng thời cũng học được ở đồng chí những phẩm chất đáng quý của người cán bộ cách mạng: trung thành, bản lĩnh, tận tụy, năng động, sáng tạo và hết mình vì sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Đặc điểm của nước ta trong những năm 80 của thế kỷ XX là vừa ra khỏi chiến tranh, kinh tế- xã hội đang đứng trước những khó khăn, thử thách lớn đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải chung sức chung lòng vượt qua để không những đứng vững, mà còn tiếp tục phát triển và đi lên đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại bằng chính sức mình và bước đi thích hợp do mình lựa chọn. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục trẻ em. Ảnh: TTXVN Cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, đồng chí Đỗ Mười đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân trong việc chỉ đạo, điều hành lĩnh vực mình phụ trách; đồng thời góp phần cùng các đồng chí khác của Đảng và Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các chính sách phát triển cho những năm tiếp theo. Đến nay, nhiều chính sách được thai nghén và manh nha từ những năm đó đang phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước ta trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một đặc điểm nổi bật ở đồng chí Đỗ Mười là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh chủ động, kiên trì và sáng tạo từ tư duy đến hành động; đi đôi với thực hiện phương châm sâu sát, cụ thể, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo ra những thuận lợi và thời cơ mới để thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo niềm tin và sức mạnh cho mình. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, nước ta luôn trong tình trạng “đói” điện, đòi hỏi phải tập trung xây dựng và sớm đưa một số nhà máy điện vào sản xuất. Đồng chí Đỗ Mười, với tư cách là tổng chỉ huy của mặt trận này đã làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Đồng chí trực tiếp đi khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy, làm việc với các ngành có liên quan, các nhà khoa học để tìm ra các phương án xây dựng tốt nhất. Có thời kỳ sức khỏe đồng chí không được tốt, mất ngủ triền miên, nhiều đêm phải dùng thuốc an thần liều cao nhưng cũng chỉ ngủ được 3, 4 giờ. Tuy vậy, trong tất cả những ngày nghỉ chủ nhật, ngày lễ, ngày tết đồng chí vẫn có mặt trên các công trường xây dựng, từ thủy điện Trị An đến Phả Lại, Uông Bí, Hòa Bình, vùng mỏ Quảng Ninh... Đồng chí Đỗ Mười xuống tận hiện trường xem xét tại chỗ những khó khăn đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hỏi chuyện công nhân và các chuyên gia rồi đưa ra những ý kiến chỉ đạo cụ thể, sát thực, hiệu quả. Đã không ít năm, đồng chí cùng làm việc và ăn tết với công nhân các mỏ than ở Quảng Ninh, công nhân trên các giàn khoan dầu của mỏ Bạch Hổ, Vũng Tàu vào đêm giao thừa và ngày mùng một tết. Cũng trong những năm 80 của thế kỷ XX, miền Bắc thiếu lương thực gay gắt, trong đó Thủ đô Hà Nội có thời kỳ dự trữ gạo không được quá một tuần. Đồng chí Đỗ Mười luôn day dứt trước một thực tế là nước ta là nước nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn là vựa lúa của cả nước, nhưng Việt Nam lại luôn ở trong tình trạng thiếu đói. Từ những suy tư, những day dứt không nguôi đó, đồng chí Đỗ Mười tập trung công sức, trí tuệ chỉ đạo thực hiện tốt chỉ tiêu nhập khẩu lương thực đã được Nhà nước cho phép và tổ chức việc thu mua, xay xát và vận chuyển lương thực từ miền Nam ra miền Bắc. Đồng chí và một số cán bộ giúp việc vào miền Nam và làm việc không mệt mỏi tại hầu khắp các tỉnh trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí “nằm vùng” tại một số tỉnh, huyện và xã trọng điểm để nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp, những thuận lợi và khó khăn về mua lúa, những vấn đề đặt ra về kho bãi chứa lúa, về tổ chức xay xát và vận chuyển lúa gạo và cả nhu cầu mua sắm của nông dân sau khi có tiền bán lúa, trong đó vấn đề nổi cộm là giá mua lúa chưa hợp lý, chưa bảo đảm hài hòa được lợi ích giữa nông dân và Nhà nước. Từ những thực tế này, đồng chí trực tiếp đối thoại với nông dân, bàn với chính quyền, các ngành ở địa phương lần lượt tháo gỡ, qua đó tạo ra những thuận lợi mới để nông dân yên tâm bán lúa cho Nhà nước. Kết quả là nhiều năm liên tục, miền Bắc đã vượt qua nạn đói lương thực và từng bước có dự trữ. Cũng qua thực tế chỉ đạo thu mua và vận chuyển lương thực, đồng chí Đỗ Mười đã chỉ đạo bãi bỏ các trạm kiểm soát có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, từng bước tạo điều kiện cho việc mở rộng thông thương hàng hóa nông sản. Với bản lĩnh của người lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo và điều hành sản xuất một số ngành kinh tế trọng điểm, đồng chí Đỗ Mười sâu sát với thực tế sản xuất và đời sống, làm việc không biết mệt mỏi, chân thành lắng nghe ý kiến của người lao động, từ đó tạo sức mạnh mới đủ sức vượt qua những khó khăn, thử thách đang đặt ra của sản xuất và đời sống; đồng thời tạo ra những nhân tố mới để phát triển. Đó là những năm cuối thập niên 80 của thể kỷ XX, với cương vị là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã quyết định dành trọn 20 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Italia cho ngành dâu tằm tơ, mà không chia nhỏ cho một số ngành như đề nghị của bộ chủ quản. Với nguồn vốn này, Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam đã đầu tư khai hoang, trồng dâu, mua thiết bị ươm tơ, dệt lụa hiện đại, mở ra hướng đi mới cho ngành dâu tằm tơ theo con đường công nghiệp hóa. Đồng chí Đỗ Mười cũng chỉ đạo hai ngành công nghiệp và nông nghiệp nghiên cứu và sớm hình thành các vùng trồng cây bông vải tập trung ở Nam Trung bộ nhằm tự túc một phần bông xơ đang phải nhập của nước ngoài… Đồng chí Đỗ Mười là người sống giản dị, tiết kiệm và chan hòa với mọi người. Đồng chí từ chối việc cung cấp điều hòa, đệm mút của văn phòng, từ chối cả việc đổi chiếc ô tô đồng chí sử dụng khi vào miền Nam công tác lấy chiếc xe mới hiện đại hơn. Bộ Chính trị quyết định cho đồng chí sử dụng máy bay theo chế độ chuyên cơ như các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước trong những lần đồng chí ra vào miền Nam huy động lương thực, nhưng đồng chí yêu cầu các đồng chí hàng không Việt Nam xếp khách đủ số ghế còn lại của chuyến bay đó để không lãng phí phương tiện của Nhà nước. Gần như thành nếp trước mỗi chuyến bay, đồng chí đều kiểm tra và chỉ cho phép cất cánh khi không còn một ghế trống. Những người giúp việc như anh em chúng tôi hầu hết đều có gia đình ở Hà Nội và khẩu phần lương thực những năm đó đều theo chế độ tem phiếu. Tuy vậy, mỗi chuyến từ miền Nam ra, đồng chí chỉ cho phép mỗi người được mua 10kg gạo mang theo và không phải chuyến nào cũng được phép mua; trong khi đó đồng chí lại nhắc bác sĩ Viện Quân y 103 đi theo mua hộ cho các thầy thuốc ở viện này một ít gạo. Tôi còn nhớ một kỷ niệm có liên quan đến việc mua gạo trong chuyến đi làm việc tại Tây nguyên. Lần ấy, các đồng chí ở Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai có mua hộ anh em trong đoàn mỗi người 10kg gạo vì biết Hà Nội đang thiếu gạo. Biết việc này, đồng chí Đỗ Mười phê bình gay gắt, đồng chí nói: “Nhà nước phải mua và vận chuyển mấy trăm cây số mới đưa được vài chục tấn gạo lên cho đồng bào, thế mà các anh lại mua gạo ở đây mang về... Đồng bào sẽ nghĩ như thế nào về tôi và các anh”. Chúng tôi coi đây là một bài học bổ ích đối với mỗi người. Đồng chí Đỗ Mười luôn nhắc nhở cán bộ giúp việc là những người đi theo tránh làm phiền hà cho các cơ sở khi đến làm việc, không được nhận quà biếu dưới bất cứ hình thức nào và đồng chí thường xuyên kiểm tra việc này. Khi đi làm việc với các địa phương và cơ sở ở miền Bắc, xong việc dù muộn đồng chí cũng về, chứ không ở lại gây phiền hà và tốn kém cho cấp dưới. Yêu cầu này đã được thực hiện đối với cả những lần đi công tác ở miền Nam. Với tôi, đồng chí Đỗ Mười còn là một tấm gương sáng về học tập. Học tập để nâng cao trình độ, có thêm kiến thức đối với đồng chí vừa là nhu cầu, vừa là công việc tự nhiên trong đời sống hàng ngày. Cùng với việc đúc kết kinh nghiệm qua thực tiễn, đồng chí dành thời gian cho việc đọc các sách kinh điển của Mác, Ăngghen và Lênin về kinh tế và quản lý kinh tế. Những cuốn sách này, đồng chí luôn mang theo và đã tranh thủ đọc khi có thời gian rảnh rỗi dù chỉ là rất ít khi ngồi trên máy bay, lúc ô tô lưu thông lên đường… Cách đọc ấy và những cuốn sách ấy đã giúp cho đồng chí có điều kiện bù lại những kiến thức mình còn thiếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sẽ là một thiếu sót nếu không nói đôi điều về sự quan tâm của đồng chí Đỗ Mười đối với báo chí. Tôi thật sự biết ơn đồng chí về những điều đồng chí chỉ bảo đối với công tác thông tin ngay từ những ngày đầu tôi đi theo để thực hiện nhiệm vụ mà cơ quan giao. Đồng chí luôn nhắc tôi phải từ góc độ của cơ quan thông tin chính thống của Nhà nước mà xác định nội dung cần thông tin, mức độ cần thông tin và đối tượng được hưởng thụ những thông tin để từ đó đưa thông tin cho trung thực, chính xác và kịp thời. Đồng chí cũng nhắc không phải thông tin về hoạt động của đồng chí ở cơ sở mà là thông tin về những điều họ quan tâm đã được người thay mặt Chính phủ giải đáp như thế nào từ những phát biểu của chuyến đi đó. Đồng chí Đỗ Mười có nếp quen là trực tiếp xem tin do phóng viên viết chứ không giao cho trợ lý và những người giúp việc khác. Đồng chí cũng yêu cầu phóng viên phải viết và đưa tin cho đồng chí xem trong thời gian sớm nhất. Đồng chí đã nhiều lần để chậm bữa ăn trưa và ăn tối vì ngồi lại xem tin cho phóng viên kịp phát về các báo. Qua xem tin, những chỗ nào thấy chưa đạt yêu cầu, đồng chí cùng phóng viên trao đổi và sửa chữa ngay nhằm bảo đảm chất lượng các bản tin. Đã không ít lần đồng chí yêu cầu người lái xe của mình xuống tận nhà báo cho tôi ngày hôm sau có mặt ở nhà đồng chí để đi công tác ở miền Nam (do chiều hôm trước chưa báo kịp) hoặc yêu cầu văn phòng bố trí xe đón riêng tôi để kịp đoàn trong một chuyến đi thăm miền Trung bị bão lụt… Từ năm 1992, tôi không được tháp tùng đồng chí Đỗ Mười nữa, nhưng những gì thuộc về phẩm chất của người cán bộ cách mạng cùng những chỉ bảo của đồng chí về nghiệp vụ báo chí mãi có giá trị đối với những năm tháng sau. (Theo TTXVN) |